Một học giả Nhật Bản dịch các truyện ngắn Việt Nam đương đại

21/12/2005
Một nhà dịch thuật nổi tiếng người Nhật Bản thông qua bản dịch của mình đang hé mở cánh cửa vào nền văn hoá Việt Nam, kết nối Việt Nam với các độc giả Nhật Bản.

Chị Kato Sakae, 52 tuổi vừa xuất bản tập 2 của “Tuyển tập các truyện ngắn Việt Nam hiện đại” bằng tiếng Nhật. Dưới đây là phỏng vấn do báo Thanh Niên thực hiện.

 

Tuyển tập này là dành cho các độc giả như thế nào?

 

Phần lớn họ ở lứa tuổi trung niên rất thích những câu chuyện về quá khứ. Họ muốn sống lại tuổi thơ ở nông thôn và đó cũng là bối cảnh của các chuyện trong tuyển tập này. Phong cảnh nông thôn Việt Nam được mô tả một cách gần gũi với Nhật Bản.

 

Sách sẽ được phân phối qua các hiệu sách hay thư viện?

 

Chúng tôi sẽ ưu tiên cho các thư viện, và ở đó tuyển tập này sẽ được ưa thích hơn.

 

Chị chọn dịch các truyện dựa trên những tiêu chí nào?

 

Khoảng 10 năm về trước, tôi đã dịch tập 1 các truyện Việt Nam đương đại. Lần này, tôi chọn nhiều truyện đương đại vào những năm 1990, phản ánh thực tế xã hội ở Việt Nam ngày nay.

 

Khuynh hướng đặc biệt của văn học Việt Nam vào những năm 90 là sự nổi lên của những nhà văn nữ và nhà văn trẻ sinh ra sau cuộc chiến tranh. Trong tuyển tập này, 7 trong số 11 truyện là của các tác giả nữ và 2 là của tác giả trẻ.

 

Ngoài ra, tôi cũng chọn những truyện liên quan đến lịch sử Việt Nam.

 

Những nhân vật nào trong truyện của Việt Nam khiến chị thấy gần gũi và tại sao?

 

Tôi thích các nhân vật đẹp, năng động, chịu khó và thông minh, những người tỏ ra trẻ trung hơn tuổi tác. Những nhân vật này sẽ tồn tại lâu ở Việt Nam trong thời đại hoà nhập toàn cầu.

 

Gần đây, phim Hàn Quốc chiếm ưu thế ở các nước Châu á như Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Theo chị, vì sao người xem ở những nước này lại thích phim Hàn Quốc?

 

Hầu hết những người Nhật Bản thích phim Hàn Quốc là những người trung niên. Vì các gia đình và lối sống trong các phim Hàn Quốc hiện đại giống ở Nhật Bản nên những người hâm mộ cảm thấy như đang sống trong thế giới thực và hoá thân vào các nhân vật.

 

Mặt khác, thanh niên Nhật không thích phim Hàn Quốc vì họ có lối sống khác. Khi họ đang yêu, họ làm tất cả những gì họ muốn. Họ tự quyết định số phận của mình.

 

Lối sống của thanh niên Nhật có gì khác với các thế hệ trước?

 

Thanh niên Nhật ngày nay lớn lên trong một đất nước đã phát triển. Họ không phải phấn đấu vất vả để đạt được những gì họ muốn. Trong khi sinh viên Việt Nam phải học tiếng Anh ngày đêm với hy vọng tìm được việc làm trong các công ty nước ngoài, sinh viên Nhật Bản không cần tiếng Anh vẫn có thể làm việc cho các công ty lớn của Nhật. Họ học tiếng Anh chỉ để giao tiếp và đi du lịch.

 

Nhật Bản là một nước phát triển cao. Người Nhật Bản có phụ thuộc vào công nghệ hiện đại không?

 

Nhiều hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng không rời tay khỏi điện thoại di động. Khi không sử dụng đến họ vẫn cầm điện thoại trong tay. Họ dính chặt vào điện thoại và ngay trong giấc ngủ họ cũng có thể nghe máy ngay lập tức.

 

Ngày nay, phim ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc thường xuyên có mặt trên các kênh truyền hình của Việt Nam trong khi đó các phim Nhật Bản lại rất hiếm. Chị nghĩ gì về điều này?

 

Tôi nghĩ đó là do Việt Nam phải trả tiền bản quyền cao để chiếu phim Nhật Bản.

 

Văn học đương đại Nhật Bản vẫn chưa được giới thiệu ở Việt Nam. Đó là điều đáng tiếc bởi vì chúng tôi muốn biết những chủ đề nào đang được các nhà văn Nhật Bản quan tâm?

 

Có thể còn ít dịch giả giỏi bằng tiếng Nhật.

 

Chị còn điều gì muốn nói với độc giả báo Thanh Niên?

 

Ngoài việc dịch thuật, tôi còn viết về văn hoá Việt Nam đương đại cho một số báo ở Nhật Bản. Thanh Niên là một trong số những nguồn tin thú vị và đáng tin cậy nhất của tôi.

 

Tôi hy vọng độc giả sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến cho báo Thanh Niên vì ý kiến bạn đọc sẽ quyết định chất lượng của một tờ báo./.

Theo Thanh niên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video