Một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên

03/12/2005
 

Đào tạo nghề và hỗ trợ thiết bị cho lao động ở các xã nghèo

 

Nhằm phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các xã nghèo, tạo điều kiện cho người lao động nghèo có thêm thu nhập, góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã nghèo trong tỉnh. UBND tỉnh Phú Yên quyết định đầu tư dự án “Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề các xã nghèo năm 2005”, tổng số vốn đầu tư là 256 triệu đồng.


Đối tượng tham gia dự án này là những hộ gia đình có điều kiện tham gia sản xuất, ưu tiên những hộ thuộc gia đình chính sách, gia đình khó khăn, hộ nghèo đói, hoặc các hộ có nguy cơ nghèo đói cao. Tổng số lao động tham gia dự án là 120 người, ở xã Sơn Giang (50 lao động), xã An Phú (20 lao động), các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành Đông, Xuân Sơn Bắc, An Thạch (mỗi xã 10 lao động). Dự án sẽ hỗ trợ đào tạo đào tạo nghề đan mây tre lá xuất khẩu, chế biến hải sản khô tẩm sấy; hỗ trợ thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác đào tạo nghề và tổ chức sản xuất sau khi người lao động được đào tạo nghề. 

          Thực hiện giải pháp chăn nuôi bò phát triển theo hướng ổn định


Tỉnh Phú Yên đã đưa một số nhóm giải pháp cơ bản cần thực hiện để đưa ngành chăn nuôi bò phát triển ổn định theo 3 hướng: Đầu tư con giống không chỉ về chất lượng mà chủng loại phải đa dạng và phong phú; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật hoạt động mạnh ở tuyến huyện và cơ sở; nhân rộng các mô hình về lai tạo cũng như vỗ béo đàn bò. Tại những vùng có điều kiện nước tưới, tiếp tục trồng cỏ cao sản; vùng trung du và miền núi không chủ động thuỷ lợi cần chuyển hướng cơ cấu cây trồng, trong đó chú ý trồng cây bắp lai, các giống đậu đỗ, mía cho năng suất cao và hàng năm nên chuyển trên 10.000 ha lúa vụ 3 sang trồng bắp lai để làm thức ăn cho bò. Trước mắt, tỉnh Phú Yên phấn đấu trong năm 2005, đưa đàn bò tăng ít nhất 2% và bò lai chiếm tỉ trọng 30% so tổng đàn.

 

Chăn nuôi bò đang trở thành một ngành sản xuất chính trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Phú Yên trên cơ sở tiến hành cải tạo, nâng cấp đàn bò vàng địa phương. Từ đầu những năm 1990, Phú Yên là một trong những tỉnh sớm tham gia vào chương trình quốc gia cải tạo, nâng cấp đàn bò bằng phương pháp phối giống trực tiếp và thụ tinh nhân tạo. Nhờ đó đến nay, đàn bò ở tỉnh Phú Yên không chỉ lên đến 188.270 con, mà trong đó bò lai chiếm tỉ lệ 27,6% so với tổng đàn. Riêng trong năm 2004 số lượng bò đã tăng đến 14,4% so với năm trước đó; đồng thời số bò lai cũng đã tăng thêm 14.500 con, tốc độ tăng lớn nhất trong vòng 15 năm gần đây.

 

Một trong những nguyên nhân chính là nông dân Phú Yên đã và đang dần dần nhận ra rằng lợi nhuận đem lại cho họ từ chăn nuôi bò cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa; tuy rằng chi phí ban đầu bỏ ra tốn nhiều hơn và họ đang tìm mọi cách tham gia. Để cải tạo đàn bò vàng địa phương, tỉnh Phú Yên cũng đã xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ cho chương trình này, trong đó đầu tư 500 bò đực giống lai sind và 4 điểm cung cấp tinh bò giống cùng 50 nhân viên tinh dẫn viên trực tiếp đến từng hộ để giúp nông dân thực hiện thụ tinh nhân tạo cho bò. Đặc biệt trong vòng 3 năm trở lại đây, phong trào thụ tinh nhân tạo bò được nông dân nhiệt tình hưởng ứng và đã có ít nhất 10.000 liều tinh thuộc nhóm bò giống Zêbu đã cung cấp theo yêu cầu của nông dân qua sự giúp đỡ của các tinh dẫn viên. Qua đó, tỉnh Phú Yên đã có ít nhất 4.000 bê lai và dự kiến năm nay số bê lai sẽ có thêm 5.800 con. Bê lai sinh ra đã có trọng lượng từ 20 kg đến 30 kg và sau 24 tháng nuôi trọng lượng đạt từ 250 kg đến 300 kg/con, nghĩa là gần gấp 1,5 lần so với giống bò vàng địa phương. Theo bà Hà Thị Sương, Giám đốc Trung tâm giống và kỹ thuật vật nuôi Phú Yên nếu tính bình quân giá 6 triệu đồng/con thì việc tiến hành phát triển đàn bò thịt theo hướng lai thời gian qua đã đem lại thu nhập cho nông dân vài chục tỉ đồng.

 

Nhiều địa phương có phong trào khá như huyện Tuy An đã có 2.000 con bê lai và dự kiến năm nay sẽ có thêm 2.761 con; huyện Tuy Hòa có số bê lai là 1.000 con và dự kiến trong năm nay sẽ có 1.647 con; còn huyện Phú Hòa có đàn bò 19.975 con, trong đó bò lai chiếm tỉ trọng 68% so với tổng đàn. Huyện đã và đang có chính sách khuyến khích nông dân chăn nuôi bò, trong đó mỗi năm 1 tỷ đồng từ ngân sách để cho những hộ nông dân thuộc diện khó khăn mượn vốn không lấy lãi trong vòng 3 năm nuôi bò lai. Nhờ vậy, đàn bò tăng rất nhanh và chỉ riêng năm 2004, đàn bò ở Phú Hoà đã tăng thêm 5.758 con và trồng được 200 đồng cỏ. Huyện Phú Hoà đã đưa ra mục tiêu năm 2005 sẽ đưa đàn bò lai chiếm tỉ trọng ít nhất 75% và mở rộng diện tích trồng cỏ cao sản lên 350 ha trong qui hoạch vùng đồng cỏ là 540 ha.

 

Cùng với lai tạo đàn bò, các địa phương đã hình thành nhiều vùng trồng cỏ dọc theo hai bên bờ sông Ba, sông Cái... Hiện nay, toàn Tỉnh có khoảng 2.500 ha đồng cỏ, trong đó có 60 ha cỏ hỗn hợp với năng suất từ 400 đến 500 tấn/năm và hàm lượng prôtêin từ 12% đến 18%. Bên cạnh đó, năm 2004, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã thực hiện thành công chương trình vỗ béo bò với 33 điểm trình diễn (mỗi điểm nuôi 2 con bò) tại 6 huyện. Qua 2 tháng nuôi cho thấy bình quân mỗi con tăng trọng 1,12 kg/ngày, gấp 2 lần so với dự kiến; trong khi đó tiêu tốn thức ăn bình quân tương đối thấp, chỉ 4,26 kg thức ăn/kg tăng trọng, thấp hơn so với yêu cầu của dự án là 0,74 kg và chi phí thức ăn tinh là 9.881 đồng/kg tăng trọng. Tính ra tại mỗi điểm nuôi, bình quân thu lãi 1.347.410 đồng; có những hộ thu lãi từ 2 đến 3 triệu đồng...; đồng thời qua mô hình này bước đầu có 3.500 hộ nông dân áp dụng.

 

Mở rộng mô hình nuôi vỗ béo bò, lợn

 

Hợp phần KN chăn nuôi thuộc Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp được triển khai tại tỉnh Phú Yên liên tục trong 3 năm 2002 – 2004, quy mô và kết quả đạt được của mô hình năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2004, hợp phần được triển khai tại 6 huyện thị với 11 mô hình chăn nuôi bò vỗ béo và 11 mô hình chăn nuôi lợn thâm canh.

 

Năm 2004, Ban điều phối TW đã hướng dẫn chi tiết về các phương pháp triển khai và nội dung công việc cần phải thực hiện, thêm vào đó giá bò và lợn lại tương đối cao, có lợi cho người chăn nuôi cũng là 1 yếu tố giúp hợp phần KN chăn nuôi triển khai thuận lợi và đạt kết quả rất cao. Ở tất cả các điểm trình diễn của 22 mô hình đều có sự chuẩn bị chu đáo về việc chọn nông dân chủ chốt, nông dân tham gia và cán bộ theo dõi mô hình. Do đó họ đã chú ý ngay từ những ngày đầu đi tập huấn về địa phương thực hiện theo đúng kế hoạch mà TTKN-L đã đề ra. Tại hầu hết các điểm trình diễn đều đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mà ban điều phối TW đã quy định.

Đối với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo:

 

Sau 2 tháng vỗ béo toàn bộ 11 mô hình với 33 điểm trình diễn tại 6 huyện thị đều tăng trọng rất cao. Tăng trọng bình quân trên toàn tỉnh đạt 1.124g/con/ngày. Tăng gần gấp 2 lần so với yêu cầu của dự án (600g/con/ngày). Đặc biệt có nhiều hộ tăng tới 1.500g – 1.700 g/con/ngày như hộ ông Trương Văn Nhung, Võ Văn Duyệt (TX Tuy Hòa), chị Thái Thị Mỹ Linh (huyện Tuy An), ông Lê Quang Tám (huyện Sông Hinh)... Sau khi phân tích kinh tế tại các hộ nông dân chủ chốt của 6 huyện, thị lãi bình quân 1.347.410đ/1 điểm nuôi 2 con/2 tháng, cao hơn năm 2003: 431.400đ trên 1 điểm nuôi. Có những điểm thu lãi rất cao như hộ ông Trần Văn Đông (TX Tuy Hòa), bà Nguyễn Thị Kim Hoa (huyện Tuy An), ông Nguyễn Ngọc Châu (huyện Sông Hinh) lãi từ 2.000.000 – 3.000.000 đ/2 con/2 tháng tại những điểm này, nông dân đã chọn bò cái gầy để vỗ béo sau đó bán giống.

 

Đối với mô hình chăn nuôi lợn thâm canh: Sau 4 tháng nuôi tăng trọng bình quân ở các điểm nuôi trên toàn tỉnh đạt 600 g/con/ngày, cao nhất là hộ ông Nguyễn Thành Phương (huyện Phú Hòa) tăng 800 con/ngày cao hơn yêu cầu của dự án là 200 g/con/ngày. Tiêu tốn thức ăn bình quân trên toàn tỉnh đạt 3,28kg thức ăn tinh/kg tăng trọng, thấp nhất là hộ bà Nguyễn Thị Cảnh (TX Tuy Hòa) 2,5kg thức ăn tinh/kg tăng trọng. Chi phí thức ăn bình quân là 10.064 đ/kg lợn hơi. Năm do giá lợn giống mua vào thấp 16.000 – 18.000 đ/kg, giá bán lợn thịt tại thời điểm kết thúc mô hình lại cao 14.500 – 16.000 đ/kg heo hơi tùy theo từng giống lợn, mặc dù giá thức ăn đơn cao hơn năm ngoái nhưng ở tất cả các điểm nuôi đều có lãi. Lãi bình quân trên 1 điểm nuôi trên toàn tỉnh là: 344.800 đ/2 con/4 tháng.

 

Trên cơ sở những kết quả đạt được của hợp phần KN chăn nuôi năm 2004, dự án năm 2005, Ban quản lý dự án và Trung tâm Khuyến nông – Lâm sẽ tiếp tục triển khai các mô hình tại 7 huyện, thị trong tỉnh với số lượng khoảng 12 mô hình chăn nuôi bò vỗ béo và 12 mô hình chăn nuôi lợn thâm canh. Việc triển khai rộng khắp các mô hình sẽ giúp bà con nông dân trong tỉnh có điều kiện tiếp cận và áp dụng các tiến bộ KHKT mới, nâng cao hiệu quả trong SX và góp phần thực hiện những mục tiêu mà hợp phần KN chăn nuôi đã đề ra.


                         Đầu tư hơn 10 tỉ đồng khôi phục làng nghề bánh tráng

 

Tỉnh vừa đầu tư hơn 10 tỉ đồng (trong đó có 4 tỉ đồng vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản) để khôi phục, phát triển làng nghề sản xuất bánh tráng Đông Bình - một làng nghề truyền thống nổi tiếng hơn 100 năm nay thuộc xã Hòa An, huyện Phú Hòa.

 

Nguồn kinh phí này được sử dụng để mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng, hệ thống xử lý nước thải cho làng nghề, đào tạo nghề... Dự án qui tụ hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất bánh tráng tập trung trên diện tích 5ha.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video