Một vài suy nghĩ về thực trạng và giải pháp phòng, ngừa xâm hại tình dục trẻ em tại Đồng Tháp

13/09/2018
Những năm gần đây, các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em thường xảy ra bất ngờ, khi cha mẹ và người thân trong gia đình không thể luôn ở bên cạnh để bảo vệ các em. Trẻ em thiếu sự chăm sóc chu đáo của người thân trong gia đình càng dễ bị XHTD...

Theo kết quả tiếp nhận, can thiệp hỗ trợ của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Đồng Tháp, trong 5 năm qua (từ 2013 đến hết tháng 6/2018) đã có 187 trẻ em bị XHTD.

Trẻ em bị XHTD phải chịu những hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Trẻ bị XHTD thường hoảng loạn, sợ hãi, mặc cảm, xấu hổ thu mình lại, không muốn giao tiếp, cảm giác tuyệt vọng, thậm chí các em còn bị gia đình, người thân, xã hội khinh rẻ, đổ lỗi, làm cho các em mất niềm tin vào mọi người, học hành sa sút, dễ bỏ học, sống buông thả, dễ bỏ nhà đi bụi, một số trẻ có xu hướng muốn trả thù đời, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm. Xâm hại trẻ em làm tình hình an ninh xã hội thêm phức tạp.

Những thủ đoạn XHTD trẻ em thường xuất phát từ việc lợi dụng sự ngây thơ của trẻ, lợi dụng trẻ ở nhà một mình, rủ trẻ đi chơi ở chỗ vắng, ít người qua lại, hăm dọa, khống chế, ép buộc, dùng sức mạnh để cưỡng hiếp trẻ; dụ dỗ uống rượu, bia; cho tiền, quà, cho đi nhờ xe; tìm cách tiếp cận quen biết trẻ trên các mạng xã hội như facebook, zalo, lấy lòng tin qua điện thoại…

Một số nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân gia đình và các em như: bố mẹ, người lớn trong gia đình do nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn đến thiếu sự quan tâm thường xuyên, để trẻ ở nhà một mình hoặc gửi con cho người khác trông coi; gia đình buông lỏng quản lý, thiếu phương pháp giáo dục về đạo đức, giới tính và hướng dẫn cách phòng ngừa cho trẻ; không biết bảo vệ đầy đủ hiện trường gây khó khăn trong quá trình điều tra; nhiều gia đình mặc cảm khi có con bị XHTD nên không báo cáo với cơ quan chức năng; có các bậc phụ huynh khi con em mình bị XHTD thiếu sự yêu thương, chia sẻ, bảo vệ thậm chí còn đổ lỗi, giận dữ, quy kết... làm cho trẻ thêm sợ hãi, bất lực.

Trẻ em sống trong xã hội hiện đại nhưng các em chưa được quan tâm, giáo dục đúng mức, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng; một số em thích chứng tỏ bản thân, bắt chước làm người lớn, thích nghỉ học sớm để đi làm thuê,thích sống đua đòi, tò mò về giới tính nhưng không được chia sẻ tích cực. Một số em kết bạn với những người lạ trên facebook, zalo rồi dẫn đến phát sinh tình cảm yêu sớm; trẻ chưa có khả năng chống cự trước các đối tượng xâm hại…

Cùng với đó, hiện nay, hệ thống pháp luật, quy trình điều tra ở Việt Nam còn nhiều ràng buộc, kéo dài thời gian, có nhiều trường hợp rõ ràng trẻ đã bị xâm hại nhưng không đủ cơ sở pháp lý để xử lý đối tượng; hệ thống trợ giúp nạn nhân chưa được phối hợp chặt chẽ còn nhiều hạn chế chưa chuyên nghiệp, nhất là cấp cơ sở.

Từ thực trạng và những nguyên nhân trên, để công tác bảo vệ trẻ em trước tệ nạn xâm hại đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, mỗi gia đình, mỗi người dân và cộng đồng, xã hội. Một số giải pháp cụ thể được đề xuất:

Cần có sự phối hợp giáo dục chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để trang bị cho các em hiểu biết, kỹ năng về tự bảo vệ mình cũng như những phản ứng cần thiết khi bị rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại. Cần giáo dục cho các em một số kiến thức cơ bản, thiết thực như: không đi chơi hoặc hẹn hò bạn bè ở những nơi vắng vẻ, tối tăm; không gần gũi quá mức với người khác, không để người khác, kể cả người thân trong gia đình, hàng xóm, quen biết... tùy ý đụng chạm vào cơ thể, đặc biệt là những bộ phận nhạy cảm; cảnh giác khi có ai đó thường xuyên lai vãng nơi các em vui chơi, hoặc cố ý tạo điều kiện để gặp các em mà không có sự giám sát của người khác; chú ý cảnh giác với các mối quan hệ bạn bè, quen biết qua các trang mạng xã hội …; dạy các em biết phản đối một cách cương quyết và bỏ chạy khi có người nói chuyện không nghiêm túc hoặc có hành vi XHTD trẻ em ; la to, kêu cứu để có người lớn đến giúp đỡ kịp thời; đừng giữ kín chuyện xảy ra, hãy kể lại với những người lớn, bạn bè mà các em tin cậy.

Đối với gia đình, không nên cho trẻ sử dụng điện thoại, nhất là điện thoại thông minh (có khả năng truy cập internet) sớm; quan tâm chăm sóc những sinh hoạt hàng ngày và các mối quan hệ bạn bè của con cái. Không để các em còn nhỏ tuổi chưa biết tự bảo vệ ở nhà một mình hoặc tiếp xúc với người có biểu hiện xấu, những người có bệnh lý hay những trẻ em trong độ tuổi phát dục, kể cả là người quen. Không để các em đi một mình ở những nơi vắng vẻ, không cho trẻ mặc quần áo hở hang hoặc ngủ ở những nơi không kín đáo, dễ gây sự tò mò, kích thích tình dục của đối tượng. Dạy các em từ 4 tuổi trở lên biết cách thổ lộ mọi chuyện, nhất là khi người lớn có hiện tượng sờ mó vào các bộ phận nhạy cảm của mình, không nghe theo khi có người dụ dỗ, lừa gạt đòi bế ẵm hoặc cho các em bánh, quà và rủ các em đi chơi; giải thích cho các em (kể cả trai và gái) hiểu biết về giới tính một cách nghiêm túc, rõ ràng và biết những hậu quả khi trẻ em bị xâm hại; dạy cho trẻ cách thức phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em phù hợp với từng độ tuổi. Tìm hiểu, hướng dẫn, cung cấp, khuyến khích trẻ em xem và đọc các sách báo, xem phim ảnh lành mạnh; tìm hiểu các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; tố cáo ngay kẻ xâm hại trẻ em với các cơ quan pháp luật. Nếu trẻ bị tổn thương cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế; tin tưởng, lắng nghe trẻ một cách tích cực. Khuyến khích trẻ giải bày tâm sự và dành thêm nhiều thời gian để nói chuyện và trấn an tâm lý của trẻ; tìm các chuyên gia tư vấn, giúp đỡ và hướng dẫnkhi cần thiết.

Đối với các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể, cộng đồng xã hội, trước tiên cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Điều hành bảo vệ trẻ em cấp huyện, Ban bảo vệ trẻ em cấp nhằm chỉ đạo thực hiện đồng bộ và huy động các nguồn lực tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 gắn với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cộng đồng, trường học an toàn cho trẻ em.

Trong đó cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung và XHTD trẻ em nói riêng; xây dựng hệ thống cung các cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đồng bộ ở 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp; từng địa phương cần quan tâm đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo vệ trẻ em; tăng cườngtuyên truyền về pháp luật hình sự chú trọng đến nhóm đối tượng có nguy cao có thể xâm hại trẻ em; tuyên truyền về pháp luật bảo vệ trẻ em, nhất là các nội dung kiến thức về phòng chống xâm hại trẻ em đến tận gia đình, trường học tại địa bàn dân cư nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng để mọi người có quan tâm, hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp ngăn chặn kịp thời những tụ điểm nóng, tệ nạn xã hội; xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.

Đối với trường học cần có nhiều hoạt động sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tuyên truyền, giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với từng lứa tuổi học sinh; tăng cường tư vấn nhóm chuyên đề về pháp luật, về tâm sinh lý cho từng giới tính, từng nhóm học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt… ; xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động tổ tư vấn học đường, tạo thành địa chỉ tin cậy, điểm tựa tinh thần cần thiết giúp các em giải quyết vấn đề khó khăn đang gặp phải.

Trần Thắng- Đồng Tháp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video