Muôn kiểu con hư tại cha mẹ

27/08/2011
“Hết thuốc rồi chú ạ, bây giờ mắng chửi đánh đập nó cũng chẳng ăn thua. Bất trị. Vừa rồi nó bỏ học mấy ngày. Nghe tin đồn nó còn kết băng với mấy đứa hư hỏng…”,

Gặp ai, anh Thanh (Long Thành, Đồng Nai) cũng lặp lại điệp khúc phàn nàn về đứa con trai lớp 9 với vẻ mặt buồn chán.
Tìm hiểu mới biết, vì mải chuyện làm kinh tế nên vợ chồng anh phó thác hết cho nhà trường, tin tưởng tuyệt đối vào môi trường giáo dục mà quên đi trách nhiệm uốn nắn, sửa chữa, chia sẻ, động viên hàng ngày của cha mẹ.
Chuyện con anh Thanh thật ra chỉ là một trong rất nhiều trường hợp của hiện tượng thiếu niên đang ở tuổi ăn học, tích luỹ tri thức để vào đời nhưng lại bỏ qua sự dạy dỗ của cha mẹ, tập nhiễm xã hội, chạy theo cám dỗ, rong ruổi ăn chơi, ngồi thâu đêm suốt sáng ở các phòng game, quán nhậu… và không ít em đã phạm tội ở độ tuổi này.
Theo thống kê của viện kiểm sát nhân dân tối cao, gần đây trung bình mỗi năm cả nước có trên 4.700 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện. Nhiều vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích... Những tình trạng lệch chuẩn khác cũng ở trẻ vị thành niên cũng rất đáng lo ngại như lối sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, trụy lạc, lãng phí, lười lao động và học tập, vô cảm với nỗi đau của người khác, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, cá nhân vị kỷ…
Nếu trường hợp của con anh Thanh bắt nguồn từ nhận thức thì cháu Hoàng Anh (lớp 8, Biên Hòa, Đồng Nai) lại thiếu thốn tình cảm. Cha mẹ cháu lúc nào cũng căng lên như dây đàn, yêu cầu con phải học thật giỏi, đáp ứng tất cả những tài liệu phục vụ cho học tập cho con.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cháu thường xuyên chống đối lại cha mẹ vì theo cháu “người lớn luôn bắt ép cháu phải thế này, thế khác mà họ lại không hiểu cháu muốn gì? Cháu thích hay không thích, vui hay buồn…”.
Khi tâm sự với cháu, nhà tâm lý nhận ra: cháu đang bị “đói” về cảm xúc, tình cảm. Ở nhà cháu như một cái máy học để thực thi mệnh lệnh nghiêm khắc của người cha. Ở tuổi dậy thì mà cháu không được chia sẻ, không tìm được niềm vui cùng gia đình, chưa bao giờ cha mẹ cháu cho cháu được đi công viên, thăm họ hàng nội ngoại, khích lệ động viên một thành quả nào đó. Tất cả chỉ mỗi việc học thất tốt. Càng ngày, Hoàng Anh càng không thấy hứng thú trong học tập.
Rồi có bậc cha mẹ lại tập nhiễm cho con những hành vi lệch chuẩn để mong con sau này có sức “đề kháng” với môi trường xung quanh!
Chị Hương (Quận 1, TP HCM ) nhất định cho thằng bé (cháu Phương, lớp 4) không để bạn cùng lứa bắt nạt. Khi bị cậu bạn trong lớp đánh, cháu về nói với mẹ. Tuy nhiên, chị liền mắng con: “vậy mà con lại không thắng nổi nó à? Hôm sau mẹ sẽ bảo cha dạy con mấy chiêu chắc chắn nó sẽ thua con”.
Vậy là giờ đây, con chị luôn bị giáo viên phê bình vì hành vi ngỗ ngược, không tôn trọng các bạn trong lớp, thậm chí còn chống đối cả giáo viên. Mỗi khi được góp ý chị Hương đều để ngoài tai, tự hào vì con mình không bị ai bắt nạt. Ở nhà, cháu cũng luôn cửa miệng những lơi lẽ tục tằn học từ cha mẹ với mọi người, xong không ai nhắc nhở. Những lời lẽ và hành động không gương mẫu của anh chị Hương đã để lại dấu ấn rõ rệt ở một đứa trẻ 9 tuổi.
Tất cả những kiểu dạy con trên đây đều đang đẩy trẻ đến những hành vi lệch chuẩn, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho xã hội.
Các nhà hoạt động xã hội nhận định, tình trạng phạm pháp của trẻ vị thành niên đang gia tăng ở nước ta nguyên nhân chủ yếu từ phía gia đình, cụ thể:
1. Yếu tố kinh tế gia đình: Nhiều gia đình hiện nay rất khá giả. Đây là điều kiện rất tốt để giáo dục con cái trưởng thành. Song nhiều gia đình đã không phát huy được lợi thế này.
Khi có nhiều tiền, những chiêu thức chiều con cũng được các bậc cha mẹ phát huy tối đa để thỏa mãn nhu cầu của các quý tử. Sống trong môi trường chỉ biết nhận và hưởng nên nhiều trẻ không hiểu được giá trị của lao động, thiếu những kỹ năng sống cần thiết, sinh ra ích kỷ lười biếng. Mải làm kinh tế nhiều cha mẹ không còn thời gian để vui chơi tâm sự, thấu hiểu tâm tư tình cảm, định hướng kịp thời cho các em. Để bù lấp những khoảng trống về tinh thần nhiều trẻ đã vùi đầu thâu đêm vào những trò chơi vô bổ và những hiểm họa cũng rình rập, lôi kéo các em từ đó.
Đối với những gia đình còn khó khăn, việc mải kiếm sống qua ngày đã buộc các em phải bươn chải, lo toan quá sớm, vượt quá khả năng có thể. Trong môi trường đầy cạm bẫy, lại chưa được giáo dục định hướng đầy đủ nên những thói hư tật xấu xâm nhiễm dần vào tâm hồn, biến các em thành những đứa trẻ hư hỏng ngay từ nền tảng gia đình.
2. Sai lầm về phương pháp giáo dục: Do các phẩm chất nhân cách chưa được định hình vững chắc, nên đối với trẻ vị thành niên thì định hướng giá trị, động viên, khơi dậy lòng tự tin, tự trọng ở các em là phương pháp giáo dục quan trọng nhất.
Nhiều gia đình đã đem tất cả những mong mỏi, giá trị của cha mẹ để áp đặt cho con cái. Khi trẻ không đáp ứng được, hay mắc phải những sai lầm nào đó, thay vì lắng nghe tìm hiểu, hướng dẫn và cùng các em tháo gỡ, thì nhiều gia đình lại mắng chửi, thậm chí đánh đập, coi đó như là những “chiến công” dạy con của bản thân.
Sống trong những gia đình như vậy, trẻ dần rơi vào thế bị động, lo sợ, thiếu niềm tin với cha mẹ và không dám thổ lộ những suy nghĩ của bản thân đối với gia đình, cho rằng cha mẹ không yêu thương mìnḥ. Để khẳng định bản thân và giải tỏa những ức chế tinh thần, nhiều trẻ đã sa vào con đường hư hỏng như tụ tập, đua xe, lập băng nhóm đánh nhau, gây rối mất trật tự công cộng, hoặc đi tìm các trò tiêu khiển trên mạng, từ đó nhiễm dần các thói hư tật xấu.
3. Thiếu những tấm gương: Là môi trường giáo dục gần gũi và thân thiết nhất nên giáo dục gia đình cần trước hết những tấm gương mẫu mực, mô hình cho con cái:
Dạy con phải thế này, thế khác nhưng hành động của bản thân cha mẹ lại không gương mẫu, nói một đằng làm một nẻo, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Điều đó làm cho việc giáo dục trở nên phản tác dụng. Trẻ không tin cha mẹ, không tin người lớn, tự tìm những lối đi riêng cho bản thân, mất phương hướng, trong đó có những con đường lạc lối đã đưa trẻ đến vi phạm pháp luật.
Để khắc phục những sai lầm này, ngay từ những năm đầu đời cha mẹ hãy luôn quan tâm và giáo dục con cái đến nơi, đến chốn. Tuy theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi mà có biện pháp giáo dục phù hợp. Ở trẻ nhất là giai đoạn vị thành niên, người lớn cần quan tâm đặc biệt để định hướng, điều chỉnh với diễn biến tâm lý.
Đừng bao giờ để trẻ “tự do” phát triển nhân cách, các em cũng không phải là người lớn thu nhỏ lại. Hãy dìu dắt để trẻ lĩnh hội được những bài học đầu tiên về ngôn ngữ, hành vi ứng xử và những quy tắc đạo đức phù hợp. Vừa thật nghiêm khắc, tôn trọng, yêu cầu cao nhưng cũng không phải là hà khắc, thương yêu trẻ nhưng không được nhu nhược, chiều chuộng quá mức. Hãy tạo cho trẻ một môi trường thuận lợi đó chính là nền tảng gia đình, bạn bè, xã hội cùng với một tác động giáo dục thuận lợi, điều đó sẽ quyết định trực tiếp nhân cách của trẻ.

Theo baodongnai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video