Muôn nẻo lý do trẻ... tâm thần

19/11/2011
Những 'cậu ấm, cô chiêu' nhìn bề ngoài rất trẻ trung, sung sức... nhưng bên trong lại có những ấm ức khó nói, khiến cha mẹ buộc phải 'kêu cứu' Bệnh viện tâm thần.

Có hàng ngàn lý do khiến những người bình thường bỗng trở thành người bệnh tại Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia… Trong số đó, có không ít những cô cậu thanh niên nom bề ngoài rất trẻ trung sung sức, nhưng bên trong là những ấm ức khó nói nên lời khiến cha mẹ họ buộc phải đưa con đến bệnh viện cứu giúp.

Khi con cái nổi loạn

Chị Hằng tá hỏa khi nhận thấy cô con gái cưng của mình bỗng nhiên có nhiều biểu hiện lạ, khác thường. Không giấu được xúc động và lo âu, chị quyết định tìm đến một Trung tâm Tư vấn tâm lý với mong muốn tìm hiểu được nguyên nhân và chữa trị cho con.

Huyền bước sang tuổi 17, cái tuổi được coi là đẹp nhất của đời người con gái. Gia đình Huyền thuộc loại khá giả ở thành phố. Từ nhỏ, Huyền đã sống trong sự đầy đủ và hạnh phúc của gia đình. 17 tuổi, ở quê các cô gái đã nhấp nhổm yêu đương rồi lấy chồng nhưng Huyền chưa biết làm việc gì. Thậm chí chuyện nữ công gia chánh Huyền còn chưa biết những kiến thức sơ đẳng. Việc nhà đã có mẹ và người giúp việc làm.

Huyền chỉ học, thời gian rảnh thì chơi với bạn bè. Thế nhưng, thời gian này Huyền bỗng lầm lì, ít nói. Người lớn trong nhà hỏi thì Huyền tỏ ra cáu kỉnh, khó chịu. Ngoài giờ đi học, Huyền ngồi lì trong phòng, khi nào đói bụng mới mò xuống bếp. Bố mẹ tỏ ra rất lo lắng.

Mọi chuyện tưởng sẽ dịu xuống nhưng trái lại ngày càng thêm trầm trọng. Huyền bỗng trở thành một con người hoàn toàn khác. Huyền thường xuyên nổi loạn, sống bất cần, chán ghét bản thân, nhiều hôm, Huyền bỏ nhà đi qua đêm với bạn bè và trở về nhà sáng sớm hôm sau trong bộ dạng thân tàn ma dại và người đờ đẫn.

Nhiều lần, không kìm được tính nóng giận, ông bố đã cho con những trận đòn nhớ đời, nhưng cô bé vẫn đứng trơ lỳ ra đó, không một chút phản kháng. Sau những lần như thế, Huyền càng sống buông thả hơn, bỏ bê học hành, thu mình vào một góc và trở nên xa lạ với những người trong gia đình. Cả nhà không ai có thể nhận ra đó là Huyền nữa.

Mẹ của Huyền đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý mong giải đáp cho hành động của con gái. Chị tâm sư: “Con bé trước chỉ chơi với những bạn con nhà hiền lành, gia giáo, thì nay toàn chơi với trẻ lang thang, bụi đời, ra ngoài thì không sao, nhưng cứ hễ về nhà là như cái bóng. Tâm thần hoảng loạn, xuất hiện những ảo thanh. Đó có thể là câu nói hay lời dẫn dụ như mày ngu thế, mày là con quỷ hai sừng, mày lên chết đi…”.

Vấn đề của cô bé này không nằm ở phía con cái mà chính ở bố mẹ. Ngay từ nhỏ, bố mẹ Huyền đã tạo ra một vỏ bọc khá tốt cho con gái, chăm chút cho con đầy đủ. Nhà khá giả, có điều kiện, bố lại là quan chức to nên lúc nào cũng muốn con mình phải hơn người. Nhờ mối quan hệ tốt, nên từ khi đi học, năm nào Huyền cũng giữ vai trò lớp trưởng và thành tích học tập vào 'top' đầu của lớp. Không những vậy, bố mẹ còn can thiệp cả vào chuyện chọn bạn bè để chơi. Theo họ, chơi với những bạn mà bố mẹ xấu thì cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy, phải nhất thiết, phải tránh xa những đứa trẻ lang thang, bụi đời. Nhưng khi tiếp cận với đám bạn mà trước đây bố mẹ luôn cấm, Huyền như tìm được tuổi thơ bị đánh cắp của mình, Huyền phát hiện ra những cảm xúc trái ngược, biết chia sẻ cảm xúc và không đặt mình lên trên tất cả, có thể sống hết mình vì bạn bè thật với lòng mình. Từ đó, nhân cách của Huyền thay đổi, cô bé chống đối tất cả những gì bố mẹ giáo dục.

Trong cảm nhận của nhà Tâm lý, giáo dục phân biệt, áp đặt đè nén là mầm mống của sự bạo loạn bên trong và xung đột nội tâm. Do đó, bất cứ sự giáo dục phân biệt nào đều là hành vi bạo lực với con trẻ và hủy hoại đi sự trong sáng và cảm xúc với các em.

Rối loạn nhân cách

3 tháng trước, Long được bố mẹ đưa đến khám và tư vấn với những biểu hiện khác thường. Long năm nay 12 tuổi nhưng dáng người như một chàng sinh viên. Thừa hưởng gen từ bố mẹ, Long cao lớn, gương mặt sáng sủa. Ai cũng khen Long đẹp trai như tài tử điện ảnh. Từ năm học lớp một đến giờ, cậu luôn là học sinh khá giỏi. Bố mẹ bận bịu với công việc không có thời gian nhiều cho Long. Nhưng bù lại Long được bố mẹ cho thỏa mãn mọi sở thích. Chỉ cần cậu có ý thích cái này, cái kia thì ngay ngày hôm sau đó bố mẹ đã mang về cho cậu ấm.

Long cũng ý thức được thân thế của mình nhưng không vì vậy mà hư hỏng, hỗn láo. Cậu không chơi bời, đua đòi bạn bè. Ở lớp, Long sống khá hòa đồng và có rất nhiều bạn quý mến. Bố mẹ Long thấy con trai như vậy nên rất yên tâm.

Năm nay, Long lớn hơn hẳn, nhìn cậu khá chững chạc. Trước đây, ngoài giờ học cậu hay ngồi chơi với bố mẹ, kể cho cả nhà nghe chuyện ở lớp, bạn này thế này, bạn kia thế nọ… Thế nhưng, gần đây, cậu không còn thói quen đó nữa. Sau bữa cơm tối, Long thu mình trong phòng. Bố mẹ nghĩ Long nhiều bài vở nên để cậu tự học hành. Thi thoảng, mẹ ngó qua phòng thấy Long vẫn đang chăm chú ngồi trước bàn học, máy tính mở sáng.

Nhưng trái với những gì bố mẹ nghĩ, kết quả học tập của Long lại không cao nếu không muốn nói là sa sút. Bố mẹ cố công tìm hiểu thì thấy Long ngồi cả tối để vào các trang internet, đặc biệt Long hay vào những trang của người lớn. Nguy hiểm hơn, đó là những trang sex đến người lớn xem còn phải “ớn lạnh” nữa là con trẻ. Không hiểu cậu mò mẫm thế nào mà vào được những trang đó. Bố mẹ giật mình, lo lắng cho cậu quý tử.

Ban đầu là những câu chuyện nhỏ nhẹ, khuyên nhủ. Long ngồi im mỗi khi bố mẹ nói đến chuyện đó. Nghĩ con đang dần hiểu ra nên bố mẹ Long mừng lắm. Cả hai càng ra sức yêu chiều cậu ấm. Một lần bất chợt kiểm tra phòng con trai, bố mẹ Long còn choáng hơn khi thấy cậu còn tham gia vào các trang diễn đàn và tiếp tục “nghiên cứu” những trang web đen. Đến lúc này, bố mẹ quyết định phải ngăn cấm bằng cách cắt mạng thì Long tỏ ra khó chịu, bực tức và trở nên lầm lì, ít nói.

Tình trạng học hành vẫn chểnh mảng, người lớn không thể can thiệp vào được. Không còn cách nào, bố mẹ đã đưa Long tới bác sĩ. Long tâm sự: “Cứ có thời gian rảnh rỗi là cháu chỉ muốn vào ngay mạng và các trang người lớn dù biết điều đó là không nên. Người lớn càng cấm, cháu càng say mê”.

TS.BS Đinh Đăng Hòe, bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, bệnh nhân rơi vào tình trạng này kéo dài sẽ không kiểm soát được hành vi của mình. Đáng ngại nhất là bệnh nhân sẽ có những cơn hoảng sợ, lo âu đi kèm với những triệu chứng như cảm thấy bế tắc, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung. Người ta gọi đó là một dạng của rối loạn nhân cách. Nhiều người nặng còn có những hành động không kiểm soát được, gây hậu quả đáng tiếc như tấn công người khác, thậm chí giết người. Rối loạn nhân cách tác động nên hầu hết thái độ và hành vi của người mắc.

Vấn đề thường gặp phải là sự cản trở trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội. Những người bị rối loạn nhân cách có hành vi và cảm xúc khác thường. Hiện tại, có rất ít nghiên cứu về nguyên nhân của bệnh rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, qua quá trình khám phá và điều trị thì thấy môi trường là yếu tố tác động chủ yếu đến rối loạn nhân cách.

Triệu chứng thích khoe hàng

Tình – một nam thanh niên – đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia kể rằng, lúc khoảng 16 tuổi, trong một lần đang đi tiểu, Tình bất ngờ phát hiện ra có một phụ nữ đang nhìn dương vật của mình. Thay vì cảm thấy xấu hổ, ngượng ngập, Tình lại thấy có cái gì đó như “một tia chớp nóng đánh vào mình” khiến cậu có cảm giác khoan khoái bất thường.

Từ đó, Tình thường xuyên có nhu cầu khoe “của quý” của mình trước mặt phụ nữ để tìm lại cảm giác cũ. Cậu thường tìm những nơi vắng vẻ, ít người, tối tăm để “khoe hàng”. Gặp nạn nhân nào càng sợ hãi khi nhìn thấy “của quý” của mình, Tình càng cảm thấy được thoả mãn.

Cứ buổi tối, Tình lại ăn mặc chỉnh tề, đi xe ga sành điệu lượn lờ tới các ngõ nhỏ. Thấy có người phụ nữ nào một mình đi ra đường Tình lại lôi của quý ra để người đối diện nhìn thấy. Nếu họ không nhìn thấy thì Tình ra tín hiệu để cho họ biết. Mỗi lần đối phương nhìn, Tình cảm thấy thích thú và thỏa mãn. Mỗi lần bước ra khỏi ngõ, Tình phải che kín mặt để mọi người không nhận ra. Tình cũng thường xuyên thay đổi nơi đến. Đặc biệt, Tình hay lui tới những xóm trọ đông sinh viên. Nếu hôm nào không khoe được “hàng”, Tình cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt trong lòng. Đêm đó về nhà khó ngủ, suy nghĩ lan man.

Rồi một lần, Tình suýt bị một bạn gái cùng lớp nhận ra khi đang hào hứng “khoe”. Dù chưa thực sự bị phát hiện, nhưng biết mình bị nghi ngờ, Tình vô cùng hoảng loạn. Tình cảm thấy xấu hổ và tự nhủ sẽ cố gắng chiến thắng ham muốn bệnh hoạn đó. Vậy nhưng luôn có một ham muốn bên trong thôi thúc Tình khiến cậu không thể dừng lại. Quá lo lắng, cuối cùng Tình đã phải tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Trên thực tế, hiện trạng nam giới gặp phải căn bệnh giống như Tình không phải là hiếm. Nhưng cách họ “giải tỏa” khiến các nạn nhân vô cùng hoảng sợ, và hầu hết nạn nhân đều cho rằng những kẻ muốn khoe hàng là những kẻ bệnh hoạn.

Bởi vậy, những người mắc bệnh thường có xu hướng giấu giếm, trốn tránh căn bệnh của mình. Các bác sĩ nhận định đây là hiện tượng thủ dâm chốc lát. Cũng có thể coi đó là biểu hiện của tình dục lộ thân (Exhibitionism). Đây là một xu hướng tình dục của con người. Người có xu hướng tình dục lộ thân thường đạt khoái cảm khi được người khác nhìn thấy cơ thể mình, đặc biệt là những bộ phận nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, mông, đùi, bụng…

Tình dục lộ thân có thể xuất hiện ngay sau khi tuổi dậy thì, tức là quãng 15 – 16 tuổi. Nếu chỉ nhìn vào những hành động này thì chưa thể biết được người đó có xu hướng tình dục lộ thân.

Dạy con tuổi dậy thì là thử thách lớn nhất đối với các bậc cha mẹ. Vì đến độ tuổi 'ẩm ương' trẻ thường 'trái tính, trái nết' và ương bướng khiến những 'đấng sinh thành' không khỏi đau lòng. Dạy con tuổi dậy thì sao đây để nhẹ lòng mẹ, thỏa lòng con?

Theo lamme

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video