Mỹ Sơn - Linh thiêng & Huyền bí

16/11/2004
Mỹ Sơn - cái tên đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật Đông Nam Á và Phương Đông, cách Đà Nẵng 60km về hướng Tây Nam, ẩn sâu trong một thung lũng đẹp với vòng núi bao bọc kín. Di tích Mỹ Sơn chứa một tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng nhất của nghệ thuật Chăm với hơn 70 đền tháp và một số lớn bi ký có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ.

Từ con đường bộ ngoằn ngoèo men theo vách núi mới được tôn tạo lại, lát bằng thứ đá màu gan gà nom rất hợp với khung cảnh của khu di tích, Mỹ Sơn hiện lên giữa một thung lũng có đường kính chừng 2km, cắt ngang bằng một con suối sâu chạy theo hướng Bắc. Đến đây bạn sẽ thấy khu di tích mang dáng dấp của một khu vực phòng ngự, được bảo vệ bằng những chiến lũy thiên nhiên hiểm trở.

 

Con đường ngày nay chúng ta đi bộ vào Mỹ Sơn có lẽ cũng là con đường chính mà người xưa đã sử dụng, vì đây là con đường ven núi chạy dài theo một con suối sâu nên rất dễ di chuyển. Nghe nói, trước kia để có vật liệu xây dựng đền tháp tại đây, người ta đã dùng voi để kéo gỗ, đá và gạch từ phía ngoài -nơi vẫn còn những thửa ruộng rộng và sâu để lấy đất làm gạch, mà ngày nay nhân dân quanh vùng gọi là ruộng ô vuông; đá sa thạch lấy cách đám ruộng này vài cây số về phía Tây, hiện vẫn còn nhìn thấy những vết đục để lấy đá tại những mỏ đá này.

 

Mỹ Sơn được phát hiện từ năm 1898 bởi một người Pháp là M.C. Paris. Từ đó, Mỹ Sơn mới được giới khoa học trên thế giới chính thức quan tâm. Trong khoảng hơn 40 năm đầu của thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Mỹ Sơn, và Viện nghiên cứu Viễn Đông đã tổ chức nhiều đợt trùng tu gia cố những đền tháp tại đây. Nhưng rồi chiến tranh lại liên tục xảy ra, nên từ năm 1945 về sau, không một nhà khoa học nào có dịp đến tận Mỹ Sơn để tham quan nghiên cứu. Từ đó, di tích này đã bị bỏ phế hoàn toàn, thời gian cùng bom đạn mặc sức tàn phá những tác phẩm nghệ thuật vô giá của nhân loại. Những thiệt hại lớn nhất xảy ra là vào cuối năm 1969, khi đế quốc Mỹ đặt Mỹ Sơn vào khu vực ném bom rải thảm của máy bay chiến lược B52. Toàn bộ nhóm tháp chính, trong đó có kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Chăm là tháp Chùa A1) cao 24m, đã bị đánh sập toàn bộ thành một đống gạch lớn. Các nhóm tháp khác đều bị đánh bom, bị đại bác xơi thủng và phá sập, khắp nơi trong thung lũng còn ngổn ngang vỏ bom, vỏ rốc - két và vỏ đạn đại bác... Giờ đây, Mỹ Sơn lại hiện lên rực rỡ, thu hút đông đảo những nhà khoa học từ khắp nơi tìm đến. Từ nay, họ lại được dịp nhìn tận mắt, sờ tận tay những kiệt tác mà trước kia chỉ được chiêm ngưỡng qua bóng mờ của những trang sách.

 

Từ đỉnh một ngọn đồi cao, đứng dưới chân khu tháp, chúng ta có thể nhìn thấy toàn cảnh khu thánh địa với bao vết tích thô bạo của chiến tranh. Ngày nay Mỹ Sơn chỉ còn lại khoảng 20 ngôi tháp đứng bên những hố bom lỗ chỗ, có hố sâu đến 4m, rộng đến 8m, nhiều khu tháp bị sụp đổ toàn bộ thành những đống gạch cao hàng chục mét. Những cột trụ, vật trang trí kiến trúc, tượng thờ, bi ký nằm ngổn ngang, những tường tháp loang lổ bởi rốc-két Mỹ xói thủng... Nhưng, dưới những đống gạch đổ nát ấy, vẫn ẩn tàng những tuyệt tác nghệ thuật đã được tạo nên bởi những bàn tay, khối óc đầy tài hoa của các nghệ sĩ Chăm.

Theo báo Hà Nội mới

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video