Nam Định: Gương phụ nữ điển hình

07/08/2020
- Chủ tịch Hội LHPN xã quyết tâm “không để một tấc đất hoang”
- - Hội viên phụ nữ vượt khó với mô hình phát triển kinh tế VAC
Chị Huyền đầu tư máy tuốt lúa đã góp phần giúp hội viên, phụ nữ nâng cao năng suất lao động trên cánh đồng lúa

- Chủ tịch Hội LHPN xã quyết tâm “không để một tấc đất hoang”

Xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là một xã thuần nông, có trên 70% diện tích là đất nông nghiệp. Xã có 3.741 hộ dân với 10.604 nhân khẩu, trong đó phụ nữ từ 18 tuổi trở lên 3.690 người; 2.357 hội viên tham gia sinh hoạt tại 22 thôn xóm. Trong những năm gần đây, số lao động nữ trong ngành nông nghiệp ngày một thu hẹp dần, bởi giá trị thu nhập từ ngành nông nghiệp đem lại không những bấp bênh mà còn rất thấp so với các ngành nghề khác, do vậy diện tích đất trồng lúa bỏ hoang ngày càng nhiều. Trước thực trạng đó, Đảng ủy giao cho Hội LHPN xã phụ trách tiêu chí nông thôn mới của xã là “Lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên”.

Với trách nhiệm là người đứng đầu tổ chức Hội, thực hiện nhiệm vụ được giao, chị Lê Thị Huyền – Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Thanh vô cùng trăn trở, suy nghĩ. Chị nhận thấy, bên cạnh nghề nông, Nam Thanh còn nhiều nghề truyền thống khác như: nghề đúc nhôm, thổi thủy tinh, nghề dệt... Những nghề này đã và đang góp phần tạo việc làm thường xuyên cho lao động nữ với mức thu nhập bình quân từ 3 -4 triệu/người/tháng.

Sau khi khảo sát tình hình, chị Huyền đã tập trung xây dựng kế hoạch lựa chọn ưu tiên, triển khai các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương mình. Ý tưởng của chị nhận được sự đồng thuận của BCH Hội LHPN xã và được hội viên, phụ nữ hưởng ứng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp. Chị cùng cơ sở Hội tổ chức cho chị em được đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế tốt trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các ngành tổ chức các buổi truyền thông, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho năng suất cao, mở 8 lớp học nghề cho gần 300 lao động nông thôn, hỗ trợ 36 chị là gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo vốn vay, con giống, ngày công…. Chị còn chủ động thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ trung bình, từ đó vận động chị em chung tay góp sức ủng hộ, giúp đỡ chị em gặp khó khăn, rủi ro, hoạn nạn, đã trao tặng 80 suất quà trị giá gần 50 triệu đồng cho hội viên, phụ nữ khó khăn.

Để hỗ trợ phụ nữ vốn làm ăn, phát triển kinh tế, Hội đứng ra nhận ủy thác vốn vay với ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ TYM và các nguồn vốn khác. Hiện nay nguồn vốn do Hội quản lý đạt trên 12 tỷ đồng cho hơn 1.000 hộ vay và duy trì 40 nhóm phụ nữ tiết kiệm với 2.266 hội viên tham gia với số tiền trên 2 tỷ cho trên 300 lượt hội viên vay. 100% hội viên vay vốn phát huy được hiệu quả nguồn vốn vươn lên thoát nghèo.

Cá nhân chị Huyền cũng luôn đồng hành cùng chị em trong sản xuất với quyết tâm không bỏ tấc đất hoang. Chị bàn với chồng mua máy cày, máy gặt, gieo sạ về làm dịch vụ. Việc áp dụng cơ khí hóa nông nghiệp giúp chi phí và ngày công lao động giảm, thu nhập tăng lên, mang lại sự phấn khởi cho chị em. Với những mảnh ruộng bị bỏ hoang do chị em đi làm ăn xa, chị Huyền liên hệ với chủ ruộng và nhận gieo cấy, canh tác, sau mỗi mùa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình chị thu về từ 50 – 80 triệu đồng.

Những kết quả trên đã tạo động lực cho chị em phụ nữ xã Nam Thanh tiếp tục nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế tại địa phương, thực hiện hiệu quả các phong trào, chương trình công tác Hội, góp phần hoàn thành tốt tiêu chí về “Lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên” được Đảng ủy xã giao.

- Hội viên phụ nữ vượt khó với mô hình phát triển kinh tế VAC

Chị Nguyễn Thị Út – xã Yên Đồng, huyện Ý Yên là điển hình phụ nữ thành công trong tìm hướng đi mới, nâng cao thu nhập cho gia đình. Mô hình chuyển đổi VAC của gia đình chị Nguyễn Thị Út với tổng diện tích gần  2.000m2 ngập tràn hoa màu và cây ăn trái cùng khu chăn nuôi tổng hợp đa dạng từ lợn, gà, ngan, bò, chó cho đến ao thả cá.

Chị Út kể, khi lấy anh, hoàn cảnh gia đình chị khó khăn lắm, hoàn cảnh của anh rất đáng thương, gà trống nuôi con khi vợ anh mất vì bạo bệnh, để lại cho anh hai cô con gái còn quá nhỏ. Thương anh, xót bọn trẻ côi cút, chị nhận lời lấy anh, vợ chồng chăm chỉ làm ăn nuôi con nhưng nghèo lắm.

Chị Út cười: Được cái trời ban cho sức khỏe, chưa ốm đau bao giờ, đi làm thuê không biết mệt, không tính thời gian, chỉ có mưa gió to mới nghỉ, ai thuê làm gì chị cũng nhận lời, chị trở thành nổi tiếng với nghề “làm thuê”.

Có được ít vốn, anh chị quyết tâm đầu tư phát triển mô hình kinh tế VAC. Mới đầu chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ với 9-10 con lợn theo phương pháp truyền thống. Công việc chăn nuôi thuận lợi, anh chị không ngừng nghiên cứu tìm tòi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trên sách báo, ti vi, cũng như đến tận nơi học hỏi các mô hình thành công ở các xã lân cận. Để từng bước mở rộng quy mô, phát triển kinh tế, vợ chồng  chị mạnh dạn thuê mảnh ruộng chân 1 lúa của xã rộng hơn 1.000 mét vuông, đầu tư chuồng trại nuôi trên 200 con lợn và phát triển mô hình tổng hợp nuôi ngan, vịt, chó, bò và một áo cá gần 500 m2, trồng thêm  30 gốc bưởi và các hoa màu theo thời vụ…

Chị Nguyễn Thị Út thành công với mô hình phát triển kinh tế VAC

Từ mô hình này, mỗi năm thu nhập của gia đình chị trừ chi phí đạt khoảng 150 -200 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập đó chị đầu tư cho các con, cải thiện cuộc sống gia đình và tiếp tục tái tạo sản xuất mở rộng mô hình.

Kiên trì, chăm chỉ, mạnh dạn dám nghĩ dám làm đã đem lại thành công cho chị Nguyễn Thị Út trong phát triển kinh tế trang trại VAC, trở thành điển hình trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Lê Thi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video