Nam Định: Hiệu quả của mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng

11/09/2011
Năm 2009, tỉnh ta được Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế), Dự án Life-gap và Văn phòng Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội chọn triển khai “Mô hình thí điểm chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng, sử dụng mạng lưới cộng tác viên (CTV) dân số”.

Mô hình đã được triển khai ở 18 xã, phường, thị trấn của huyện Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Dựa vào đội ngũ cán bộ dân số đông đảo ở cơ sở, mô hình đã thành lập các tổ chăm sóc tại nhà, mỗi tổ gồm 2 người (1 cán bộ chuyên trách và 1 CTV dân số), từ đó hình thành mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng. Các thành viên của tổ chăm sóc tại nhà được đào tạo, tập huấn các kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao về HIV/AIDS; Luật Phòng, chống HIV/AIDS, cách tiếp cận, tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ tuân thủ điều trị. Mô hình còn quan tâm chăm sóc các nhu cầu của người có HIV, tạo sự thân thiện, cởi mở, dần xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người có HIV bằng việc triển khai các hoạt động: cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà và cộng đồng cho người lớn, trẻ em bị nhiễm HIV; tư vấn về lối sống tích cực, sức khỏe sinh sản, hỗ trợ tâm lý; tư vấn về tầm quan trọng của tuân thủ điều trị và làm thế nào để tuân thủ điều trị, nhất là đối với bệnh nhân đang điều trị ARV; hỗ trợ tìm việc làm tự nuôi sống bản thân… Trong khuôn khổ của mô hình, những người thân của người nhiễm HIV cũng được cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm trong suốt quá trình điều trị; tư vấn về phòng ngừa lây nhiễm HIV sang người khác; động viên và chuyển những người bị HIV đến các cơ sở y tế để điều trị và chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ hội, các bệnh khác. Đến hết tháng 10-2010, mô hình đã hỗ trợ, chăm sóc được 263 người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ 585 đối tượng là người thân của người nhiễm HIV/AIDS. Chị Nguyễn Thị Hà, một nhân viên chăm sóc tại nhà ở Thành phố Nam Định cho biết: “Lúc đầu khi mới tiếp cận, người có bệnh thường lảng tránh, tôi phải kiên trì đi lại nhiều lần, giải thích và tư vấn, dần dần họ đã hiểu và đồng ý tham gia mô hình”.

Hiện tỉnh ta có gần 90% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 31-12-2010 đã phát hiện được là 4.067 người. Năm 2011, mô hình chăm sóc hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng tiếp tục được triển khai. Ban quản lý mô hình của tỉnh phối hợp chặt chẽ và cập nhật thông tin thường xuyên với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, đề xuất của các nhóm chăm sóc tại nhà và cộng đồng, đặc biệt là vấn đề kết hợp giữa chương trình HIV và dân số - KHHGĐ. Các nhóm chăm sóc tại nhà tham mưu với chính quyền địa phương huy động sự ủng hộ và các nguồn lực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và giảm sự phân biệt, kỳ thị trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các nhóm chăm sóc tại nhà còn phối hợp với trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai hoạt động quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà ban hành năm 2010; triển khai các hoạt động liên quan đến công tác dân số - KHHGĐ cho người nhiễm HIV như: phát bao cao su, tư vấn truyền thông, cung cấp hoặc chuyển gửi người nhiễm và bạn tình của họ đến các dịch vụ sức khỏe sinh sản KHHGĐ nếu có nhu cầu. Đặc biệt, trước thực tế số người nhiễm HIV là phụ nữ đang gia tăng, việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho cộng đồng và cho phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai và cho con bú được chú trọng hơn. Đối tượng đặc biệt này chủ yếu là nhóm phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng mà CTV dân số quản lý. Ngoài ra, các nhóm chăm sóc tại nhà còn góp phần tích cực vào các hoạt động: Theo dõi di biến động dân số tại các địa bàn có người nhiễm HIV; Quản lý, chăm sóc những đối tượng nghiện chích ma túy và tư vấn cho những người có nguy cơ tới các phòng xét nghiệm tự nguyện để xác định tình trạng nhiễm HIV; Phối hợp chặt chẽ với các phòng khám khu vực để giới thiệu những người nhiễm HIV tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc điều trị và thường xuyên tái khám kiểm tra sức khỏe để có can thiệp, hỗ trợ kịp thời, vận động các tổ chức xã hội tại địa phương đóng góp kinh phí, tạo việc làm cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp họ cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Đến tháng 7-2011 đã có thêm 416 người nhiễm HIV tại Thành phố Nam Định và huyện Xuân Trường được tiếp cận và chăm sóc, 897 người thân của người nhiễm HIV được hỗ trợ. Dự kiến thời gian tới sẽ có thêm 6 xã trong tỉnh được lựa chọn triển khai mô hình nhằm tăng số lượng người nhiễm HIV được quản lý và chăm sóc.

Mô hình chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng đã góp phần đáng kể vào chương trình chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV ở tỉnh ta. Theo thống kê trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh có gần 1.500 bệnh nhân AIDS được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, trên 6.440 người nhiễm HIV được chăm sóc tại các xã, phường. Trong giai đoạn này, lũy tích số bệnh nhân AIDS được điều trị ARV là 793 trường hợp, trong đó có 40 trẻ em. Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, trong năm 2011, chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta sẽ điều trị bằng ARV cho 960 bệnh nhân; tư vấn, tham gia xét nghiệm tự nguyện cho 10.500 người nhiễm; tư vấn, xét nghiệm HIV cho 17.640 phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng bằng ARV đối với 100% cán bộ gặp rủi ro nghề nghiệp./.

Theo baonamdinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video