Nam Định: Nâng cao chất lượng cơ sở Hội từ mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”

24/12/2018
Mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” tại thôn Quần Phương, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, là một trong bốn mô hình thuộc 4 tỉnh được TW Hội LHPN Việt Nam chọn chỉ đạo điểm và nhân rộng trong cả nước nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, qua đó nhằm huy động tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở Hội thiết thực, hiệu quả hơn.

Với đặc điểm thôn có tới 95% số hộ là đồng bào theo đạo Công giáo, trước khi triển khai mô hình, Hội LHPN xã Nghĩa Bình đã tiến hành khảo sát nhu cầu của 250/250 hộ gia đình hội viên chi hội. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Hội lựa chọn nội dung ưu tiên là chuyển đổi hành vi thực hiện tốt “3 sạch” (sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp).

Đi vào thực hiện, bên cạnh các hoạt động tập huấn, truyền thông cho cán bộ, hội viên, phụ nữ xã về Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội còn tổ chức tập huấn đầu bờ, hướng dẫn, trao đổi với các hộ gia đình cách phân loại rác thải, kỹ thuật trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa; hỗ trợ: 08 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và có thùng đựng rác thải, sửa bếp dột nát cho 01 hộ, 02 hộ gia đình mỗi hộ 01 tủ bếp và đồ dùng đựng thực phẩm an toàn, đồng thời trực tiếp hướng dẫn và cho chị em thực hành tiêu chí “3 sạch” tại gia đình (vệ sinh xung quanh nhà ở, vệ sinh bếp sạch, cách sắp xếp vận dụng, đồ dùng trong gia đình đảm bảo ngăn nắp, lựa chọn bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh chăm sóc sức khỏe cho thành viên gia đình), xây dựng tuyến đường hoa dài gần 01 km. Đến nay toàn xã có 06 tuyến đường hoa, mỗi tuyến dài khoảng 500m.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, hội viên chi hội phụ nữ thôn Quần Phương, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưnglà một trong 02 gia đình được Hội LHPN xã lựa chọn làm mẫu, tập huấn, hướng dẫn thực hiện 3 sạch, nhân diện trong chi hội và trên địa bàn.

Chị Phượng chia sẻ, mặc dù cơ ngơi của gia đình chịtương đối vững về kinh tế nhưng nếp sinh hoạt vẫn theo thói quen,chưa thường xuyên quét dọn, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ. Toàn bộ khu vực xung quanh, trước và sau nhà chị ở khá rậm rạp, nhiều rác thải, công cụ lao động, đồ dùng bề bộn, gây ra nhiều dĩn, gián, ruồi, muỗi…Cách sắp xếp đồ dùng, vật dụng trong gia đình chưa gọn gàng, hợp lý: phòng ngủ của vợ chồng, con cái, đồng thời là nơi cất cả máy bơm, dép guốc, quần áo các loại, thậm chí có cả quần áo bảo hộ lao động; giường ngủ là nơi để chăn, màn, mũ nón và sách vở học của con…; trước cửa vào bếp nơi thường xuyên nấu ăn là nơi chất đầy dụng cụ lao động nhà nông, bảo hộ lao động, rổ, giá, bao bì…Gian bếp tương đối rộng nhưng các đồ dùng, vật dụng để lẫn lộn. Việc sử dụng tủ lạnh chưa khoa học, thức ăn chưa có hộp cất để cẩn thận, đồ ăn chín lẫn thức ăn sống, chưa có thói quen lau dọn tủ lạnh định kỳ; dùng chung dao thớt thái đồ sống, chín, khu công trình phụ chưa thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ…

Tham gia mô hình,chị Phượng được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cụ thể về thực hiện “3 sạch”, bảo vệ môi trường sống vì sức khỏe của chính bản thân và gia đình. Ngay sau khi được hướng dẫn, chị cùng gia đình bắt tay vào thực hành, cải tạo, sắp xếp lại toàn bộ nhà ở và khu vực xung quanh, phát quang cây cối, cỏ mọc từ ngõ chung của xóm đến ngõ vào nhà chị, xung quanh ao thả cá, cắt tỉa bớt tán xây cảnh, dọn sạch rác thải. Trong nhà ở, từ phòng khách, phòng ngủ, bếp ăn, đồ dùng, nhà tắm, nhà vệ sinh thường xuyên được các thành viên trong gia đình quét dọn, lau chùi, làm vệ sinh. Trước cửa vào bếp chị đặt một giá sắt để cất đồ dùng lao động, vật dụng gia đình gọn gàng, ngay ngắn, tiện lợi; khu vườn có thùng đựng rác sau khi phân loại rác thải.

 Ảnh minh họa

 Căn bếp của gia đình chị Phượng giờ ngăn  nắp, sạch sẽ


Chị Phượng phấn khởi cho biết, nhờ được hướng dẫn và thực hiện tốt “3 sạch”, quang cảnh xung quanh cũng như trong gia đình chị hiện nay đã sạch sẽ, gọn gàng, giảm hẳn dĩn, giãn, ruồi, muỗi. Hiện nay, công việc thu dọn, vệ sinh nhà cửa, thực hiện “3 sạch” đã trở thành nề nếp của gia đình chị Phượng.

Sau gần 02 năm triển khai mô hình Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN xã Nghĩa Binh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao vai trò của tổ chức Hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, 100% hộ gia đình hội viên chi hội phụ nữ thôn Quần Phương có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và thực hiện tốt “3 sạch”.Thôn Quần Phương đã trở thành chi hội “Sáng, xanh, sạch, đẹp” góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, khu dân cư văn hóa. Hiệu quả của mô hình đã lan tỏa trong toàn xã, toàn huyện. Riêng xã Nghĩa Bình đã nhân rộng mô hình tại 13/13 chi hội, thu hút 100% hội viên tham gia; 25/25 cơ sở Hội trong toàn huyện Nghĩa Hưng và 389 chi hội trong toàn tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Hội LHPN tỉnh Nam Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video