Nam Định: Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV tại cộng đồng

01/12/2010
Theo số liệu của Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh Nam Định, đến nay, toàn tỉnh đã xác định được gần 4.000 người nhiễm HIV, 1.740 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và có khoảng 1.000 bệnh nhân đã tử vong vì AIDS.

Ở 10 huyện, thành phố và 92% số xã, phường trong tỉnh đã phát hiện người nhiễm HIV. Tuy nhiên, trong thực tế, con số này còn cao hơn rất nhiều do còn nhiều người nhiễm chưa được phát hiện. Cũng như nhiều địa phương khác, những năm gần đây, số người nhiễm HIV trong tỉnh không chỉ tập trung ở những đối tượng nguy cơ cao như người nghiện ma tuý, gái mại dâm mà đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng với đối tượng nhiễm ngày càng đa dạng... Đặc biệt số phụ nữ bị lây nhiễm HIV đang có chiều hướng tăng lên, năm 2006 số phụ nữ bị nhiễm HIV được phát hiện chỉ chiếm 13,2% tổng số người nhiễm, đến năm 2009 tăng lên 25%. Điều đau lòng là có nhiều phụ nữ nông thôn bị lây nhiễm HIV từ chính người chồng trong khi họ sống lành mạnh, thủy chung; đã có nhiều trẻ em sinh ra cũng bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. 


Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng song hiện nay, số người nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân do hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về HIV/AIDS chưa được đẩy mạnh trong cộng đồng dân cư mà mới chỉ tập trung vào một số đối tượng và trong một thời điểm nhất định nên chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức, tỷ lệ người dân có hiểu biết đúng, đủ về HIV và những con đường lây truyền, cách phòng chống còn hạn chế, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên - đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại phòng lây nhiễm tuy đã được triển khai song “độ bao phủ” còn hạn chế, mới có 7/10 huyện thành phố và 131 xã, phường, thị trấn được triển khai, số còn lại vẫn còn “bỏ ngỏ” trong khi tình trạng tiêm chích ma tuý vẫn là nguyên nhân chính gây ra sự lây lan HIV trong cộng đồng. Một người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV cùng lúc có thể làm lây truyền cho nhiều người khác nếu không biết cách phòng tránh. Bên cạnh đó, hoạt động theo dõi, quản lý người nhiễm HIV hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết người nhiễm không có việc làm ổn định, thường xuyên đi làm ăn xa. Hiện chỉ có khoảng 1/3 số người nhiễm đã phát hiện được quản lý giám sát, tư vấn thường xuyên; số còn lại không có mặt tại địa phương hoặc có địa chỉ không rõ ràng; nhiều người nhiễm còn có tư tưởng “giấu bệnh” nên việc tư vấn, chăm sóc đạt hiệu quả chưa cao... Được sự hỗ trợ của các dự án quốc tế và chương trình Phòng chống AIDS quốc gia, từ năm 2005, bước đầu một số bệnh nhân AIDS trong tỉnh đã được điều trị thuốc kháng vi-rút ARV. Đến hết năm 2009, toàn tỉnh có 558 bệnh nhân đã và đang được điều trị ARV.


Nhiều bệnh nhân qua quá trình điều trị cho thấy thuốc kháng vi-rút đã mang lại hiệu quả rõ rệt, sức khoẻ của người nhiễm đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên đến nay, số bệnh nhân được tiếp cận với ARV còn quá ít so với tổng số người mắc. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc giúp đỡ người nhiễm HIV chưa thực sự được quan tâm; số bệnh nhân AIDS đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế mới chiếm khoảng 14% tổng số người nhiễm và khoảng 600 người nhiễm đang được chăm sóc ở các xã, phường dựa vào đội ngũ đồng đẳng viên.


Để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm trong diện quản lý được tư vấn và tiếp xúc với các dịch vụ y tế, thời gian tới cần mở rộng mạng lưới các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, các phòng khám điều trị nội, ngoại trú ở các huyện, thành phố để tạo thuận lợi cho những người có nhu cầu. Tăng cường mạng lưới giám sát, quản lý người nhiễm HIV, đảm bảo 100% người nhiễm HIV đang sinh sống ở địa phương được tiếp cận với các dịch vụ y tế, 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống AIDS tuyến cơ sở, đồng thời phát huy tính chủ động của người nhiễm, khuyến khích người nhiễm tham gia vào các hoạt động của các CLB người nhiễm, các nhóm tự chăm sóc hỗ trợ lẫn nhau, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 3 CLB người nhiễm HIV/AIDS tại TP Nam Định, huyện Giao Thuỷ, huyện Hải Hậu. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho người nhiễm về cơ hội được tiếp cận với thuốc kháng vi-rút ARV và các dịch vụ y tế./.

Theo baonamdinh online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video