Nắm gạo của người nghèo

16/05/2008
Căn bếp ọp ẹp, nghèo nàn của chị Phạm Thị Luân (xóm Xuân Yên, xã Tân Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An) có cái hũ sành. Mỗi bữa nấu ăn, chị Luân bốc một nắm gạo bỏ vào đó. Nắm gạo chỉ lọt lòng bàn tay, nhưng cứ đến cuối tuần, cái hũ nho nhỏ đã lưng lửng. Và cứ độ một tuần, chị lại bưng cái hũ đến nhà chị Phạm Thị Điều, Chi hội trưởng Hội phụ nữ xóm, đổ vào cái hũ lớn hơn...

Nhà chị Luân nghèo, nếu không muốn nói là rất nghèo. Mấy sào ruộng trên vùng đất cằn vất vả lắm mới nuôi được 6 miệng ăn trong nhà. Mà không riêng nhà chị, ở cái xóm có hơn 40% hộ nghèo này (báo cáo của xã) đồng tiền kiếm được vô cùng khó, hạt gạo sản xuất ra cũng quý như hạt vàng. Đầu năm 2008, Hội Phụ nữ xã phát động "hũ gạo/ống bơ tình thương". Mỗi phụ nữ (trừ những nhà quá nghèo) mỗi bữa ăn lại bỏ vào hũ một nắm gạo hoặc cứ vài ngày cho vào ống bơ 500 đồng, để cuối mỗi tháng, giúp những hộ nghèo hơn mình. Việc làm tùy tâm, không bắt buộc và không đưa ra chỉ tiêu, thành tích nhưng chị em hoàn toàn hưởng ứng. Có 6/7 xóm của xã hưởng ứng bỏ tiền vào ống bơ, riêng xóm Tân Xuân nghèo nhất trong các xóm nghèo, đồng tiền hiếm hoi thì bớt gạo bỏ hũ.

Những cân gạo được gom về nhà Chi hội trưởng Hội phụ nữ xóm vào cuối tháng, rồi được phân về cho những gia đình có hoàn cảnh éo le ở cùng xóm. Lần đầu tiên nhận được gạo, chị Trần Thị Diên đã khóc. Chị khóc vì xúc động khi thấy mình không còn cô độc trong cái nghèo. Mấy năm nay, một mình chị chạy gạo từng bữa đứt hơi để nuôi 3 đứa con nhỏ và người chồng bị bệnh tâm thần. Nay đã có thêm sự trợ giúp từ hũ gạo của những người hàng xóm, cái gánh trên vai chị như đỡ nặng hơn. Những nắm gạo nhỏ nhoi này cũng giúp bà Phạm Thị Gương bớt đi nỗi cô quạnh và túng thiếu. Bà Gương tàn tật từ nhỏ, đôi chân bị liệt, di chuyển bằng đôi tay chống xuống đất, sống một mình trong căn nhà bé xíu nằm bên mé đồi. Không ai biết bà khoảng bao nhiêu tuổi, chỉ đoán "chừng 55 đến 65 tuổi", nhưng mọi người biết bà quá khốn khổ và hạt gạo bớt đi từ bữa ăn hàng ngày của họ đã an ủi bà rất nhiều.

"Mình nghèo, nhưng họ còn khổ hơn, bớt đi mấy hạt gạo mình cũng không nghèo hơn, mà lại giúp được người khác", những người phụ nữ ở đây nói đơn giản về cái hũ gạo trong căn bếp nhà mình như thế.

Hũ gạo tình thương tưởng rằng chỉ còn là biểu tượng của nghĩa cử tương thân mà Bác Hồ chúng ta đã kêu gọi đồng bào thực hiện ngay sau ngày đất nước giành độc lập, nhưng qua hơn 60 năm vẫn còn hiện hữu ở đây một cách thiết thực và đầy tính nhân văn. Hũ gạo và ống bơ với tên gọi "tình thương" hay "tiết kiệm", "vì người nghèo khó hơn mình" này đang được Hội Phụ nữ huyện Tân Kỳ phát động trên toàn huyện. 

Có thể vài yến gạo mỗi tháng không đủ làm những gia đình đang nằm dưới cái đáy của chuẩn nghèo như nơi đây đủ ăn hay sẽ giàu lên, nhưng từ nắm gạo chưa phải dư giả của láng giềng san sẻ, những người như chị Diên, bà Gương... sẽ ấm lòng hơn khi được an ủi, chia sẻ và gánh nặng trên vai họ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn...

Theo Tuổi trẻ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video