Nan giải chuyện bình đẳng giới

15/11/2008
Trong chuyến công tác Lạng Sơn, Bí thư huyện uỷ Văn Lãng, ông Hoàng Văn Páo nói với chúng tôi rằng: Chúng ta đang tiến tới sự bình đẳng nam nữ nhưng sự bình đẳng đó đạt hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để người phụ nữ được hưởng cái gọi là thành quả của sự bình đẳng còn một khoảng cách khá xa, nhất là trong quan niệm của chính những người nam giới, nữ giới bởi sự ảnh hưởng của tư tưởng ngày xưa.

Ô

ông Páo nói trong nỗi xót xa rằng, những người phụ nữ dân tộc thuộc các xã miền núi của huyện Văn Lãng, họ vất vả không những ngày, mà đêm đến, họ vẫn phải chăm lo cho con và phục vụ chồng. Để tiến tới sự bình đẳng, người chồng cần phải giúp vợ rất nhiều công việc và quan trọng là trong cách suy nghĩ của người đàn ông phải có sự bình đẳng thì người phụ nữ mới được hưởng bình đẳng về giới.

Có lẽ rất nhiều người đồng tình với suy nghĩ của vị Bí thư huyện uỷ này. Song, để biến những suy nghĩ đó thành hành động thiết thực làm cho sự bình đẳng nam nữ đạt hiệu quả như mong muốn thì thật nan giải và không thể một sớm một chiều có thể làm được ngay. Tại các vùng nông thôn, miền núi, trung du, như một bản năng, một thuộc tính, người phụ nữ sinh ra với suy nghĩ là để phục tùng, phục vụ đàn ông. Họ phải làm không những việc vặt, việc bếp núc mà nhiều việc lớn trong gia đình như kiếm tiền, làm nhà, chăm lo cho con cái... đều do một tay họ đảm đương. Thực chất, cuộc sống của họ là một chu trình khép kín với bao nỗi lo toan cho con, chồng, gia đình nhà chồng; còn chính bản thân họ, họ vô tình bỏ quên. Nỗi lo luôn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày, nó chi phối người phụ nữ khi ăn, khi làm, khi nghỉ ngơi. Họ chịu đựng nhưng không biết phải đấu tranh thế nào, dù rằng, có lúc họ cũng nhận ra giá trị của mình nhưng lại cam chịu và cho rằng, người phụ nữ phải chấp nhận thiệt thòi. Chính suy nghĩ "cũ kỹ" đó đã biến họ thành một cái máy phục tùng chồng, gia đình nhà chồng. Họ bị đòn roi, bị hành hạ vô cớ, thường xuyên và có chủ định, nhưng không hiểu sao, họ vẫn chịu đựng những trận đòi roi đó. Bạo lực đã len lỏi vào từng gia đình, sự bình đẳng không thể có được giữa nam và nữ khi người chồng thì vũ phu, thích sỹ hão; còn người vợ thì lại cam chịu một cách nhẫn nại.

Sự bất bình đẳng thể hiện ngay cả những nơi tưởng chừng không thể như các cơ quan Nhà nước. Ngay trong những thông báo tuyển cán bộ, cơ quan nào cũng ghi: ưu tiên nam giới. Khi đề bạt cán bộ vào các chức vụ quản lý, lãnh đạo cũng nhằm đến đối tượng là nam giới trước, sau mới xét đến nữ. Trong khi, xét về năng lực, bằng cấp, nhiều nữ giới không hề thua, thậm chí "nhỉnh hơn" nam giới về trình độ, kinh nghiệm nhưng họ vẫn phải là đối tuợng xét sau. Chính điều đó, đã tạo thêm áp lực cho phụ nữ. Bởi, có một thực tế là người phụ nữ thành đạt, thành danh trong xã hội như nam giới, chắc chắn họ phải vất vả hơn nam giới rất nhiều. Ngoài công việc cơ quan, người phụ nữ còn phải đảm đương công việc gia đình và xã hội. Thế là, cái gọi là "chiếu trên, chiếu dưới" không chỉ tồn tại ở các vùng nông thôn, miền núi mà tồn tại trong chính suy nghĩ của nam giới, cơ quan Nhà nước. Vì thế, bình đẳng giới vẫn luôn là mơ ước của người phụ nữ.

Theo Hạnh Nguyên ( Báo Đời sống & Pháp luật)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video