Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

08/03/2017
Tham luận của Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể Đại hội!

Giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tổ chức Hội thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội. Do vậy dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể kịp thời của TW Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắkđã sớm quán triệt, triển khaiQuyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị;nhờ đó công tác giám sát, phản biện xã hội bước đầu đạt được kết quả.

Để thực hiện tốt hoạt động này thì vấn đề quan trọng là phải làm cho cán bộ Hội các cấp hiểu đầy đủ về vai trò, quyền, trách nhiệm của Hội, quy trình thực hiện giám sát phản biện theo quy định. Do vậy, trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa sự chỉ đạo, các văn bản của Trung ương Hội, biên soạn các loại biểu mẫu, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, tổ chức các hoạt động Hội thảo, tập huấn chuyên đề; đồng thời đưa nội dung giám sát phản biện xã hội vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm.

Để xây dựng được kế hoạch giám sát, ngoài việc phải căn cứ vào định hướng của Hội cấp trên thì việc nắm bắt nhu cầu, những vấn đề của phụ nữ thông qua các kênh như báo chí, báo cáo, sinh hoạt hội viên, đặc biệt thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và các buổi đối thoại trực tiếp. Trên cơ sở đó, Hội Phụ nữchủ động tham mưu, đề xuất các cấp ủy về nội dung giám sát theo đúng quy trình.

Khi tiến hành hoạt động giám sát, các cấp Hội cũng chuẩn bị thật kỹ đề cương giám sát và gửi trước cho đối tượng giám sát, mở rộng thành phần giám sát, tùy theo nội dung mà có thể mời thêm các thành phần tham gia như: đại diện Thường trực, các ban của HĐND, Ban tổ chức, Ủy Ban MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận, các sở, ngành hữu quan. Một vấn đề khác cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo là việc in ấn, lập danh mục các văn bản liên quan, kể cả văn bản chỉ đạo của ngành dọc, dự kiến chương trình giám sát, bảng hỏi, cách thức giám sát và tổ chức họp đoàn lấy ý kiến trước khi ban hành. Ngoài ra, trong hoạt động giám sát cũng cho thấy, việc theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát là khâu hết sức quan trọng thể hiện rõ mức độ,hiệu quả giám sát. Để làm được việc này, Hội LHPN tỉnh phân công các đồng chí Thường trực Hội đăng ký và trực tiếp làm việc với các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương được giám sát đề nghị quan tâm giải quyết các kiến nghị sau giám sát và phân công cán bộ, Ban chuyên môn theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị để có những kiến nghị tiếp theo.

Với cách làm như trên, trong hơn 3 năm qua Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã giám sát thực hiện 12 chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội. Qua giám sát đã phát hiện nhiều vấn đề chưa được các tổ chức, cơ quan thực hiện đúng theo quy định nên các cấp Hội phụ nữ đã kịp thời có các văn bản kiến nghị, đề xuất giải quyết và đã được cơ quan chức năng tiếp thu như: tăng phụ cấp cho chi hội trưởng các đoàn thể từ 207.000 đ/tháng lên 230.000 đ/tháng (bắt đầu từ tháng 1/2015); bổ sung 142 trường hợp khuyết tật chưa được hưởng chế độ trợ cấp, 1.037 các đối tượng thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp mới thẻ BHYT, 27 đối tượng chính sách đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo theo NĐ 13 của Chính phủ, giải quyết 23 trường hợp chưa thực hiện đúng, kịp thời quy định nhà nước về hỗ trợ đền bù trong việc giải tỏa, xây dựng thủy điện SêRêPốc tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài hoạt động giám sát, Hội LHPN tỉnh cũng đã chú trọng đến hoạt động phản biện xã hội. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức mới mẻ và không ít khó khăn do vậy, Hội LHPN tỉnh đã chủ động tổ chức được một số Hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia các sở, ngành, đoàn thể và hội viên phụ nữ góp ý vào dự thảo các văn bản như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân Gia đình; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới...ngoài ra, Hội LHPN tỉnh cũng đã trực tiếp nêu ý kiến phản biện đối với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách hỗ trợ sau đại học, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh có sự bất cập, không phù hợp về chế độ thụ hưởng đối với nữ công chức.v.v.. Nhiều ý kiến của hội viên, phụ nữ đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, bổ sung, sửa đổi và ban hành.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa Đại hội!

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh trong thời gian qua cũng còn những vấn đề đáng quan tâm. Từ thực tiễn hoạt động này, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, Các cấp Hội cần bám sát định hướng giám sát, phản biện xã hội của Trung ương, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như vấn đề xã hội, hội viên phụ nữ quan tâm để chọn vấn đề giám sát phù hợp từng năm.

Thứ hai, việc tổ chức, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề với sự tham gia của các ban, ngành liên quan là rất quan trọng nhằm giúp cho việc nhìn nhận, phát hiện các vấn đề qua quá trình giám sát khách quan, thực chất và có tính chuyên môn sâu.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ Hội tham mưu thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải có bản lĩnh, có kiến thức chuyên môn về luật pháp và giới, nhiệt tình, tâm huyết, có phương pháp làm việc khoa học, hiểu thực tiễn, có kỹ năng nghiên cứu, phát hiện vấn đề, kỹ năng vận động chính sách.

Thứ tư, phải kiên trì theo đuổi đến cùng các yêu cầu, đề xuất và kiến nghị sau hoạt động giám sát để hoạt động giám sát của tổ chức Hội LHPN được thực thi, hiệu qủa.

Từ những kinh nghiệm trên, để các cấp Hội thực hiện tốt hơn công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh xin kiến nghị một số vấn đề như sau:

1. Nhà nước cần thể chế hóa quan điểm của Đảng để hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội như: quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, tiếp thu, giải trình, giải quyết những kiến nghị của Hội, trường hợp không thực hiện trách nhiệm cũng cần có chế tài đảm bảo.

2. Tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa hoạt động giám sát xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội với giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước để nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát.

3. Gắn kết quả việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Hội LHPN các cấp với đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được giám sát; với phân loại thi đua các tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các đơn vị, địa phương hàng năm.

Trên đây là tham luận của Hội LHPN tỉnh tham gia đóng góp với Đại hội.

Xin kính chúc Đoàn Chủ tịch, đại biểu dự Đại hội sức khoẻ, hạnh phúc, thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

(HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video