Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn

25/07/2022
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã tập trung quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" (Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI).
Toàn cảnh hội nghị tập huấn công tác giám sát tại huyện Tràng Định

Hàng năm, trên cơ sở định hướng của Hội cấp trên, của Tỉnh, đồng thời nắm bắt nhu cầu, những vấn đề của phụ nữ thông qua các kênh như: báo chí, báo cáo, sinh hoạt hội viên, tuyên truyền chuyên đề của Hội, đặc biệt qua tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp..., Hội LHPN tỉnh chủ động đề xuất, đăng ký nội dung giám sát; tổ chức hoạt động giám sát theo đúng quy định, trong đó đặc biệt là chú trọng theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát, đảm bảo hiệu quả của hoạt động giám sát.

Trong 10 năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì giám sát được 455 cuộc (cấp tỉnh 43 cuộc, cấp huyện 117 cuộc, cấp xã 295 cuộc) tập trung vào các nội dung như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; một số nghị quyết, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Thông qua giám sát, Hội đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan có giải pháp khắc phục, nhất là đối với tình trạng tảo hôn, ly hôn sớm của các cặp vợ chồng trẻ có nguy cơ gia tăng tập trung trong độ tuổi từ 25-35 tuổi; tình trạng đăng ký kết hôn chậm theo quy định; tình trạng người phải thi hành án cố tình trây ỳ trong việc phân chia tài sản; trốn tránh trách nhiệm trong việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục con cái; không đăng ký kết hôn; một số bất cập trong công tác hòa giải bạo lực gia đình, trong việc ban hành quyết định cấm tiếp xúc của UBND cấp xã, duy trì hoạt động của các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian cấp phát gạo cho học sinh, chất lượng gạo cấp phát trong các trường bán trú, chi trả hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… đều được Đoàn giám sát phát hiện và có văn bản kiến nghị đối với các cơ quan chức năng, trong đó một số vấn đề đã được các cơ quan ghi nhận và có văn bản phản hồi gửi Đoàn giám sát.

Có thể thấy, thông qua giám sát của Hội đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và công tác bình đẳng giới; mối quan hệ của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các đoàn thể xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng. Với những kết quả đã đạt được qua giám sát đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, góp phần tích cực trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của các cấp Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác giám sát của các cấp Hội chủ yếu tập trung giám sát các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, chưa mạnh dạn, tập trung giám sát các vấn đề nổi cộm tại địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát chỉ được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội hoặc tập huấn chuyên đề nên năng lực giám sát còn nhiều hạn chế. Sau giám sát, văn bản kiến nghị đề xuất gửi cơ quan chức năng của Hội chưa thực sự được ghi nhận, quan tâm và phản hồi ý kiến...

Để phát huy vai trò của tổ chức Hội và nâng cao hiệu quả của công tác giám sát trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn xác định cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Nnâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn về pháp luật và giới, kỹ năng nghiên cứu phát hiện vấn đề cho đội ngũ cán bộ Hội tham gia công tác giám sát; Tăng cương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đề xuất, lựa chọn các vấn đề, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Hội viên phụ nữ và Nhân dân để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai công tác giám sát phù hợp; Đề nghị cấp có thẩm quyền ghi nhận, thực hiện và phản hồi đối với văn bản ý kiến, kiến nghị của đối tượng được giám sát và đoàn giám sát sau các cuộc giám sát...

Lê Thơm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video