Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền giúp phụ nữ xóa đói giảm nghèo

05/10/2022
Những chương trình truyền thông phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào thiểu số và miền núi được tỉnh Gia Lai quan tâm, chú trọng đã hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu về bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương thăm các mô hình phát triển kinh tế tại Gia Lai. Ảnh: Minh Châu.

Khao khát vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất của quê hương mình, nhiều phụ nữ tại tỉnh Gia Lai đã quyết tâm vượt lên chính mình, với những mô hình phát triển kinh tế được ghi nhận.

Vươn lên thoát nghèo

Chị Bùi Thị Hòa là một phụ nữ được bà con tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, yêu quý và nể phục, bởi tinh thần quyết tâm vươn lên từ trong nghịch cảnh. Bị sốt bại liệt từ nhỏ nên việc di chuyển của chị Hòa phải phụ thuộc vào đôi nạng gỗ. Cách đây hơn 10 năm, sau cuộc đại phẫu thuật, 2 chân của chị càng trở nên yếu ớt và sức khỏe giảm sút trầm trọng. Là phụ nữ yếu thế nhưng không vì thế mà làm yếu đi ý chí và nghị lực vươn lên của chị. Chị đã dành thời gian, tâm huyết và mô hình sản xuất, kinh doanh các loại bánh cuốn Bắc, bánh phở truyền thống. Khởi nghiệp giữa thời đại số, chị đã tự mày mò học hỏi cũng như tham gia các chương trình truyền thông đào tạo, tập huấn về công nghệ của các cấp hội phụ nữ, giờ đây, chị có thể tận dụng công nghệ 4.0 để đưa sản phẩm lên những kênh bán hàng online, giúp sản phẩm đi xa hơn.

Được sự hỗ trợ để phát triển mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã May gia công An Phú (TP. Pleiku) đã được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ máy móc và được tuyên truyền, hướng dẫn để tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội. Từ đó, vượt qua khó khăn trong thời gian đầu thành lập (năm 2018), đến nay, Hợp tác xã đã phát triển thêm 10 cơ sở may gia công trên địa bàn thành phố, đồng thời mở rộng ra một số huyện trong tỉnh. Hợp tác xã còn đào tạo nghề miễn phí cho 198 lao động nữ tại địa phương, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng. 

Với tinh thần tương thân tương ái, HTX tạo việc làm cho 2 lao động nữ bị bệnh đao với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, đồng thời hỗ trợ ăn uống hàng ngày. Nhiều sinh viên trong thời gian nghỉ hè tại địa phương được HTX tạo điều kiện vào làm thời vụ để có thêm chi phí học tập khi bước vào năm học mới.

Hợp tác xã may gia công tạo việc làm cho người lao động địa phương. Ảnh: Minh Châu.

Vượt lên hoàn cảnh, nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, các cá nhân, hộ gia đình, mô hình tập thể thành công tại Gia Lai là minh chứng rõ nét cho thấy hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế chính là góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu về bình đẳng giới. Khi vận động, được tuyên truyền, được hỗ trợ, chị em phụ nữ đã biết vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất của mình.

Những nỗ lực đó đã được Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương ghi nhận và đánh giá: Các mô hình này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, khẳng định tinh thần vượt khó, sự sáng tạo của nữ giới, đóng góp vào sự phát triển chung toàn tỉnh.

Hội LHPN trao tặng sinh kế cho phụ nữ nghèo.

Đẩy mạnh truyền thông phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào thiểu số và miền núi

Không chỉ các cấp Hội phụ nữ, mà tại tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tại Gia Lai, các hoạt động thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm, chú trọng. Trong đó, xác định truyền thông đóng vai trò quan trọng để thực hiện chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đối tượng truyền thông là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh; cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện, xã nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung; các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ liên quan đến Đề án tổng thể và Chương trình MTQG; hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, người dân liên quan đến triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ về Đề án tổng thể và Chương trình MTQG tại địa phương; các cơ quan, đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đề án tổng thể và Chương trình MTQG.

 

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh được truyền thông về các chương trình giảm nghèo bền vững.

Nội dung truyền thông, tuyên truyền tập trung vào những mục tiêu nhiệm vụ, nội dung, giải pháp của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu và các nội dung liên quan. Trong đó, trọng tâm là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai; kết quả, hiệu quả trong việc triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhấn mạnh ý nghĩa tầm quan trọng về việc thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc trong việc phát triển kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín đối với sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và trong việc tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện Chương trình mục tiêu nói riêng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi của các địa phương. Những giá trị đặc sắc, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, các kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo vào cuộc sống, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đặc san, chuyên san, chuyên đề và các loại hình phù hợp khác; xây dựng, biên soạn và phát hành một số sản phẩm thông tin về Đề án; tổ chức các cuộc thi viết trên báo, tạp chí, các hội thi, hội nghị biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến; xây dựng các mô hình, loại hình truyền thông, tuyên truyền mang tính đặc thù, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền; xây dựng các cụm pano, áp phích, tuyên truyền cổ động trực quan…

Những chương trình, hoạt động này góp phần giúp cho cuộc sống của người dân trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng từng bước "giảm nghèo" thông tin, tiến tới giảm nghèo bền vững. 

Theo: http://phunuvietnam.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video