Nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ nguồn vốn vay

20/06/2012
 

Phú Hòa giúp 255 hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được giúp vốn

Từ đầu năm đến nay, thông qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội LHPN huyện Phú Hòa đã vận động 268 hộ phụ nữ có kinh tế khá giúp 255 hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 44,5 triệu đồng, 125 con heo giống, 6.250kg lúa và phân bón để phát triển kinh tế gia đình.

 

Ngoài ra, thông qua mô hình heo đất tiết kiệm, Hội LHPN các xã Hòa Quang Nam, Hòa Thắng và thị trấn Phú Hòa đã thu được trên 19 triệu đồng, cho 49 chị mượn để chăn nuôi sản xuất. Để tạo vốn cho phụ nữ nghèo mượn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, các cơ sở hội còn thành lập mới 72 nhóm phụ nữ tiết kiệm với 801 thành viên tham gia, với số tiền huy động trên 69 triệu đồng.

 

Đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ nguồn vốn vay

Nói về tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn, chị Huỳnh Thị Tuyết Nga- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: "Hỗ trợ vay vốn là nhiệm vụ có sức hút mạnh mẽ đối với hội viên phụ nữ. Hoạt động này không chỉ giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, mà còn góp phần giảm nghèo ở địa phương". Chính vì đáp ứng nhu cầu thiết thực của chị em phụ nữ trong xây dựng cuộc sống, nên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội phụ nữ tích cực triển khai hoạt động này.

Khác hẳn với xưa kia-phụ nữ chủ yếu làm nội trợ và phụ thuộc vào chồng, trong xã hội hiện đại số đông chị em chủ động, tự lực phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Có rất nhiều phụ nữ thành công từ sự nỗ lực của bản thân và sự "tiếp sức" của hội phụ nữ. Tính đến nay, tổng nguồn vốn vay Hội LHPN tỉnh quản lý lên đến gần 800 tỷ đồng. Khoảng 70.000 lượt phụ nữ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ vay vốn, trong đó có gần 32.000 phụ nữ thoát nghèo.  

Cán bộ hội phụ nữ đã tuyên truyền, hướng dẫn chị em cách sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Thực tế cho thấy các cấp hội phụ nữ ở tỉnh ta đã thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Huỳnh Thị Tuyết Nga cho biết, không phải là không có tình trạng nợ quá hạn, tỷ lệ nợ quá hạn thông qua kênh của phụ nữ là 0,46%. Tuy ở mức "cho phép" (quy định nợ quá hạn không vượt quá 1%-PV) nhưng không vì thế mà lấy làm chủ quan, Hội LHPN chỉ đạo cán bộ hội thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để thu hồi nợ, đồng thời quản lý chặt chẽ và không ngừng phát huy hiệu quả vốn vay.

Thói quen có lợi mà chị em "gặt hái" thông qua hoạt động hỗ trợ vay vốn của hội phụ nữ đó chính là thói quen tiết kiệm. Vừa phát triển kinh tế, vừa thực hành tiết kiệm là phương châm được các cấp phụ nữ thường xuyên truyền đạt để hội viên phụ nữ hiểu và thực hiện, vì mục tiêu phát triển kinh tế gia đình bền vững. Với sự đổi mới trong công tác thu hồi vốn và lãi suất theo kiểu phân kỳ, hội phụ nữ phát triển mô hình tổ tiết kiệm vay vốn. Đây là hình thức tiết kiệm tự nguyện theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài". Tùy vào sự thống nhất của chị em trong tổ vay vốn, có tổ mỗi chị tiết kiệm 10.000đ/tháng, có tổ mỗi người đóng tiết kiệm 20.000 đồng/tháng... "Hội phụ nữ tuyên truyền, vận động thành lập tổ vay vốn tiết kiệm nhằm giúp chị em hình thành tính tiết kiệm để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống; đồng thời cũng là để mở rộng đối tượng được hỗ trợ vay vốn", chị Huỳnh Thị Tuyết Nga nói.   

Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.060 tổ phụ nữ tiết kiệm/1.167 tổ phụ nữ vay vốn (đạt 90,8%). Hội LHPN tỉnh đề ra chỉ tiêu "Cố gắng có 100% tổ vay vốn hình thành được tổ tiết kiệm". Số tiền các tổ phụ nữ vay vốn trong tỉnh thực hiện tiết kiệm đạt được lên đến tiền tỷ. Chỉ tính riêng tổ tiết kiệm vốn vay của phụ nữ xã Bình Châu (Bình Sơn), từ 320 triệu đồng vốn vay ban đầu, đến nay các chị đã tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng. Hiện tại, ở khu vực đồng bằng có nhiều huyện đạt tỷ lệ 100% tổ vay vốn thành lập tổ tiết kiệm. Hoạt động hỗ trợ vay vốn, vận động thành lập tổ tiết kiệm thể hiện tính sáng tạo của hội phụ nữ trong hoạt động trợ giúp cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo trên bước đường xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Điều này hỗ trợ tích cực trong triển khai hoạt động hội cũng như thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Hơn 850 triệu đồng phụ nữ Bình Tân phát triển kinh tế gia đình

Đây là số tiền mà phụ nữ huyện Bình Tân đóng góp xoay vòng thông qua mô hình nuôi heo đất (1.275 con). Với số tiền này, đã hỗ trợ cho 268 lượt phụ nữ có thêm vốn sản xuất, tăng thu nhập gia đình. Bình quân mỗi chị nhận từ 10- 20 triệu đồng tùy theo đóng góp của các tổ.

Để sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và Trạm Khuyến nông tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp chị em có kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, kỹ năng buôn bán… Nguồn vốn trên không chỉ tạo việc làm ổn định mà chị em còn đoàn kết, gắn bó giúp đỡ cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

 

Hội phụ nữ Phú Tân giúp phụ nữ nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng

Với những nội dung phù hợp và giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong công tác “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, Hội LHPN huyện Phú Tân đã giúp hội viên phụ nữ giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế của địa phương.

Theo đó, với mục tiêu từng bước nâng cao mức sống cho phụ nữ, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong toàn huyện đã chú trọng vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giúp phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế toàn diện. Hội đã linh hoạt, sáng tạo, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ cña các cấp, các ngành, tích cực khai thác nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Hội phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện giới thiệu 617 chị vay với số tiền hơn 4 tỷ đồng,  khai thác từ các nguồn vốn nhàn rỗi của chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của BTV Hội LHPN tỉnh và vốn tiết kiệm vì phụ nữ nghèo của Hội Phụ nữ huyện với số tiền 120 triệu đồng, đã giúp cho 79 chị là cán bộ, hội viên, phụ nữ mua bán nhỏ, chăn nuôi, mua nguyên liệu sau khi học nghề…

 

Cùng với đó, Hội LHPN huyện còn tập trung chú trọng đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho phụ nữ, Hội LHPN huyện đã phối hợp tổ chức 11 lớp dạy nghề may dân dụng, bó chổi  ... cho 330  hội viên, phụ nữ; 626 chị được tư vấn, giới thiệu việc làm.

 

Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ xã Văn Học

Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Văn Học (Na Rì, Bắc Kạn) luôn tích cực vận động hội viên tăng gia, lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình để từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nông Thị Kỳ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Học cho biết: Giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là phong trào được Hội Phụ nữ xã quan tâm và triển khai sâu rộng trong thời gian qua. Để đạt hiệu quả, Hội luôn quan tâm, giúp đỡ các hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Hội đã tạo điều kiện để chị em tham gia các lớp tập huấn về thú y, kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, trồng trọt… Nhờ phát huy được hiệu quả từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao nguồn thu nhập.

Để chủ động tạo nguồn vốn giúp chị em đầu tư phát triển kinh tế gia đình, Hội duy trì và nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm tín dụng, thu hút ngày càng đông chị em tham gia. Hội kết hợp với dự án 3PAD cho 53 hộ vay trồng rừng gần 300 triệu đồng và tổng dư nợ với ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1 tỷ đồng cho 68 chị em vay. Nhờ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều chị em đã phát huy được hiệu quả với các mô hình kinh tế, điển hình như mô hình VAC của chị Hoàng Thị Thời, thôn Pò Cạu thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; mô hình nuôi lợn thịt của chị Nông Thị Thanh, thôn Pò Rải thu nhập trên 50 triệu đồng/ năm; hay mô hình nuôi trâu của chị Nông Thị Xuyết, thôn Nà Tát thu nhập hàng năm gần 100 triệu/ năm…

Trong năm 2011, Hội đã tổ chức giúp đỡ được 85 công lao động cho 4 gia đình hội viên gặp khó khăn; giúp nhau bằng tiền mặt không tính lãi được gần 19 triệu đồng; cho vay phân bón trả chậm được hơn 8 tấn… Những việc làm thiết thực đó đã tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa tình làng nghĩa xóm, giúp nhau hướng tới cuộc sống ổn định hơn.

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã giai đoạn 2010-2011 từ 163 hộ xuống còn 36 hộ năm 2012; các hội viên phụ nữ xã đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Phụ nữ các dân tộc Ba Bể với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, hội viên phụ nữ các dân tộc huyện Ba Bể đã tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Hiện nay Hội LHPN huyện Ba Bể có trên 7.260 hội viên, tham gia sinh hoạt thường xuyên tại hơn 200 chi hội ở 16 xã, thị trấn. Đại đa số chị em đều có kinh tế gia đình khó khăn, đặc biệt là các chị em dân tộc thiểu số như dân tộc Mông, dân tộc Dao sinh sống tại các thôn, bản vùng cao, nơi mà các điều kiện phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất phát từ tình hình trên, công tác xoá đói giảm nghèo được Ban Thường vụ Hội Phụ nữ huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giúp cho hội viên phụ nữ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo đó, các cấp hội tập trung khai thác các nguồn vốn giúp phụ nữ vay phát triển kinh tế như: Uỷ thác với Ngân hàng CSXH, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương hội và các tổ chức quốc tế. Khai thác tốt các nguồn vốn từ phát huy nội lực, Hội đã vận động hội viên nêu cao tinh thần chủ động vượt khó, tích cực thực hiện phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế.

Trong năm, Hội đã giúp được 2.776/3.862 hộ nghèo đạt gần 72% tổng số hội viên được Hội giúp đỡ, trong đó đã có 1.364/2.776 hộ đã thoát nghèo đạt hơn 49%; tổ chức được 4 lớp dạy nghề với hơn 120 học viên tham gia, tổ chức Hội đã tín chấp vay vốn cho 3.660 hộ vay vốn với tổng nguồn vốn do Hội quản lý là hơn 82 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để giúp cho hội viên nắm vững những kiến thức để xây dựng mô hình trong nông nghiệp để phát triển kinh tế, Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, giúp vay tiền không tính lãi. Từ những nguồn vốn và kinh nghiệm trên, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được xây dựng và áp dụng thành công vào trong thực tế đã góp phần cùng địa phương xoá đói giảm nghèo rất có hiệu quả. Chị Triệu Thị Thơm – Chủ tịch HLHPN huyện Ba Bể cho biết: Để phong trào giúp nhau phát triển kinh tế thực sự hiệu quả, Hội luôn quan tâm, giúp đỡ các hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với địa phương.

Bên cạnh việc giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội đã có nhiều hoạt động để giúp phụ nữ khẳng định được vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, thời gian qua huyện hội rất trú trọng việc tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới. Thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, vận động chị em thực hiện KHHGĐ, xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, xây dựng gia đình văn hoá; xây dựng câu lạc bộ sinh kế và quyền phụ nữ, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc và câu lạc bộ không sinh con thứ 3...

Với những gì đã làm được, Hội LHPN huyện Ba Bể đã khẳng định chỗ dựa vững chắc cho hội viên phụ nữ, giúp họ khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Hội Phụ nữ xã Yến Dương giúp nhau phát triển kinh tế gia đình

Trong những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể được nhiều hội viên đồng tình hưởng ứng. Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, đời sống của nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã được cải thiện.

Bà Triệu Thị Bật, Chủ tịch Hội LHPN xã Yến Dương, huyện Ba Bể chia sẻ: vì là một xã thuần nông nên việc giúp chị em phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo thì phải dựa vào nông nghiệp là chính. Vì vậy, Hội Phụ nữ xã đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương cho hội viên thông qua các buổi sinh hoạt; tích cực vận động hội viên ứng dựng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, cải thiện đời sống. Phong trào phát triển kinh tế gia đình đã giúp chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành vùng kinh tế trọng điểm giữa các vùng.

Trong những năm qua, Hội đã xây dựng và chăm sóc các mô hình kinh tế như: Trúc sào, quýt, hồng không hạt, chuối tây... đem lại hiệu quả khả quan, giúp nhiều hội viên từ nghèo đói vươn lên làm giàu. Trong đó phải kể đến những cái tên như: hộ gia đình chị Lộc Thị Xuyến đã trồng hơn 3.000m2 chuối tây năm đầu cho thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng; gia đình chị Nguyễn Thị Dung từ một hộ nghèo trong thôn, nhưng từ khi tham gia vào mô hình trồng chuối tây với hơn 2.000 m2 đến nay đã cho thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng/vụ.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, ngoài việc vận động hội viên tích cực tham gia công tác hội, Hội Phụ nữ xã Yến Dương đã chủ động đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, Hội cũng tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn giúp hội viên sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đúng mục đích. Hội luôn duy trì có hiệu quả các nguồn vốn vay, thường xuyên phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện nguồn vốn vay, thu nợ gốc, lãi suất đúng thời gian quy định. Trước khi cho vay vốn, các chi hội họp, bình xét nguyện vọng, mục đích vay của từng chị em. Đến nay, tổng nguồn vốn vay do hội quản lý là hơn 3 tỷ đồng với hơn 400 người được vay vốn để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, hội viên trong các chi hội còn tích cực tham gia các buổi tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao kiến thức để áp dụng vào thực tiễn. Hội viên giúp nhau phát triển kinh tế như về giống, ngày công, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ trong xã cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua như: phong trào phụ nữ tích cực học tập - lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, phong trào "2 không - 1 có - 2 sạch".

Với những nỗ lực của hội viên và cả  tập thể, trong năm qua Hội Phụ nữ xã Yến Dương đã có 41/229 hội viên thoát nghèo. Đây là những bước tiến quan trọng và vững chắc Hội Phụ nữ xã tiếp tục là tổ chức tin cậy, giúp phụ nữ nông thôn vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định.

Theo báo Phú Yên, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, An Giang, Bắc Kạn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video