Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nhằm giảm nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người

30/09/2011
Ngày 28/9/2011, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “ Phòng ngừa hiệu quả nạn mua bán người thông qua Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam cùng trên 50 đại biểu là đại diện các phòng, ban TW Hội; đại diện các Bộ: Công an, Quốc phòng, Văn hóa- Thể thao & Du lịch, Lao động- Thương binh & Xã hội, Tư pháp...; đại diện lãnh đạo địa phương và Hội LHPN của các xã, huyện thuộc 4 tỉnh triển khai Dự án; đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Dự án “Phòng ngừa hiệu quả nạn mua bán người thông qua Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi” do TW Hội LHPN Việt Nam hợp tác với IOM thực hiện được triển khai từ tháng 8/2009 đến tháng 4/2011 tại 10 xã của 10 huyện thuộc 4 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Tây Ninh, Nam Định. Dự án nhằm mục tiêu xây dựng một chiến lược truyền thông dựa trên cơ sở thực tiễn về truyền thông thay đổi hành vi phòng chống mua bán người và di cư an toàn.

Sau 2 năm triển khai hoạt động, dự án đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần ngăn ngừa hiệu quả và ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Cùng với sự nỗ lực thực hiện các hoạt động ở cấp Trung ương, tại địa bàn 10 xã của dự án đã thành lập được 10 nhóm tuyên truyền viên nòng cốt gồm 104 người được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến phòng, chống mua bán người; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên có kỹ năng tại các địa phương để tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng, các khu dân cư, lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ; tổ chức được 166 buổi truyền thông trong cộng đồng và trong trường học với tổng số hơn 37 nghìn người và 220 buổi truyền thông lồng ghép với hơn 2.000 người tham gia.

Với các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng như: sinh hoạt chuyên đề, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, tiểu phẩm, thi hái hoa dân chủ, hội thi, giao lưu, tài liệu tuyên truyền..., các hoạt động tại cộng đồng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người tham gia. Đặc biệt, tại tỉnh Nam Định còn tổ chức trình chiếu băng đĩa phim truyền thông và sưu tầm những câu chuyện thực xảy ra tại địa phương để mọi người cùng phân tích, thảo luận về những hành vi, thủ đoạn mua bán người, thông qua đó, người dân đã tiếp thu các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống mua bán người một cách tự nhiên, sâu sắc. Bên cạnh những hình thức truyền thông trực tiếp, hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương cũng là một kênh tuyên truyền phát huy hiệu quả.

Báo cáo của Đại diện Ban Quản lý dự án TW và các tham luận từ các địa phương đã đi sâu đánh giá những thành công đạt được cũng như khó khăn, hạn chế khi triển khai, thực hiện dự án; qua đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất và kế hoạch hành động trong tương lai để phát triển, duy trì tính bền vững của dự án cũng như nhân rộng mô hình dự án trên toàn quốc, đặc biệt tập trung chú ý vào các địa bàn nóng trong vấn đề di cư và nổi cộm về nạn mua bán người.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cùng nhau thảo luận và xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi nhằm phòng ngừa hiệu quả nạn mua bán người giai đoạn 2011- 2015 của TW Hội LHPN Việt Nam.

 

 


 

 

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video