Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số với mô hình cổ phần tài chính tự quản

31/03/2021
Mô hình “Cổ phần tài chính tự quản” (VSLA) cho phụ nữ dân tộc thiểu số được triển khai tại 4 xã thuộc hai huyện Trấn Yên và Văn Yên - Yên Bái từ cuối năm 2020, đến nay đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Buổi sinh hoạt của các thành viên mô hình VSLA

Đây là hoạt động nằm trong thực hiện thỏa thuận hợp tác ký giữa TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam về việc triển khai Dự án Bứt phá Thúc đẩy tài chính toàn diện vì Phụ nữ dân tộc thiểu số.

Để triển khai mô hình, nhóm dự án đã thực hiện cuộc khảo sát đánh giá đầu kỳ tại Yên Bái, trên cơ sở khảo sát đã thành lập được 20 nhóm VSLA (khoảng 400 thành viên) tại 4 xã thuộc hai huyện Trấn Yên và Văn Yên – Yên Bái; 100% các nhóm đã áp dụng được phần mềm quản lý nhóm trên ứng dụng TIZO.

Với số vốn giải ngân cho mỗi thành viên vay (từ 5-10 triệu/người) bước đầu đã hỗ trợ cho chị em phụ nữ  dân tộc thiểu sổ trong việc phát triển kinh tế (nuôi lợn, gà, trồng keo, quế…), giúp họ độc lập hơn về kinh tế. Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các nhóm VSLA cũng được cải thiện tốt hơn khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, kiến thức quản lý tài chính, các kỹ năng mềm..., giúp phát triển và củng cố năng lực, khả năng lãnh đạo của phụ nữ cũng như khuyến khích đối thoại và chia sẻ trong việc đưa ra quyết định giữa nam và nữ trong gia đình.

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, việc tham gia các tổ nhóm VSLA cũng mang lại những tác động đến hộ gia đình, thay đổi nhận thức của các thành viên trong hộ gia đình, đặc biệt là của nam giới về vai trò và khả năng của phụ nữ. Người chồng bây giờ có thái độ ủng hộ nhiều hơn đối với bình đẳng giới. Họ thảo luận nhiều hơn với vợ về chi tiêu trong gia đình và mục tiêu tài chính cho các hoạt động làm ăn của gia đình mình. Các ông chồng đã hỗ trợ nhiều hơn, vì vậy người vợ  có nhiều thời gian hơn để tham gia các cuộc họp và hoạt động của nhóm VSLA.

Bên cạnh các hoạt động của nhóm, ban quản lý các nhóm VSLA cũng chủ động lồng ghép các hoạt động Hội để nâng cao vai trò của Hội Phụ nữ. Anh Nguyễn Văn Báo ở thôn Tân Việt, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên thành thực chia sẻ: “Chúng tôi hay nói chuyện trước khi đi ngủ, tôi không nhớ về nội dung vợ kể, chỉ thấy vợ vui vẻ, tham gia tổ nhóm có Hội Phụ nữ là tôi yên tâm vì sẽ không bị mất tiền…”

Đồng hành cùng ban quản lý các nhóm VSLA, Hội LHPN xã cũng luôn tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo chính quyền địa phương tạo điểu kiện cho nhóm hoạt động; đồng thời hướng dẫn ban quản lý thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thành viên, nhất là những thành viên có hoàn cảnh khó khăn (ốm đau, có người thân đau ốm/tại nạn) để có giải pháp giúp đỡ phù hợp; rà soát nhu cầu vay vốn, hỗ trợ việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để cùng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chị em trong nhóm.

Có thể nói, thông qua mô hình VSLA, dự án Bứt phá Thúc đẩy tài chính toàn diện vì Phụ nữ dân tộc thiểu số đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, rõ nét trong việc nâng cao quyền năng kinh tế, cải thiện cuộc sống và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Thúy Oanh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video