Nâng cao tính nhạy cảm giới trong tài liệu và các phương tiện truyền thông của Hội LHPN Việt Nam

08/01/2014
Từ ngày 2– 4/1/2014, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức OXFAM đã tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao tính nhạy cảm giới trong tài liệu và các sản phẩm truyền thông của Hội” cho cán bộ trực tiếp làm công tác truyền thông tại TW Hội LHPN Việt Nam.

Giảng viên tại lớp tập huấn là các chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA).

Tại Lớp Tập huấn, các học viên đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về giới như: khái niệm về giới, giới tính, vai trò giới, khuôn mẫu giới, định kiến giới, công bằng giới, nhạy cảm giới, luật pháp liên quan đến bình đẳng giới…; Các vấn đề cơ bản trong truyền thông về giới; Thực trạng, nguyên nhân tồn tại sạn giới, định kiến giới trong các sản phẩm truyền thông hiện nay, nhận biết những tiêu chí về nhạy cảm giới trong truyền thông từ đó có những phương pháp, kỹ năng cơ bản áp dụng trong thực tế đời sống của bản thân đặc biệt là trong công việc chuyên môn nhằm xây dựng các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới.

Chia sẻ tại lớp tập huấn, các chuyên gia trung tâm CSAGA cho biết: Nhạy cảm giới là việc nhận thức các nhu cầu, vai trò, trách nhiệm khác nhau của nam giới và phụ nữ dẫn tới sự khác nhau về mức độ tham gia cống hiến, hưởng thụ, phát triển của mỗi giới. Đối với sản phẩm truyền thông, thiếu nhạy cảm giới sẽ dẫn đến thông tin thiếu khách quan, thiếu trung thực, không phản ánh được bản chất vấn đề; thậm chí còn củng cố thêm định kiến giới, duy trì bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử, cản trở tiến trình thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới… Nhạy cảm giới góp phần đem lại hiệu quả thông tin tốt cho người đọc cũng như người xây dựng sản phẩm truyền thông.

Một số các tiêu chí về nhạy cảm giới trong truyền thông như: Thể hiện quan điểm bình đẳng giới dựa trên quyền (đảm bảo nam và nữ được bình đẳng trong tất cả các quyền con người); Loại bỏ mọi hình thức, nội dung tuyên truyền mang định kiến giới hoặc củng cố định kiến giới; Khuyến khích sự năng động, tự tin, sáng tạo của nữ giới; Cân bằng khắc họa hình ảnh của nam giới và nữ giới…

Trong suốt ba ngày làm việc nghiêm túc, bằng phương pháp cùng thảo luận, tham gia trò chơi và qua các bài tập thực hành “Nhặt sạn giới trong sản phẩm truyền thông”, lớp học đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các học viên tạo không khí sôi nổi và đạt hiệu quả cao.

Nguyễn Thị Dịu - TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video