Nâng cao vị thế của phụ nữ trong phát triển và hội nhập quốc tế

24/12/2010
Ngày 4/12, tại Thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm cấp cao về “Nâng cao vị thế của phụ nữ trong phát triển và hội nhập quốc tế”.

Tại buổi toạ đàm, đại biểu đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và đã bố trí nguồn lực để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt là hoạt động triển khai Luật Bình đẳng giới với việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và sự củng cố, kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ.


Các cấp, các ngành và toàn xã hội đã đồng thuận phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới. Kết quả hoạt động vì bình đẳng giới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể: Chỉ số phát triển giới (GDI) tăng từ mức trung bình thấp năm 1995 (đạt giá trị 0,554 ở vị trí thứ 72/130 nước) lên mức trung bình cao năm 2009 (đạt giá trị 0,723 ở vị trí 94/155 nước được xếp hạng); Chỉ số quyền năng giới (GEM) hiện đạt 0,554, đứng ở vị trí thứ 62/109 nước, thuộc nhóm nước có sự phát triển trung bình về giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.


Các đại biểu cũng đã trình bày nhiều tham luận về thực trạng, tồn tại trong việc thực hiện bình đẳng giới ở nước ta, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách bình đẳng giới của một số nước như Phần Lan, Ireland, Canada


Việc thực hiện bình đẳng giới, bên cạnh vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường thuận lợi cho việc bảo đảm bình đẳng giới, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội .... Đây cũng là trách nhiệm chung của mỗi tổ chức, mỗi công dân của mỗi quốc gia, đồng thời cũng đòi hỏi sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và trên quy mô toàn cầu.


Cuộc tọa đàm lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên Hợp quốc đề ra; đồng thời là cơ hội để các cấp, các ngành thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách, kinh nghiệm, cơ hội và thách thức, các sáng kiến và giải pháp cho việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong phát triển và hội nhập.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video