Nâng cao vị thế phụ nữ nhờ thoát nghèo và tự chủ kinh tế

11/09/2017
Tham gia các khóa học, sinh hoạt tổ nhóm, chị Lan đã thay đổi đột phá, từ một người phụ nữ nhút nhát, phụ thuộc, mặc cảm vì nghèo khó trở nên mạnh dạn, tự tin, sáng tạo, chủ động phát triển kinh tế gia đình, dám nghĩ dám làm.

Vào một ngày cuối tuần của đầu tháng 9.2017. chị Trần Thị Lan (thôn Khởi Bung, xã Bảo Nhai, Lào Cai) hồ hởi khoe, hôm nay là lần đầu tiên chị thực hiện làm xúc xích sau 10 ngày đi học ở TP Lào Cai. Chị làm xúc xích sạch để cung cấp cho thị trường chứ không muốn bán thịt lợn giá rẻ khi giá thịt lợn vẫn chưa ổn định. Chưa phải là hộ giàu nhưng gia đình chị Lan của năm 2017 đã khác hẳn với chị Lan của năm 2013, khi ấy còn nằm trong diện hộ nghèo..

Không bao giờ quên cái thuở cơ cực

Kể về cái thời hàn vi của mình, chị Trần Thị Lan (SN 1978) cho biết, sau khi anh chị cưới nhau và sinh cháu đầu lòng năm 1998 thì ra ở riêng. Khi đó chồng chị là anh Lù Ngọc Vinh (SN 1977, dân tộc Nùng) không có nghề và cũng chẳng có việc làm gì. Vợ mới học hết lớp 6, chồng học đến lớp 5 thì nghỉ nên quanh năm cũng chỉ biết làm ruộng, cấy hái hoa màu, hoặc ai thuê làm gì cũng làm nhưng cũng chả đủ ăn. Căn nhà ở riêng được bố mẹ chồng cho ở bên kia suối, nơi chỉ có vài căn nhà hoang sơ, muốn sang phải đi qua một cái cầu tre, nhiều lần lũ cuốn trôi mất cầu lại phải đợi làm cầu mới thì anh chị mới sang phía bên xã được.

Vào thời gian đó, nhà chị là căn nhà tranh 2 gian, trong nhà chỉ có mấy cái bát và nồi niêu, mỗi lần mưa gió là mái dột ướt hết. “Đây là quãng thời gian mà tôi không thể nào quên được. Nghèo đến mức chỉ biết ăn đong qua ngày, thậm chí trong nhà nhiều hôm liền không có tiền. Đi chợ mua chịu thì người ta không cho. Tôi nói tôi là con của ông bà này, khi nào có tiền thì trả. Nhưng người bán lạnh lùng trả lời, họ bán hàng chỉ cần tiền, họ không quan tâm con cái nhà ai…”, chị Lan rơm rớm nhớ lại.

Cứ thế, ngày tháng trôi qua, rồi cháu gái thứ hai ra đời, khiến gia cảnh của anh chị đã nghèo lại càng nghèo khó thêm. Không có ăn, lại cần tiền cho hai con ăn học nên anh chị không quản việc gì, mày mò lao động, chồng chị còn phải lao động nặng nhọc là đi vào núi đập đá thuê, nhưng số tiền ấy cũng chả đáng là bao. Ra ở riêng khoảng hai năm thì gia đình anh chị được xếp vào danh sách hộ nghèo, được sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của giảm nghèo của Nhà nước, cộng với sự chăm chỉ, nỗ lực vươn lên anh chị thoát nghèo, nhưng chẳng bao lâu lại gia đình chị lại bị liệt vào diện hộ nghèo. Cứ như thế, hộ nghèo – thoát nghèo, rồi lại hộ nghèo – thoát nghèo đến vài ba lần, khiến anh chị nợ chồng chất, nợ trước chưa trả được phải tiếp tục nợ sau.

Mãi cho đến năm 2013 gia đình anh chị mới thực sự bước sang trang mới, dần cởi bỏ hẳn chiếc áo “hộ nghèo” bao nhiêu năm qua, khi được vay vốn hộ nghèo từ ngân hàng chính sách huyện. Chị đã mua được ngôi nhà mới bên này suối.

Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học

Những lần thuộc diện hộ nghèo trước, nhờ chính sách hỗ trợ hộ nghèo mà anh Vinh được vay vốn để đi học nghề điện – điện tử  rồi mở cửa hàng riêng cũng giúp gia đình anh đỡ khổ hơn, trong nhà lúc nào cũng có 50.000 – 70.000,  nhưng nợ cũng chưa trả được. Bước ngoặt đến với gia đình chị khi chị Lan được vay vốn hộ nghèo 7 triệu đồng, chị mua một đôi lợn con nuôi 8 – 9 tháng thì bán. Sau khi trang trải bớt nợ nần, đóng tiền học cho con, chị Lan lại mua tiếp 4 con lợn con nữa để nuôi bán lấy thịt.

Qua lứa lợn 4 con, chị Lan quyết định mua lợn xề móng cái về để đẻ con, đỡ được tiền mua lợn giống. Từ đó, hết lứa lợn này đến lứa lợn khác, hiện nay trong nhà chị lúc nào cũng có đàn lợn khoảng 15 con và một lợn mẹ. Người phụ nữ mạnh mẽ với ý chí thoát nghèo chia sẻ, kiến thức của chị mới học hết lớp 6, chồng cũng không hơn nên khi chuyển đổi sản xuất cũng gặp khó khăn, nhiều khi không biết bệnh tật của lợn. Có đợt, lợn của chị bị dịch bệnh chết hết mà không biết vì sao. Chị đi hỏi bà con cũng nuôi lợn, hỏi các cán bộ ở Trung tâm khuyến nông thì mới biết lợn nhà chị bị bệnh “cù đầu”, chỉ cần tiêm phòng là không mắc bệnh. Từ đó, ở xã, huyện có các khóa tập huấn về giảm nghèo, về trang bị kiến thức về kinh tế, sản xuất nông nghiệp là chị đều nhiệt tình tham gia. Có nhiều khóa cả hai vợ chồng chị cùng đi và mời gọi nhiều người khác cùng tham gia nữa. “Không có kiến thức thì vất vả lắm, con vật, cây trồng đều chết nên có lớp nào tôi cũng đi học. Đàn lợn nhà tôi cứ sau sinh 20 ngày lại đi tiêm phòng nên giờ không bị bệnh nữa. Thấy các lớp học có ý nghĩa nên tôi rủ thêm các chị em nghèo cùng cảnh tham gia,nếu ai không tới lớp được tôi lại truyền kiến thức cho”,  chị Lan hồ hởi.

Đầu năm 2017, được trưởng thôn thông báo sẽ có một cuộc họp  các hộ trong thôn để bàn về việc cùng nhau phát triển kinh tế, chị Lan đã hào hứng tham gia cùng chồng và nhiều gia đình khác. Qua đó chị được biết Dự án Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua chuỗi giá trị nông nghiệp được thực hiện tại địa phương do tổ chức Oxfam và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là phụ nữ tham gia tốt hơn và có thu nhập bền vững hơn từ hoạt động chăn nuôi lợn. Các cặp vợ chồng được khuyến khích cùng tham gia tập huấn hoặc các cuộc thảo luận về nhiều chủ đề như phân công công việc bình đẳng trong gia đình, lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, phân tích sinh kế và thị trường của hộ gia đình, hành động tập thể trong sản xuất và tiếp cận thị trường, kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn theo định hướng thị trường... Nhờ đó anh Vinh trước đây không bao giờ giúp chị trong việc chăn nuôi hoặc việc nhà nhưng nay đã chủ động nấu cám, cho lợn ăn hoặc nấu cơm. Không khí gia đình vui vẻ đầm ấm hơn nhiều.

Nâng cao vị thế phụ nữ nhờ phát triển kinh tế

Tham gia các khóa học, sinh hoạt các tổ nhóm, sự thay đổi đột phá của chị Lan là từ một người phụ nữ nhút nhát, phụ thuộc chồng, mặc cảm vì nghèo khó thì giờ đây, chị đã  mạnh dạn, tự tin hơn nhiều. Những buổi trưởng nhóm bận không tham gia được chị đã thay trưởng nhóm điều hành tốt các hoạt động của nhóm.

Mọi việc đang suôn sẻ thì bỗng gặp khó khăn vì mấy tháng trước giá lợn giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg,  lứa lợn nhà chị cũng chung cảnh bán lỗ, tiếc rẻ nhưng chị vẫn phải bán vì phải trang trải tiền cho con gái lớn học đại học. Tuy nhiên không lấy điều đó làm nản, chị Lan bàn bạc với các thành viên chia sẻ các vấn đề gặp phải và cùng tìm hướng giải quyết. Cuối cùng giải pháp được đưa ra là các thành viên nhóm cùng nhau mua chung thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn để được giá rẻ hơn, họ cũng chia sẻ thông tin giá bán lợn để mọi người cùng biết để tránh bị ép giá. Chị Lan cũng tích cực tham gia vào các nhóm “nòng cốt” trong nhóm và liên tổ nhóm để đi tìm hiểu đầu ra cho lợn.

Qua tham quan và chia sẻ thông tin, chị Lan biết được cơ sở xúc xích Hải Vân ở thành phố Lào Cai sản xuất xúc xích tươi không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường, một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong chị: Tại sao mình phải bán lợn rẻ trong khi nhu cầu xúc xích của thị trường đang cao? Ý nghĩ đó ngày một lớn lên trong chị và chị quyết định chia sẻ với chồng. Chị nói: “Nếu làm xúc xích mình sẽ tiêu thụ được lợn của nhà mình và cho bà con trong thôn”. Lúc đầu anh Vinh phân vân lắm, lo rằng liệu có làm được không, làm được thì có tiêu thụ được không, sợ là sản phẩm mình làm sẽ có giá thành cao hơn xúc xích Trung Quốc thì bán sao được. Chị Lan cũng đã có những lo lắng như chồng, nhưng chị lại nghĩ sản phẩm của mình nếu làm cẩn thận đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn có cơ hội. Chị cũng chia sẻ dự định của mình với cán bộ dự án và được khuyến khích bằng cách dự án sẽ hỗ trợ chi phí cho chị đi học nghề ở thành phố Lào Cai. Xã cũng tạo điều kiện bằng cách cam kết giúp chị có được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nếu xúc xích của chị đạt tiêu chuẩn.

Chị Lan đã gặp gỡ thảo luận với chủ cơ sở Hải Vân và được cơ sở cam kết bao tiêu sản phẩm nếu đạt chất lượng của họ. Với quyết tâm của chị và sự động viên khích lệ  của địa phương, chồng chị đã đồng ý với kế hoạch của chị. Hai vợ cùng nhau lên kế hoạch đầu tư sản xuất với phương án tài chính cụ thể, phần nào tự lo được, phần nào sẽ vay thêm từ họ hàng và bạn bè, khi nào đi học, mua máy móc thiết bị ở đâu, v.v…

Đến ngày 8.9 - khi mẻ xúc xích đầu tiên ra đời, chia sẻ với chúng tôi chị Lan phấn khởi lắm, chị cho hay chị đã đầu tư các loại trang thiết bị máy  móc hơn 15 triệu, mua 5kg thịt thì làm được 6kg xúc xích vì không pha trộn gì, chị đã mời mọi người ăn thử, người khen ngon, người động viên cố gắng thành công hơn ở mẻ sau… Tuy nhiên, sau bao lần thất bại thì việc cho ra đời một loại xúc xích cạnh tranh được trên thị trường chỉ là vấn đề thời gian, sau đó, chị Lan sẽ phổ biến lại cho chị em trong nhóm để cùng nhau phát triển hướng kinh doanh mới. Nhìn ánh mắt và nụ cười của chị, ai cũng hiểu sự thay đổi rõ rệt của một phụ nữ nông thôn đã tự tin, sáng tạo, chủ động phát triển kinh tế gia đình, dám nghĩ dám làm, và điều quan trọng là chị biết chị có quyền được tự chủ.

Vanhoa online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video