Nâng mức nghỉ thai sản lên 6 tháng: Trông người mà ngẫm đến ta

23/10/2011
Sau khi báo PNTĐ đăng bài “Nâng mức nghỉ thai sản lên 6 tháng: thêm hai tháng lợi cả đời”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Để hiểu thêm những lợi ích thiết thực từ chính sách thai sản cho phụ nữ sinh con, báo PNTĐ tiếp tục trở lại vấn đề này.

Tính ưu việt của chính sách nghỉ thai sản dài tại các nước.

Hiện nay tại nhiều quốc gia phát triển, chính sách thai sản rất được coi trọng bởi nó có tầm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của các bà mẹ và trẻ em. Tổ chức cứu trợ quốc tế Save the children (Hãy cứu lấy trẻ em) đã công bố bảng xếp hạng thường niên chất lượng cuộc sống của các bà mẹ tại 164 quốc gia. Trong đó, Na Uy là nước đứng đầu danh sách này với một chế độ nghỉ thai sản và chăm sóc con cái rất hào phóng. Khi mang thai, nếu người phụ nữ đã đi làm ít nhất là 6 tháng trong vòng 10 tháng thai nghén sẽ được nghỉ chế độ và hưởng lương đầy đủ với số tiền không quá 6 lần số tiền bảo hiểm quốc gia cơ bản. Khi sinh nở, người mẹ được nghỉ 52 tuần hưởng 80% lương hoặc nghỉ 42 tuần hưởng 100% lương. Trong thời gian này, mẹ phải nghỉ 3 tuần trước khi sinh, bố phải nghỉ 4 tuần theo chế độ người cha. Ngoài ra, bố và mẹ được nghỉ từ 10-20 ngày/năm chăm con ốm (kể cả với con nuôi). Quỹ thời gian này, bố mẹ tùy ý sử dụng trong thời gian 2 năm, không nhất thiết phải nghỉ liên tục. Còn đối với phụ nữ không đi làm và không được hưởng chế độ nghỉ đẻ thì được hưởng 32.138 NOK khi sinh (tương đương với 80.500.000 đồng Việt Nam). Từ năm 1992, những ông bố bà mẹ không đi làm mà phải nuôi con dưới 7 tuổi đều được hưởng ba khoản trợ cấp một năm của Chính phủ. Nhờ chính sách thai sản tốt ấy, hàng năm tỉ lệ mất con nhỏ dưới 5 tuổi của phụ nữ Na Uy là 1/175, tuổi thọ trung bình của họ là 83 tuổi.

Cùng với Na Uy, các nước Úc, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch, New Zealand, Phần Lan, Bỉ, Hà Lan, Anh,… là những nước trong top đầu danh sách các quốc gia có chất lượng sống của các bà mẹ tốt nhất với tỉ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em thấp, dịch vụ chăm sóc y tế hàng đầu, chế độ nghỉ thai sản hào phóng nhất thế giới. Khi các bà mẹ ở các nước này nghỉ việc để sinh con, họ vẫn được nhận lương cả năm. Phụ nữ Anh được nghỉ thai sản 52 tuần. Tuy nhiên sản phụ chỉ được hưởng lương 90% trong 6 tuần đầu tiên. Phụ nữ Pháp nghỉ 16 tuần trong đó nghỉ trước ngày dự kiến sinh 6 tuần đối với sinh con thứ nhất và thứ hai, trường hợp sinh con thứ ba được nghỉ 26 tuần.

Ở các nước có quy định thấp hơn về chính sách thai sản (trung bình là 12 tuần hoặc 90-98 ngày như Trung Quốc, Nhật Bàn, Philippines, Hàn Quốc, Singapore… cũng có những quy định để đảm bảo tiêu chuẩn của lao động nữ trong việc nghỉ thai sản và đảm bảo sức khỏe sinh sản.

Cụ thể Luật Lao động của Chilê (1976) quy định: Nếu không có lý do chính đáng thì trong thời kỳ lao động nữ mang thai hoặc 1 năm sau khi hết thời kỳ nghỉ thai sản, doanh nghiệp không được sa thải lao động nữ. Doanh nghiệp có 2 lao động nữ trở lên phải bố trí vườn trẻ gần doanh nghiệp để lao động nữ có con nhỏ dưới 2 tuổi được gửi trẻ, chi phí vườn trẻ do chủ doanh nghiệp chịu.

Phải vượt khó để dành lợi lâu dài

Trong Hội thảo nghiệm thu kết quả khảo sát tình hình thực hiện chính sách thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ tại doanh nghiệp năm 2011, bà Phạm Phương Lan (phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam) cho biết: Đây là một trong những ngành có tỷ lệ lao động nữ chiếm khá đông nhưng tỷ lệ phân bố lao động lại không đồng đều. Có nơi tỷ lệ nữ rất cao từ 85-100% như kho quỹ, giao dịch, kế toán… nếu nhiều người nghỉ thai sản cùng thời điểm thì khó khăn là rất lớn và rất khó xử lý. Ngân hàng không thể tuyển thêm lao động để thay thế. Bởi lẽ nếu tuyển thêm thì nhân sự sẽ dôi dư khi số lao động nghỉ sinh xong đi làm trở lại. Việc điều chuyển công việc để hỗ trợ cho bộ phận khác cũng làm ảnh hưởng đến công việc của cả hệ thống. Ngoài ra, hoạt động ngân hàng mang tính tự động cao, phần mềm ứng dụng liên tục được cập nhật và thay đổi. Nếu chị em nghỉ thai sản lâu sẽ mất nhiều thời gian để đáp ứng nhu cầu công việc, chỉ tiêu về hoàn thành công việc và thu nhập sẽ không như mong muốn.

Phía Công đoàn của công ty Cổ phần Tràng An cũng cho rằng: Hiện nay lao động nữ của công ty chiếm 65% (trong độ tuổi sinh đẻ chiếm 85%, nữ thanh niên chưa lập gia đình chiếm 80%), lao động nữ là cán bộ quản lý từ tổ trưởng sản xuất trở lên chiếm 90% trong tổng số cán bộ quản lý. Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất bởi số lao động ấy đã được đào tạo về công nghệ và tay nghề. Nếu tuyển thêm lao động mới thì công ty lại phải đào tạo lại từ đầu.

Nhìn chung, khó khăn trên là tình trạng chung phổ biến của các doanh nghiệp có số lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN đa số các doanh nghiệp đều ủng hộ chính sách nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng vì cái lợi lâu dài. Bởi đây cũng là cách đầu tư thông minh nhất cho tương lai của chính các doanh nghiệp.

“Phần khó khăn chỉ có công ty chịu nhưng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, chúng tôi ủng hộ nâng chế độ thai sản đối với lao động nữ lên 6 tháng” - Đại diện công ty Tràng An cam kết.

Theo Báo Phụ nữ Thủ đô

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video