Nên có cái nhìn bao dung, đồng cảm

29/12/2004
Một em gái 16 tuổi tâm sự về mẹ của mình: "Bất cứ hành động, lời nói nào của em thể hiện hay thốt ra mẹ đều tìm được khiếm khuyết. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì không nói làm gì, đằng này mẹ ghi nhớ kỳ tưng li từng tí rồi nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần sau đó, nhất là khi em mắc sai sót. Có những việc đã qua lâu lắm rồi và em cũng đã quên thì mẹ vẫn có thể nhắc lại rành rọt như mới hôm qua vậy".

Rất nhiều bậc phụ huynh thường có khuynh hướng áp đặt sự hoàn hảo lên con cái. Họ thấy mình còn nhiều thiếu sót và không mong muốn điều đó lặp lại ở đứa con nữa. Từ đó họ nỗ lực làm cái công việc là quan sát và sửa sai cho con. Họ thường mắc phải những hạn chế nào thì rất hay chú ý và dễ nhìn thấy hạn chế đó ở đứa con. Chẳng hạn như một bà mẹ vụng về thì sẽ tỏ ra khó chịu khí thấy đứa con gái của mình cũng có biểu hiện như thế và tất nhiên bà làm nhiều cách để "khống chế" nhược điểm đó ở đứa con. Cô con gái sẽ không hiểu vì sao mẹ thì vậy mà lại đòi hỏi ở mình phải thế này, thế nọ. Hay một ông bố đã thiếu nghị lực trong việc học hành ngày xưa thì chắc chắn không muốn cái "gen" đó lại xuất hiện ở những đứa con và ông đã phê phán một cách gay gắt mỗi khi con có điểm kém.

 

Không ai thích thú gì với việc phải đối diện với những sai sót đã qua của mình. Nhưng nếu bắt các em phải nhìn vào các khuyết điểm ở lứa tuổi mà bọn trẻ gặp nhiều khiếm khuyết nhất, như thế sẽ dễ làm các em tự ái và tệ hại hơn, sẽ khiến các em mất niềm tin về chính mình. "Em chẳng muốn làm gì nữa vì cứ nhúng tay vào việc gì mẹ cũng lắc đầu, cũng chỉ ra được sự vụng về của em trong đó". "Con còn kém lắm" là câu cửa miệng của mẹ em mỗi khi ở bên cạnh xem em làm gì đó, dù em đã rất cố gắng để sửa sai như như ý muốn của mẹ và ít nhiều đã tự nhận thấy mình có tiến bộ, nhưng mẹ vẫn không chịu thừa nhận điều đó. Cứ như thể là mẹ sợ em sẽ bằng lòng với mình mà không phấn đấu nữa vậy". "Bây giờ em hoàn toàn mất khả năng sáng tạo và chính kiến của mình rồi. Mọi lời nói, việc làm của em đều do sự phán xét, kết luận của mẹ và lần nào cũng vậy, mẹ luôn chỉ ra được điều gì đó để phàn nàn". Không ít đứa trẻ đã có những tâm sự chán chường và thất vọng về sự giáo dục của cha mẹ như vậy.

 

Không tán đồng nhưng cũng đừng phản ứng và quá khắt khe với hạn chế của con cái. Hãy chấp nhận con cái như chính bản thân chúng. Các em sẽ dễ chịu, vui sướng hơn nếu như thay vào cái lắc đầu đầy thất vọng của cha mẹ là một thái độ, lời nói bao dung và đồng cảm như "Bố, mẹ ngày xưa bằng tuổi con cũng thế". Điều đó sẽ giúp các em nhận thấy trách nhiệm sửa sai đối với những khiếm khuyết của bản thân và dần dần không để lặp lại nữa.

Hương Khê - Báo Phụ nữ Thủ đô

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video