Nét đẹp mùa Covid

13/09/2021
Đợt dịch Covid-19 lần này “tấn công” Long An với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, khó lường, những “pháo đài” được dựng lên, những câu chuyện về nét đẹp đời thường đã trở thành sức mạnh góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ cũng dốc lòng, dốc sức giúp tuyến đầu an tâm chống dịch, từ bữa ăn đến ly nước và nhiều việc không tên khác,...
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh khệ nệ ôm từng phần quà đến với người dân và hỗ trợ nấu cơm cho khu cách ly, khu phong tỏa

Góp sức chống dịch, chẳng ngại hiểm nguy

Đưa tay lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán dưới cái nắng hầm hập của buổi trưa nắng gắt, trong khi nhiều người sợ phải tiếp xúc với những trường hợp thuộc diện cách ly thì Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Tân Chánh, huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1986) và các tình nguyện viên vẫn chấp nhận cùng “tuyến đầu” chống dịch. Hàng ngày, chị cùng mọi người chăm lo cơm nước cho các trường hợp này. Ròng rã hơn 2 tháng, chị Hạnh người gầy hơn, da đen sạm, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng tinh thần thì luôn tràn đầy nhiệt huyết.

Trời còn chưa sáng, chị Hạnh bước rón rén vì sợ đánh thức người thân cùng 2 đứa con nhỏ để đến điểm nấu ăn sáng cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Mấy tháng nay, ngày nào chị cũng đi từ 5 giờ đến tận 22 giờ mới về nhà và hầu như không để cho tụi nhỏ nhìn thấy mình. Nhóm chị nấu ăn một ngày 3 bữa cho những ca F0 chuẩn bị đưa đi điều trị, lực lượng tại các chốt kiểm soát, đội ngũ test sàng lọc và tiêm vắc-xin phòng Covid-19,... Khi cơm được phân phát xong, chị lại cùng mọi người tham gia tổ truy vết, hỗ trợ công tác tiếp tế lương thực cho những hộ dân gặp khó khăn do dịch bệnh; giúp mua thuốc chữa bệnh và một số vật dụng khác khi cần; nhận rau, củ, quả do các đơn vị tài trợ để phân loại, phát cho các hộ dân,...

Không ngơi nghỉ, chị Hạnh lại chạy xe máy chở theo nhu yếu phẩm đến với các hộ dân thuộc ấp Bà Nghĩa. Đường vào tận nhà khó khăn, chị Hạnh dừng xe bên bờ kinh, khệ nệ ôm từng phần quà đi qua cây cầu nhỏ để trao cho họ. Mùa dịch này, đầu ra của con tôm gặp khó. Chị bàn với nông dân chuyện “giải cứu” con tôm. Với những hộ nuôi số lượng ít thì chị tìm mối, giới thiệu cho các địa phương có nhu cầu; còn hộ nuôi nhiều, chị liên hệ huyện tìm cách giải quyết.

Chồng chị Hạnh làm Công an xã Tân Ân, những ngày này, anh cũng trực chống dịch và hầu như không về nhà. Hai đứa con (đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi) đành nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Chị chia sẻ: “Sau khi làm nhiệm vụ, tôi về ngủ bên hiên nhà, sinh hoạt riêng, chỉ lén nhìn 2 con từ xa, không dám nói chuyện vì hàng ngày tiếp xúc với các F, sợ có thể lây nhiễm bệnh cho các con”.

“Những ngày Tân Chánh ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, không chỉ tôi mà những anh, chị, em cơ sở đều vất vả, chỉ mong góp chút công sức cho công tác chống dịch, để người dân sớm được quay lại cuộc sống bình thường” - chị Hạnh nói.

Hãy yên tâm đi cách ly, con nhỏ đã có các chị lo

Một ngày cuối tháng 6/2021, Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Chung nhận được thông tin có một bé gái tên Ngân, ở trọ một mình tại xã Lộc Giang do mẹ cách ly tại công ty (2 mẹ con quê tỉnh Bến Tre). Chị gọi hỏi thăm và được Hội LHPNVN xã Lộc Giang thông tin là đã vận động mạnh thường quân và đến tận nơi tìm hiểu, tặng sữa, nhu yếu phẩm và một ít tiền cho bé. Sau đó, bé được chị Nguyễn Thị Lan (SN 1969, quê ở tỉnh Sóc Trăng), ở cùng dãy trọ chăm sóc để mẹ của bé an tâm thực hiện cách ly y tế.

Từ trên xuống, từ trái qua: Phụ nữ huyện Cần Giuộc thăm 2 bé sơ sinh có mẹ mất do dịch Covid-19; phụ nữ xã Lộc Giang tặng quà cho bé Ngân; bé Yến nhận quà tại Khu cách ly tập trung tại Trường Trung cấp Y tế Long An

Những ngày TP.Tân An xảy ra dịch bệnh, Chủ tịch Hội LHPNVN TP.Tân An - Huỳnh Thị Diễm Lệ cũng tất bật lo chuyện cơm nước cho người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa. Chị lội ruộng cắt thanh long, phân phát theo những “chuyến xe 0 đồng” và kiêm thêm nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Trong Khu cách ly tập trung tại Trường Trung cấp Y tế Long An, bé Ngọc Yến (SN 2009) đang thực hiện cách ly y tế. Hoàn cảnh gia đình của bé rất khó khăn, cả nhà rời quê Tiền Giang lên Tân An, ở trọ tại phường 7 để bán bún riêu kiếm sống.

Cha, mẹ, chị gái đều nhiễm Covid-19 và điều trị tại Bệnh viện dã chiến ở huyện Tân Trụ. Bé ở một mình tại khu cách ly. Biết trường hợp của bé, Hội LHPN thành phố trực tiếp điện thoại động viên và cùng ban quản lý khu cách ly vận động bánh, sữa, mì, các vật dụng thiết yếu khác và được mạnh thường quân hỗ trợ thêm 5 triệu đồng cho bé. Chị Lệ chia sẻ, Hội tiếp tục tìm hiểu, rà soát các bé nhỏ, có cha mẹ đi cách ly hoặc điều trị Covid-19 để đưa những suất ăn bảo đảm chất dinh dưỡng cho các bé.

Tối 14/8/2021, giọng nghèn nghẹn, Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng kể, vừa đến thăm, tặng quà và một ít tiền mặt cho 2 bé gái sinh đôi được 15 ngày tuổi (xã Long An). Mẹ của bé nhiễm Covid-19, mất tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), hai bé được đưa về nhà, tuy nhiên bà ngoại, cha cũng là F0 đang điều trị.

Rồi một ngày cuối tháng 7, tôi nhận điện thoại của chị Thắm (Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm) tâm sự: “Đêm qua chị lại mất ngủ vì cuộc nói chuyện, tư vấn cho một trường hợp F0. Con bé 5 tuổi bị bệnh hiểm nghèo, điều trị định kỳ ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Buổi sáng, mẹ bé test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính tại Cần Đước, đủ điều kiện đưa con đi nằm viện. Lên đến bệnh viện, xét nghiệm PCR cho kết quả mẹ dương tính, con âm tính. Cha bé nghe vậy, chạy xe lên bệnh viện nhưng qua chốt giáp ranh không được, trở về nhà gọi điện thoại khắp nơi để tìm xe chở con về. Khoảng 19 giờ 30 phút, họ tìm được số điện thoại của chị. Cuộc nói chuyện diễn ra hơn 2 giờ. Mẹ bé khóc suốt. Chị gọi Hội LHPNVN TP.HCM, gọi Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trong đêm để hỏi lại và tìm cách giúp đỡ. Mẹ F0 đi một nơi, con F1, cha F1 đi một ngả. Con bé bị bệnh hiểm nghèo bẩm sinh, chỉ ăn được cháo xay. Người mẹ đi điều trị mà khóc vì không biết ai lo cho con. Cuối cùng, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPNVN TP.HCM nhận kết nối hỗ trợ xay thức ăn cho bé. Chị mừng trong nỗi lo...”.

 

“Hiện toàn tỉnh có hơn 800 cán bộ Hội, chi hội trưởng, tổ trưởng, tổ phó,... vừa trực chốt, vừa tham gia truy vết các F trong cộng đồng. Trong đó, một số chị em trong quá trình công tác trở thành F0, F1, F2. Có cán bộ Hội khi người thân mất do nhiễm Covid-19 vẫn nén cảm xúc, tiếp tục việc vận động lương thực chở đến cho người dân các khu phong tỏa,... Nhiều người không buôn bán được, không có thu nhập nhưng vẫn góp gạo, rau, thịt cho cộng đồng,... Và có các chị, nhiều ngày vẫn chưa được về với gia đình vì tham gia phòng, chống dịch”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thụy Thắm


 

Báo Long An Online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video