Nét mới trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” giai đoạn 2015 - 2020

18/09/2020
Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được TW Hội LHPN Việt Nam phát động từ năm 2002 (tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX).
Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III của Hội LHPN Việt Nam

Trong giai đoạn 2015-2020, phong trào tiếp tục được các cấp Hội tích cực triển khai với nhiều đổi mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, tạo nên khí thế thi đua sổi nổi, tạo động lực thúc đẩy chị em tích cực lao động, học tập, công tác góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Phụ nữ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hàng năm, chủ đề, nội dung thi đua đều được Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam xác định kịp thời, cụ thể gắn với nhiệm vụ trọng tâm, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Hội (Năm 2015: đợt thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ III, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; Năm 2016: Chủ đề thi đua “Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm 2016; Năm 2017: Chủ đề thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong triển khai và tổchức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ XII”; Năm 2018: chủ đề năm “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm” và đợt thi đua đặc biệt “Đồng hành cùng phụ  nữ biên cương”; Năm 2019 - 2020: chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; Năm 2020: đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV và kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam với chủ đề “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”).

Việc phát động các đợt thi đua ngắn hạn đã thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, thiết thực tham gia các sự kiện lớn của đất nước, của Hội; kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong phong trào phụ nữ và công tác Hội. Do đó đã tạo ra hiệu ứng và sự lan toả sâu rộng, thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia và nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, toàn xã hội.

Các nội dung thi đua được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn và phù hợp với nhiều đối tượng; Nội dung thi đua ngày càng thiết thực, gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ hướng tới xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện và xây dựng gia đình hạnh phúc như: vận động mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng để rèn luyện sức khỏe; vận động phụ nữ  thực  hiện sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch; mỗi cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Từ đầu nhiệm kỳ XII, TW Hội tăng cường phân cấp để các cấp Hội chủ động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa nội dung phong trào, cuộc vận động và các hoạt động Hội phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ và đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị; mở rộng đối tượng vận động tham gia phong trào thi đua và các cuộc vận động, quan tâm hỗ trợ các nhóm phụ nữ khó khăn, yếu thế, chưa đạt tiêu chí thi đua/vận động, phụ nữ ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ di cư, phụ nữ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Từ sự phân cấp, nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa các nội dung phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ và đặc điểm của địa phương, đơn vị như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” (Quảng Ninh); “Giúp nhau xoá đói, giảm nghèo có địa chỉ” (Yên Bái); “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững” (TP. Hà Nội); “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” (Bình Thuận); “Phụ nữ Quân đội giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (Ban Phụ nữ Quân đội); “Phụ nữ Công an nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo vì an ninh tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” (Hội Phụ nữ Bộ Công an)...

Công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng nhân rộng điển hình tiên tiến ngày càng được các cấp Hội quan tâm, thể hiện qua việc đưa vào thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và vào nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ. Năm 2017, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đã ban hành Hướng dẫn số 122/HD-ĐCT về việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua và hoạt động công tác Hội. Các cấp Hội tổ chức hoạt động tuyên truyền, biểu dương với nhiều hình thức đa dạng như: hội nghị biểu dương, trao giải thưởng, tôn vinh tại các sự kiện của Hội, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường chuyên trang, chuyên mục/tăng thời lượng giới thiệu các tấm gương phụ nữ điển hình; tổ chức các cuộc triển lãm cố định và lưu động; thăm thực tế các mô hình/điển hình, xuất bản ấn phẩm...

Công tác Thi đua - Khen thưởng có nhiều đổi mới: không bắt buộc tổ chức đăng ký, bình xét phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn phong trào; việc đăng ký, bình xét (nếu có) do Hội LHPN cấp tỉnh quyết định và hướng dẫn; đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và các điển hình tiên tiến.

Đặc biệt, đổi mới  cách thức đánh giá thi đua đối với Hội LHPN tỉnh/thành theo bản tiêu chí đánh giá hoạt động gồm 7 chỉ tiêu và các hoạt động trọng tâm hàng năm; triển khai cho Hội LHPN các tỉnh/thành phố đăng ký thực hiện chỉ tiêu 1 lần đầu nhiệm kỳ (sửa đổi, bổ sung hàng năm nếu cần thiết); hàng năm không phải gửi nội dung đăng ký thi đua về TW và Cụm thi đua; giảm các văn bản hành chính, minh chứng kết quả thực hiện về TW Hội...

Công tác khen thưởng được đổi mới theo hướng tăng tính chủ động cho từng cấp Hội; khen thưởng đa dạng hơn về hình thức; bên cạnh các hình thức khen thưởng định kỳ, chú trọng đến khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đột xuất, đối ngoại; đối tượng khen thưởng được mở rộng, quan tâm khen thưởng hội viên phụ nữ, cán bộ Hội, tổ chức Hội ở cơ sở, người lao động trực tiếp, hội viên phụ nữ dân tộc, tôn giáo, vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều khó khăn... nhằm kịp thời động viên các tập thể và cá nhân là cán bộ, hội viên, phụ nữ có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua, các cuộc vận động và các hoạt động trọng tâm của Hội, nhất là ở cấp cơ sở.

Bốn nhiệm kỳ liên tục kiên trì thực hiện một phong trào thi đua nhưng chủ đề, nội dung của từng nhiệm kỳ, từng năm lại được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo phụ nữ, góp phần thúc đẩy, hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức Hội, phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là nét mới thể hiện tính chủ động, năng động, sáng tạo của Hội LHPN Việt Nam.

Đinh Lê Hải Huyền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video