Nếu có cơ hội, trẻ em gái và nữ thanh niên có thể thay đổi thế giới

09/10/2019
Đó là khẳng định của nữ “đại sứ Thụy Điển một ngày” khi chia sẻ những băn khoăn, những câu chuyện về sự thiệt thòi, những tổn thương mà trẻ em gái phải chịu đựng.

Phương Anh - nữ sinh Sư phạm Hà Nội- vừa được bà đại sứ Thụy Điển trao quyền làm “đại sứ trong một ngày” đã chia sẻ những băn khoăn, những câu chuyện về sự thiệt thòi, những tổn thương mà trẻ em gái phải chịu đựng.

Tên em là Phương Anh, năm nay em 20 tuổi. Em sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô Hà Nội. Được sự ủng hộ của bố mẹ, em có cơ hội được học đại học. Kể từ đó, em cũng học được thêm nhiều điều khác bằng chính những trải nghiệm của bản thân.

Trong mắt nhiều người Việt Nam, thành phố lớn là nơi có nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người. Theo quan điểm của em, thành phố lớn cũng là nơi tiềm tàng nhiều nguy cơ. Ở đây, em thấy nhiều tài xế bất cẩn, những em gái ngây thơ bị lợi dụng, đàn ông trêu ghẹo các cô gái trên đường phố rồi nói: “Đùa tí thôi ấy mà” và không hề để ý đến tổn thương mà chúng em phải chịu từ những hành động đó.

Dưới con mắt của những người thân trong gia đình em, thành tựu lớn nhất của người con gái là lấy được tấm chồng tốt và có một gia đình hạnh phúc. Họ cho rằng con gái lớn là phải thành thạo nữ công gia chánh, đảm đang, khéo léo việc nhà để xây dựng tổ ấm. Con trai thì cần tập trung học hành, tạo dựng mối quan hệ xã hội để trở thành trụ cột của gia đình và chủ nhân tương lai của đất nước. Họ không hề quan tâm việc con gái chúng em cũng có ước mơ trở nên độc lập và làm chủ cuộc sống của mình.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là em không yêu Hà Nội và không yêu gia đình em. Nhưng em cũng không thể ngừng băn khoăn: Xã hội đã phát triển, tại sao những khuôn mẫu từ thời xa xưa vẫn ảnh hưởng đến em và các bạn gái khác nhiều như vậy?

Nếu con gái ở thành phố còn phải đối mặt với những định kiến này, vậy thì với các bạn gái dân tộc thiểu số sống ở vùng núi hẻo lánh thì sao? Nhất là khi cuộc sống ở đó còn nhiều khó khăn: không có nước sạch, không có điện, cơ sở vật chất và y tế thiếu thốn, thu nhập không ổn định. Điều kiện sống cơ bản không được đảm bảo, con gái thường phải nghỉ học, kết hôn và có con ở tuổi vị thành niên.

 Ảnh minh họa

 Phương Anh đã được trao quyền "làm đại sứ một ngày" bởi Bà Ann Måwe - Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam


Những chuyện thế này đã diễn ra trong một thời gian dài và hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra. Em hy vọng mọi người hãy lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ và mong muốn của chúng em. Quyền bình đẳng là một nhu cầu thiết yếu.

 Ảnh minh họa

 Phương Anh mong muốn được lan tỏa những thông điệp và hành động đem đến sự bình đẳng cho tất cả mọi người


Thông qua dự án Thành phố An toàn cho Phụ nữ và trẻ em gái, tổ chức Plan International, cá nhân em, cùng với 700 bạn (cả nam và nữ) từ 26 trường học tại Hà Nội, là thành viên của các câu lạc bộ Thủ Lĩnh của sự Thay đổi hiện đang hoạt động tích cực để truyền thông cho các bạn khác, các thầy cô giáo, gia đình và cộng đồng về bạo lực trên cơ sở giới, những chuẩn mực xã hội và khuôn mẫu đối với trẻ em gái và phụ nữ. Plan cũng đã hỗ trợ em tham gia Hội nghị thượng đỉnh dành cho nữ giới khu vực Châu Á tại Thái Lan. Tại đây, em đã cùng các bạn nữ đại diện cho các nước khắp châu Á lên kế hoạch cho một chiến dịch về phụ nữ trong vị trí lãnh đạo.

Có thể nói, con gái vẫn còn phải chịu áp lực từ rất nhiều khuôn mẫu. Ví dụ như phải nhẹ nhàng, biết nghe lời, xinh đẹp… Nhưng với em, em muốn là nhà hoạt động xã hội cho quyền bình đẳng giới. Em muốn đồng hành cùng Plan International, tổ chức hàng đầu về quyền trẻ em gái tại Việt Nam để lan tỏa những thông điệp và hành động đem đến sự bình đẳng cho tất cả mọi người. 

Nếu có cơ hội, trẻ em gái và nữ thanh niên có thể thay đổi thế giới!

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video