Ngành sản xuất, chế biến gỗ: Làm gì để tồn tại và phát triển !

07/01/2006
Hội thảo chuyên đề "Tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam và vai trò của Hiệp hội" vừa được Ban Chấp hành (BCH) Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với BCH Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tổ chức tại TP. Quy Nhơn.

Quy Nhơn. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là bên cạnh những cơ hội phát triển, các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ (CBG) Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

* Thời cơ và thách thức

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (HHG-LS) Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, CBG xuất khẩu (XK). Những năm gần đây, nhiều DN CBG của Việt Nam ngày càng "ăn nên, làm ra". Hiện tại, ngành CBG là một trong 6 ngành có giá trị kim ngạch XK hàng đầu Việt Nam. Điển hình trong số những tỉnh, thành có hoạt động sản xuất, CBG phát triển mạnh là TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…

Riêng Bình Định, những năm gần đây được đánh giá là một trong 3 trung tâm, CBG lớn nhất của Việt Nam, với 68 DN đang hoạt động, giá trị kim ngạch XK chiếm 60% kim ngạch XK toàn tỉnh. Thời gian qua, các DN CBG đã không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực quảng bá, tiếp thị, mở rộng thị trường XK. Đồng thời, các DN CBG của chúng ta đã có một môi trường kinh doanh, XK khá thuận lợi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những năm gần đây, do tình hình chính trị của một số nước trong khu vực diễn biến phức tạp nên hoạt động sản xuất, CBGXK ở một số quốc gia Đông Nam Á từng có truyền thống như Indonesia, Malaysia… bị chững lại. Đồng thời, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ được ký kết cũng là một yếu tố thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, CBGXK của các DN trong nước. Điều đáng nói là nhiều DN CBGXK của chúng ta đã biết chủ động nắm bắt thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, đưa vị thế của ngành CBG Việt Nam lên tầm cao mới.

Mặc dù được đánh giá là một trong những "ngành mũi nhọn", song ngành CBGXK Việt Nam cũng còn không ít khó khăn, hạn chế, thậm chí phải đối diện với những thách thức khôn lường. Những năm qua, mặc dù KNXK của các DN CBG trong nước có bước tăng trưởng khá cao, tuy nhiên, hầu hết các DN của ta vẫn phải sử dụng vốn vay ngân hàng là chính. Phần lớn các DN CBG của ta có xuất phát điểm là DN vừa và nhỏ nên vẫn tồn tại lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún; thiếu thông tin về thị trường, giá cả; trình độ tay nghề, ý thức, tác phong công nghiệp của lao động ngành CBG còn hạn chế vì không được đào tạo bài bản. Vì vậy, chất lượng sản phẩm chưa cao, tính cạnh tranh thấp. Trong khi đó, thị trường XK đồ gỗ ngày càng có nguy cơ thu hẹp, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ngoài các đối thủ nước ngoài, đáng lo ngại là tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay trên "sân nhà" giữa các DN CBG trong nước. Đồng thời, các DN CBGXK Việt Nam còn phải đương đầu với nguy cơ tụt hậu…

* Làm gì để tồn tại và phát triển ?

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn thảo xung quanh 2 chuyên đề "Tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, cơ hội và thách thức" và "Vai trò của Hiệp hội" trong việc liên kết các doanh nghiệp". Bên cạnh việc nêu rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành CBG Việt Nam, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để các DN CBG trong nước tồn tại và tiếp tục phát triển. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng lợi thế của các DN CBG Việt Nam đang mất dần, trong khi những nguy cơ, thách thức lại tăng lên. Nếu không cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường… các DN CBG trong nước sẽ ngày càng rơi vào thế khó khăn, bế tắc.

Theo nhiều chuyên gia, để tránh nguy cơ tụt hậu, Hiệp hội và các hội thuộc ngành CBG, nhất là các DN trong nước nên "ngồi lại với nhau", hợp tác, liên kết chặt chẽ, tạo thành sức mạnh mới có thể cạnh tranh được với các DN khu vực và thế giới. Điều quan trọng trước tiên là phải có biện pháp ngăn chặn việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước. Để làm được điều này, vai trò của Hiệp hội LS-CBGXK Việt Nam và các hội chuyên ngành CBG là rất quan trọng.

Sự tham dự của hơn 60 đại biểu đại diện cho các hội, các DN thuộc ngành CBG của hàng chục tỉnh, thành trong nước tại Hội thảo, trong đó có những địa phương hàng đầu về CBG, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai… có thể coi là một sự kiện đối với ngành CBG Việt Nam và ngành CBG Bình Định nói riêng. Sự quy tụ này cũng chính là "tín hiệu" đáng mừng của ngành CBG nước nhà. Hy vọng rằng, sau hội thảo, các DN CBG sẽ tăng cường sự hợp tác, liên kết, thúc đẩy ngành CBG nước nhà ngày càng phát triển.

Viết Hiền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video