Ngày 27 tháng 7 - Ngày hàng triệu con tim cả nước hướng về

22/07/2008
27-7 là dịp người dân cả nước hướng về những liệt sĩ đã khuất, biết ơn và trân trọng những người thương binh anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong cuộc sống hôm nay...

Người Việt Nam ta chắc hẳn chẳng mấy ai không biết đến Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7. Trải qua nhiều thập niên chiến đấu bảo vệ dải đất xinh đẹp, duyên dáng hình chữ S, rất nhiều người đã ngã xuống, nhiều người đang sống cũng đã hy sinh một phần máu xương của mình cho Tổ quốc. 27-7 là dịp người dân cả nước hướng về những liệt sĩ đã khuất, biết ơn và trân trọng những người thương binh anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là dịp để lớp trẻ nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc, ghi ơn và tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Tuy nhiên không ít bạn trẻ chưa được biết về lịch sử ngày 27-7. Tháng 6 năm 1947 Hồ Chủ tịch đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để đồng bào cả nước có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh. Đầu tháng 7, Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh được thành lập, xác định mục đích yêu cầu và lựa chọn thời gian. Cuối cùng, ngày 27-7 được lựa chọn vì có nhiều con số 7, tương đối dễ nhớ.

6h chiều ngày 27-7-1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), lễ mít tinh công bố Ngày Thương binh toàn quốc đã diễn ra. Tham gia mít tinh có đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và cán bộ phong trào của một số địa phương cùng đông đảo nhân dân huyện Đại Từ, Bắc Thái.

Ban tổ chức cuộc mít tinh đã đọc thư của Hồ Chủ tịch. Trong thư của Người có đoạn viết “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh... Tôi xin xung phong gửi tặng 1 chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.

Cùng với nhiều bài phát biểu khác, Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba (Đại Từ) đã bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của người dân, của phụ nữ đối với thương binh.

Kể từ năm ấy, ngày Thương binh được tổ chức hàng năm vào dịp 27-7, được xem là Ngày thương binh toàn quốc. Sinh thời, cứ vào dịp 27-7 Bác Hồ lại gửi thư, gửi quà cho anh em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Từ nǎm 1955 ngày "Thương binh toàn quốc" được đổi thành ngày "Thương binh liệt sĩ" và tên gọi đó được trân trọng lưu giữ cho đến ngày hôm nay, trở thành ngày ghi nhớ công ơn của cả dân tộc.

Hơn 60 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Tiếp nối truyền thống đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn, ngoài dịp lễ tết, hàng năm vào dịp 27-7, các ban ngành đoàn thể, các địa phương lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, các thương binh bệnh binh. Các gia đình liệt sĩ, các thương binh bệnh binh cũng không ngừng đóng góp trí tuệ và sức lực của mình cho công cuộc đổi mới của đất nước. Không ít thương binh, bệnh binh đã từng là dũng sĩ trong chiến đấu nay lại trở thành những con người tài ba trong sản xuất kinh doanh.

Hòa mình cùng với hàng triệu trái tim của thanh niên và phụ nữ cả nước, tôi tự nhắc mình phải làm việc tích cực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, coi đó là một cách đền ơn đáp nghĩa. Thiết nghĩ, mỗi bạn trẻ chúng ta hoàn toàn có thể có những hành động đền ơn theo cách của mình, và nên chăng mỗi tháng cần có những tiêu chí hành động nhất định, phấn đấu vì sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội ./.

Dương Kim Anh
Trường Cán bộ Phụ nữ TW

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video