Ngày hội lớn của phong trào thi đua yêu nước

28/12/2010
1.500 đại biểu đại diện các tập thể Anh hùng, các Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến của các địa phương, lĩnh vực, các dân tộc, tôn giáo… trên khắp Tổ quốc, là những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa thi đua yêu nước của cả nước đã về dự Đại hội ngày 27-28/12/2010.

Sáng 27/12, với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015”,  Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ VIII đã được khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội.

Dự Đại hội có Tổng Bí thư Nông  Ðức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Ðảng, các Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, và Phó Chủ tịch Quốc hội,  các Ủy viên TƯ Ðảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở TƯ và  lãnh đạo các địa phương, các vị lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng.

Dự Ðại hội còn có 1.500  đại biểu chính thức ưu tú được lựa chọn từ các hội nghị điển hình tiên tiến và đại hội thi đua của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước.

Góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội

Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TƯ khẳng định, kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nổi bật là chúng ta đã ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của khủng hoảng kinh tế thế giới, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao được duy trì, năm 2010 đạt 6,7%, bình quân 5 năm đạt khoảng 7%/năm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, an sinh và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và bảo đảm ngày càng tốt hơn; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực.

Biểu dương tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, những tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc đại diện cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, Đại hội nhằm khơi dậy, cổ vũ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị, xã hội đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sôi nổi, lan tỏa khắp cả nước trên nhiều lĩnh vực

Trình bày báo cáo tổng kết  phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua-khen thưởng giai  đoạn 2010-2015, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TƯ nhấn mạnh, công tác thi đua – khen thưởng đóng góp một phần quan trọng trong những thành tựu trên.

Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm; phong trào thi đua “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” phát triển ngày càng sâu rộng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đã giúp cho hàng triệu nông dân thoát nghèo. Ngành đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 10 tỷ USD.

Các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; phong trào thi đua liên kết đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng trên các công trình trọng điểm quốc gia; phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ, du lịch, phong trào thi đua đã có bước phát triển tạo động lực cho sự phát triển lưu thông thàng hóa và xuất khẩu.

Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”… góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã đẩy mạnh phong trào thi đua trong nghiên cứu và ứng dụng, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ về xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài nguyên môi trường, y học…

Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phong trào thi đua đã hướng vào thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao đạo đức người thầy thuốc, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, phòng trào “Hiến máu nhân đạo”…

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, ngoại giao, văn hóa, thể dục thể thao; các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, phòng chống tham nhũng… đều có nhiều hình thức thi đua sôi nổi, đạt hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đánh giá công tác thi đua – khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua – khen thưởng đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn, thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo.

Theo Chinhphu.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video