Nghệ An: 3 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

18/05/2010
Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11- NQ/TW “ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của gia đình, đất nước và thực hiện Bình đẳng giới. Từ khi thực hiện Nghị quyết đến nay, tuy chỉ mới 3 năm, với thời gian chưa dài nhưng hệ thống chính trị toàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện Nghị quyết nên công tác phụ nữ đã có nhiều chuyển biến tiến bộ.

Các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, các ban, ngành Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã thực hiện khá nghiêm túc việc tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Bằng nhiều hình thức triển khai, tinh thần cơ bản của Nghị quyết đã được chuyển tải đến tận cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ và quần chúng nhân dân với 90% Đảng viên, 85% quần chúng được tiếp thu.

Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã xây dựng chương trình hành động số 16 – CTr/TU tháng 2/2008 phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm thực hiện 5 nhiệm vụ cơ bản về công tác phụ nữ phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Nghệ An và hầu hết các ban, ngành, đoàn thể các huyện, thành, thị uỷ, Đảng uỷ trực thuộc đã xác định đựợc những vấn đề cấp bách hiện nay trong công tác phụ nữ đưa vào nội dung trong chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết, giao cho các tập thể, cá nhân phụ trách và quy định thời gian hoàn thành, chú trọng công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. Các hoạt động tuyên truyền nâng nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Đặc biệt mỗi năm ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã phối hợp xuất bản 5000 – 6000 tập san “Phụ nữ và phát triển”, mở chuyên mục “Phụ nữ và cuộc sống” trên Đài truyền hình tỉnh, xây dựng chuyên trang phụ nữ trên báo Nghệ An. Nhiều cuộc toạ đàm, gặp mặt, hội thảo về công tác cán bộ nữ được triển khai có chất lượng ở nhiều nơi.

Nhận thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác phụ nữ đã ngày càng được nâng cao: Định kỳ cấp uỷ đã làm việc và cho ý kiến về hoạt động của Hội phụ nữ và công tác phụ nữ. 13/20 huyện thành thị uỷ đã xây dựng được Nghị quyết chuyên đề về công tác phụ nữ; Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ được làm tốt ở nhiều nơi.

Chính quyền các cấp đã cụ thể hoá nội dung Nghị quyết thành một số cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khoẻ…ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Nhờ vậy, việc thực hiện một số mục tiêu về công tác phụ nữ thời gian qua ngày càng có kết quả cao hơn. Đến tháng 12/2008 toàn tỉnh có 98,4% phụ nữ dưới 40 tuổi biết chữ ( vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2010). Năm 2009 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 33.000 lao động (vượt kế hoạch) trong đó lao động nữ chiếm 53%.

Trong những năm qua công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ đã có chuyển biến. Số lượng cán bộ nữ đưa vào qui hoạch ngày càng tăng. Nguồn qui hoạch A2 thuộc diện các sở, ban ngành, các huyện, thành, thị và Đảng uỷ trực thuộc quản lý tỉ lệ nữ chiếm 19,8% , tăng 2,2% so với qui hoạch A1. Nguồn cán bộ thuộc tỉnh uỷ quản lý tỉ lệ nữ chiếm 16,9% tăng 0,1% so qui hoạch A1. Tỉ lệ cán bộ nữ tham gia các khoá đào tạo chuyên môn nâng lên từ 33,8% năm 2007 lên 35,2% năm 2009. Tỉ lệ nữ tham gia các lớp cử nhân, cao cấp và trung cấp chính trị tăng 24,5% năm 2007 lên 31,7% năm 2009. Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trên một số lĩnh vực được nâng lên. Đến nay, nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh có 22 đ/c, cấp huyện thành thị có 16 đ/c và có 109 nữ là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân, Uỷ Ban Nhân Dân các xã, phường, thị trấn; Công tác bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp Đảng viên nữ được chú trọng. Hầu hết cán bộ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý ngày càng được bồi dưỡng, đào tạo đáp ứng yêu cầu.

Phong trào “ Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, xây dựng Người phụ nữ Nghệ An “ có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu” đã được xem là mục tiêu quan trọng trong phát triển xã hội. Hội phụ nữ đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, tích cực phối hợp với các cấp ngành chỉ đạo, xây dựng mô hình, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, vận động đông đảo phụ nữ tham gia thực hiện và thúc đẩy cộng đồng tích cực hưởng ứng. Đến nay, số gia đình văn hoá toàn tỉnh đạt 78%.

Các cấp uỷ Đảng đã tăng cường sự lãnh đạo để xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Phân công các uỷ viên Thường vụ và chấp hành trực tiếp phụ trách. Tập trung chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp, chú trọng lãnh đạo tổ chức Hội, xây dựng cơ sở hội vùng giáo và vùng dân tộc thiểu số. Chính quyền các cấp đã xây dựng mối quan hệ, tạo điều kiện cho tổ chức hội phát huy vai trò của mình trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tiếp thu ý kiến đóng góp, giải quyết đề xuất của hội phụ nữ dứt điểm, kịp thời, bảo đảm ngân sách thường xuyên và ngân sách đào tạo cán bộ hội. Đến nay, 100% cán bộ hội chủ chốt cấp tỉnh và huyện có trình độ chuyên môn đại học, 100% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh có trình độ cao cấp chính trị; 83,3% cấp huyện có trình độ trung cấp chính trị trở lên. Với chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch hội phụ nữ cơ sở 52,4% có trình độ trung cấp chuyên môn, 36% trình độ trung cấp chính trị. Tổ chức hội phụ nữ các cấp ngày càng được củng cố, tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, thu hút hội viên.

Tuy vậy, một số cấp uỷ, chính quyền và ban ngành vẫn chưa thực sự chú trọng việc quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện nghị quyết. Công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết chưa được thường xuyên. Mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên về giới và bình đẳng giới còn mỏng. Công tác đào tạo và lồng ghép giới trong hệ thống các trường chính trị, trung học chuyên nghiệp, phổ thông, dạy nghề chưa sâu rộng. Việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, qui hoạch đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ nữ và tỉ lệ nữ tham gia các vị trị lãnh đạo quản lý nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Chính quyền chưa xây dựng được nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của hội phụ nữ cấp cơ sở còn hạn chế. Công tác tham mưu của tổ chức hội một số nơi chưa sâu sát, kịp thời. Tư tưởng tự ti, an phận, ngại thay đổi môi trường công tác vẫn tồn tại trong một bộ phận phụ nữ. Trước tình hình, Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp tích cực nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ chính trị đáp ứng tình hình mới. Đó là những định hướng cơ bản cho công tác phụ nữ của hệ thống chính trị trong chặng đường tiếp theo. Nhưng trước mắt cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để xác định rõ công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình, trong đó hạt nhận lãnh đạo là cấp uỷ Đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp hội phụ nữ.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết 11/NQ –TW trong các cấp, ngành. Tập trung chỉ đạo và tăng cường nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu chưa đạt về công tác phụ nữ. Xây dựng, bổ sung ban hành các qui định về công tác cán bộ nữ, có cơ chế hỗ trợ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trong công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Đưa tiêu chí công tác phụ nữ vào đánh giá xếp loại cơ sở Đảng. Tiếp tục phát hiện, bổ sung qui hoạch, tích cực chuẩn bị nguồn nhân sự nữ cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 -2015, bầu cử Quốc hội khoá XIII, xác định trách nhiệm và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham mưu, xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật, chương trình, đề án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu lồng ghép vào các chủ trương, chính sách phát triển KT – XH. Đảm bảo nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ. UBND các cấp tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện qui chế và chương trình phối hợp hoạt động với hội viên phụ nữ cùng cấp. Đảm bảo cho Hội LHPN các cấp nhất là cơ sở điều kiện, phương tiện hoạt động, trước mắt là phòng làm việc, trang bị công nghệ thông tin. Đẩy mạnh mối quan hệ giữa hội phụ nữ với MTTQ và các ban ngành đoàn thể liên quan để tuyên truyền, thực hiện các chủ trương chính sách về bình đẳng giới trong đào tạo nghề, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc ….

Tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện cho hội phụ nữ các cấp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám cơ sở, bám địa bàn dân cư, chăm lo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên. Triển khai có hiệu quả các đề án, củng cố tổ chức hội vùng dân tộc, tôn giáo. Thúc đẩy vai trò phụ nữ trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, tập hợp ngày càng đông đảo phụ nữ phát huy tiềm năng, trí tuệ, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của quê hương, đất nước./.

Nguyễn Thị Thảo
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video