Nghệ An: Tạo việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn

31/03/2013
Trên thực tế, phụ nữ nông thôn, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Họ ít có điều kiện tiếp cận với các khóa tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Sau nông vụ, phụ nữ nông thôn thường rảnh rỗi, nhiều người không có việc làm nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh ta đã nỗ lực đào tạo nghề, tạo việc làm ngay tại địa phương giúp chị em có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống ngay trên quê hương mình.

Trên thực tế, phụ nữ nông thôn, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Họ ít có điều kiện tiếp cận với các khóa tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài sản xuất nông nghiệp mùa vụ thì thời gian nông nhàn trong năm không biết làm gì.

Một phần, nhiều hộ gia đình ruộng nương ít nên hết mùa vụ là cũng hết việc làm. Phần nữa không có nghề phụ, ngoại trừ một số vùng quê có làng nghề truyền thống.

Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, dân số tăng khiến lao động nông thôn thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, đời sống của nông dân, nhất là lao động nữ gặp không ít khó khăn. Để cải thiện kinh tế gia đình, sau mùa vụ, nhiều chị em phải rời quê tìm đến các thành phố làm thuê...

Trước thực trạng đó, Hội phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh ta đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho chị em. Đồng thời, chú trọng đến hoạt động hỗ trợ, mở mang nghề mới, khôi phục nghề truyền thống tại các địa phương.

Theo đó, trong những năm trở lại đây, Hội phụ nữ các huyện mở nhiều lớp dạy nghề, đã có hàng nghìn phụ nữ được học nghề phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. Những nghề phù hợp mà phụ nữ theo học như dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm hương trầm; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, rau sạch, nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản.

Nhờ có học nghề mà phụ nữ nông thôn đã có việc làm thêm. Một số chị còn tập hợp nhau lại để mở các cơ sở sản xuất nhỏ kiếm việc làm có thêm thu nhập. Chính vì thế, mà lao động nữ nông thôn có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 600.000 đồng - 1.500.000 đồng/người/tháng, chị em tự tin làm chủ cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Chúng tôi về xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn nơi đồng bào thuộc lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ Tương Dương về tái định cư. Tại đây, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An mở các lớp dạy nghề dệt may thổ cẩm cho chị em.

Để khuyến khích những học viên hộ nghèo có thành tích trong lớp học nghề thổ cẩm tại địa phương, Liên minh HTX tỉnh đã trao tặng những chiếc máy khâu. Tay thoăn thoắt đan từng sợi vải thổ cẩm để làm ra thành phẩm, chị Lô Thị Dung - bản Thanh Hoà (xã Thanh Sơn) cười vui:“Dệt thổ cẩm lúc nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Mình chịu khó học, khi quen tay rồi mình dệt nhanh và đều lắm. Ngày làm kiếm dăm ba chục ngàn cho con ăn học. Vì vậy, tui sẽ không bao giờ bỏ nghề và sẽ cố gắng làm ra thật nhiều tấm vải thổ cẩm đẹp, tinh xảo và dạy nghề cho con cháu trong bản nhằm góp phần lưu giữ và phát triển nghề thổ cẩm trên nơi ở mới”.

Không chỉ chị Dung mà chúng tôi được biết, có không ít chị em sau khi học nghề do Hội phụ nữ tổ chức đã có việc làm ổn định. Được biết như ở huyện Anh Sơn, trong thời gian qua bằng nguồn hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và tập huấn kỹ năng sản xuất của tỉnh, hàng trăm phụ nữ ở các xã trên địa bàn huyện được đào tạo nghề, được hướng dẫn các phương pháp sản xuất nên sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng được nâng lên.

Đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở 3 lớp học nghề may công nghiệp, 2 lớp học dệt thổ cẩm cho 60 hội viên là phụ nữ dân tộc thuộc 2 xã Bình Sơn và Thành Sơn, 1 lớp dạy nghề nấu ăn cho 35 hội viên phụ nữ thị trấn, 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi gà. Cũng từ học nghề này, nhiều phụ nữ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nghề, vốn sống và có cơ hội gặp gỡ, giao lưu để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phụ nữ nông thôn là đối tượng chính phải lo cơm áo gạo tiền, lo gánh nặng kinh tế trong mỗi gia đình. Tạo việc làm cho họ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội và ổn định cuộc sống cho mỗi gia đình, mặt khác còn giúp chị em học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Bởi vậy, từ nay đến năm 2015 Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề cho 400 - 500 học viên/năm.

Theo congannghean.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video