Nghệ An với mô hình trồng cỏ nuôi bò có hiệu quả

24/10/2005
Từ mô hình trồng cỏ nuôi bò của gia đình ông Nguyễn Văn Minh xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An thành công, đã mở ra cho Nghệ An một tiềm năng phát triển mới trong chiến lược chăn nuôi bò thịt và bò sữa.

Nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả này, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã chủ động tổ chức lễ ký giao ước nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên phụ nữ địa phương phát triển nghề trồng cỏ nuôi bò.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh có nghề chăn nuôi bò khoảng 10 năm nay. Đàn bò của ông có 47 con, chỉ lo nguồn thức ăn cho chúng thôi đã là một công việc vô cùng khó khăn vất vả và không hề đơn giản chút nào, đấy là chưa kể vào những tháng mưa rét, thời tiết không thuận lợi. Nếu cứ chăn nuôi bò thả theo cách truyền thống thì cỏ trước sau cũng sẽ hết, “bò sẽ không đủ no, thiếu dinh dưỡng”. Nghĩ như vậy, từ năm 2000, ông Minh đã mạnh dạn trồng cỏ nuôi bò trên diện tích đất 1,2 ha. Kết quả thật hơn cả sự mong đợi, khi cỏ đến thời gian thu hoạch, ông chỉ việc ra đồng cắt cỏ đem về cho bò ăn. Đến nay diện tích trồng cỏ của ông lên đến 2,5 ha, đủ cho đàn bò của ông đủ ăn liên tục quanh năm.

 

Nghĩa Đàn vốn là huyện có tiềm năng chăn nuôi bò, nhưng những năm gần đây do nhiều nguyên nhân như thời tiết, môi trường... cỏ trở nên khan hiếm, không mọc được. Từ mô hình đạt hiệu quả cao, ông Minh được nhiều hộ dân trong huyện đến học hỏi kinh nghiệm về cách trồng cỏ. Cũng từ đó mô hình trồng cỏ nuôi bò cũng phát triển đến nhiều xã trong huyện. Huyện Nghĩa Đàn đã chủ động tìm hiểu nhu cầu trồng cỏ trong nhân dân và liên hệ với ngành Nông nghiệp tuyển chọn giống cỏ cho năng suất và chất lượng cao đồng thời phổ biến kiến thức trồng và chăm sóc cỏ.

 

Nghề chăn nuôi bò của Nghệ An có sự phát triển hứa hẹn hơn khi ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn khẳng định trong những năm gần đây, nghề trồng cỏ nuôi bò sẽ được phát triển bởi tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân một phần kinh phí, nông dân được hỗ trợ 30% tiền mua giống cỏ giống và tiền khai phá đất hoang hoá. Cùng với sự phối hợp của ngành Nông nghiệp tỉnh, Trung tâm khuyến nông, Hội LHPN, đến nay đã có 80% số xã trong vùng chăn nuôi bò đăng ký tham gia dự án. Riêng huyện Nghi Lộc đã có 60% số xã đưa nghề trồng cỏ nuôi bò vào phát triển trên diện tích hơn 120 ha.


Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, việc trồng cỏ trước hết là nông dân chủ động được về mặt thức ăn cho bò, tiếp đến là tận dụng được diện tích đất hoang hoá bỏ không (phù hợp với chủ trương của tỉnh), tiến tới sẽ phát triển mô hình nuôi bò tập trung vừa tránh được dịch bệnh lại không bị ô nhiễm môi trường. Do nuôi bò tập trung, nông dân sẽ xây các hầm khí biogas từ nguồn phân bò, sẽ giảm nhiều chi phí mua chất đốt cho sinh hoạt (điển hình ở huyện Hưng Nguyên).

 

Đây sẽ là một hướng mới giúp nông dân trong vùng trọng điểm phát triển nghề nuôi bò, tạo thuận lợi ban đầu cho Nhà máy sữa Nghệ An (thuộc Tổng công ty Sữa Việt Nam) có công suất lớn được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp Cửa Lò.

Thúy Nga - Ban Dân tộc - Tôn giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video