Nghề truyền thống An Nhơn: Vẫn còn lắm khó khăn

07/01/2006
Những năm gần đây, một số làng nghề truyền thống (LNTT) trên địa bàn huyện An Nhơn đã được khôi phục và bước đầu phát triển. Tuy nhiên, các LNTT này cũng đang đứng trước những thách thức không dễ vượt qua.

* Khởi sắc bước đầu

Hiện nay, ở các LNTT trên địa bàn huyện An Nhơn, ngoài sản xuất theo quy mô hộ gia đình, đã có một số cơ sở sản xuất với quy mô lớn hơn, thu hút nhiều lao động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn như: cơ sở rượu Bầu Đá Thành Tâm (Nhơn Lộc), tiện gỗ mỹ nghệ Phạm Văn Điều, cơ sở bột nhang Tân Trung Lợi, DNTN bột nhang Nga Lâu… Bình quân mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho từ 20 - 25 lao động, vài cơ sở có trên 200 lao động… Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện An Nhơn hiện có 21 LNTT, thu hút hơn 11.000 lao động, với thu nhập bình quân 500.000 đồng/người/tháng, chưa kể số lao động tham gia với tính chất thời vụ và các dịch vụ kèm theo.

Năm 2005, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện An Nhơn đạt hơn 218 tỉ đồng, tăng 51% so với năm 2004. Trong đó, giá trị sản xuất từ các làng nghề chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện.

Tuy nhiên, sản xuất ở các LNTT An Nhơn phần lớn là thủ công, bởi thiếu vốn đầu tư công nghệ, thiết bị; trình độ tay nghề của lao động còn thấp, làm cho chất lượng sản phẩm thấp, chi phí cao, nên khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc phát triển, khuếch trương thương hiệu cũng chưa được chú trọng. Một số sản phẩm dù tìm được thị trường xuất khẩu, nhưng cũng chỉ qua ủy thác và số lượng hàng hóa chưa tương xứng với năng lực sản xuất.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn mở cửa cho vay sản xuất kinh doanh, nhưng chính sách cho vay vốn chưa thật sự phù hợp, nên nhiều hộ, cơ sở sản xuất ở các LNTT thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Nhiều làng nghề bước đầu phát triển cũng đang canh cánh nỗi lo thiếu nguyên liệu. Điển hình là làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu… Những tồn tại này là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của nhiều LNTT ở An Nhơn.

* Tạo điều kiện phát triển

Trong thời gian qua, huyện An Nhơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục và phát triển các làng nghề. Phòng Công - Thương huyện đã phối hợp cùng cơ sở Tương Phước (Nhơn Phúc) xây dựng đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bún Song Thằng" để sản xuất với số lượng lớn. Ngoài ra, phòng cũng đang phối hợp với xã Nhơn Lộc và Nhơn Hậu thực hiện đề tài xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề kết hợp với phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu cho làng rượu Bầu Đá và tiện gỗ mỹ nghệ. Hiện nay 2 làng nghề này đã xây dựng đường bê tông và cổng làng nghề, biển báo hướng dẫn khách du lịch…

Ông Trương Mạnh Hùng - Trưởng phòng Công - Thương An Nhơn - cho biết: "Trong thời gian đến, huyện sẽ tập trung củng cố, duy trì phát triển các LNTT, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu để nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm LNTT trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đổi mới công nghệ, trang thiết bị và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường…".

Ngọc Thái

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video