Người gieo kiến thức, vun trồng nghị lực

06/12/2013
Là cựu giảng viên của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng thời là người sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, là bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối, Nguyễn Thị Khánh Thương không chỉ là tấm gương về nghị lực sống phi thường, vượt qua nghịch cảnh của bản thân để giúp đỡ những người khác.

Người truyền lửa ở giảng đường đại học

Khi mới bước chân vào giảng đường đại học, chúng tôi đã được thầy giáo kể cho nghe câu chuyện rất thú vị về tấm gương vượt khó học giỏi của trường. Đó là câu chuyện về cô sinh viên rụt rè giơ tay hỏi: "Nếu bây giờ em thôi học, nhà trường có trả lại học phí cho em không?” Sở dĩ em đặt câu hỏi như vậy là vì cuộc sống của em rất khó khăn - số tiền học phí ấy cộng với một tháng tiền sinh hoạt và chiếc xe đạp cũ là tất cả hành trang mà gia đình gom góp, vay mượn được để em thực hiện ước mơ của mình dưới ánh mắt của hàng nghìn sinh viên giữa hội trường trong ngày hội tưng bừng đón tân sinh viên.

Sau này, khi được cô Nguyễn Thị Khánh Thương dạy môn báo chí, nghe cô chia sẻ về quãng thời gian khó khăn đã qua, được nghe những câu chuyện mọi người kể về cô, tôi mới biết được rằng, cô chính là người sinh viên vượt khó trong câu chuyện năm nào. Tôi cũng biết được rằng, cô đã từng phải bán máu và làm thêm rất nhiều việc để trang trải cuộc sống, từng thức suốt đêm ngày học bài với mục tiêu kì nào cũng phải đạt học bổng - để trang trải học phí những kì tiếp theo.

Càng tiếp xúc với cô, càng biết nhiều chuyện về cô, tôi càng cảm phục cô hơn. Cô không chỉ là một sinh viên xuất sắc, đầy nghị lực mà còn là tấm gương sáng trong hoạt động tình nguyện. Bắt đầu năm thứ 2, khi đã đạt được học bổng và công việc làm thêm đã ổn định, cô lao vào công tác tình nguyện: tham gia dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật của Trường Nguyễn Đình Chiểu, quyên góp vì học sinh nghèo, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nhiễm HIV… Cô cũng trở thành một người hiến máu tình nguyện thường xuyên trong các chương trình của Viện Huyết học và Truyền máu TW. Năm 2006, tốt nghiệp đại học, cô đã đứng lên sáng lập nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương" (Free Hugs Group - FHG) và tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa trong suốt một thời gian dài "Kết nối yêu thương", "Trao cho em ngày mai", "Giao thừa yêu thương", "Công trình Hy vọng" hay "Một giờ làm người khiếm thị"... Ngay cả khi nhận được học bổng thạc sĩ của Australia, cô vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện gây quỹ cho các tổ chức phòng chống ung thư tại Australia .

Là giảng viên báo chí của chính ngôi trường từng theo học, cô đã dành rất nhiều tâm huyết truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học trò. Những bài giảng của cô rất thú vị, luôn mới mẻ, sáng tạo, đầy ắp kiến thức và phù hợp với sinh viên. Với sinh viên sắp tốt nghiệp, bên cạnh việc giúp các em tăng cường kiến thức chuyên ngành, biết cách tự học, tự làm việc, cô còn cung cấp nhiều kinh nghiệp, thông tin thú vị về môi trường làm việc, cách tiếp cận công việc… Con người cô, kiến thức và những bài học của cô đã truyền lửa cho chúng tôi, cho chúng tôi niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, và có thể đối mặt với những thách thức tương lai.

Nỗ lực vì phụ nữ Việt Nam

Không chỉ là giảng viên đại học được nhiều sinh viên yêu mến, cô Khánh Thương còn là sáng lập viên Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV). Ý tưởng thành lập mạng lưới của cô xuất phát từ khao khát cháy bỏng dùng chuyên môn, khả năng của bản thân để chia sẻ các thông tin tới những người cùng cảnh ngộ - bị ung thư vú như cô, khi phát hiện thì bệnh đã di căn vào xương.

Cô tâm sự: “Khi thành lập mạng lưới này, tôi chọn cho mình hai sứ mệnh: tôi muốn những phụ nữ Việt Nam khỏe mạnh có thêm kiến thức đúng đắn về căn bệnh ung thư nói chung, đặc biệt là ung thư vú để bảo vệ chính mình. Nếu họ có thêm nhiều kiến thức thì họ có thêm nhiều cơ hội hơn để được phát hiện sớm, khi phát hiện sớm thì cơ hội được tái sinh, được chữa khỏi tuyệt đối. Điều thứ hai là với những phụ nữ không may đã mắc rồi thì điều quan trọng nhất đối với họ đó là chất lượng sống của họ trong và sau quá trình điều trị như thế nào. Tôi tin rằng, thành viên của mạng lưới là những người đã, đang và sẽ chiến thắng căn bệnh, họ là những người có thể nói với cộng đồng tốt nhất về căn bệnh này”.

Mạng lưới Ung thu vú Việt Nam không chỉ cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về ung thư vú cho cộng đồng mà còn hỗ trợ về thể chất, tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thông qua các hỗ trợ xã hội như phục hồi chức năng, tư vấn tâm lý… đồng thời thực hiện gây quỹ và đầu tư cho việc phòng chống ung thư vú một cách hiệu quả cũng như nghiên cứu về căn bệnh này trong môi trường nước ta. Mạng lưới đã và đang hoạt động rất tích cực. Mới đây, mạng lưới đã tổ chức thành công chương trình Ngày hội Nơ hồng với thông điệp “Vượt qua nỗi sợ hãi”, thu hút sự chú ý, tham gia của đông đảo phụ nữ và người dân, đặc biệt là những người đang phải sống chung với căn bệnh ung thư vú.

Hiện nay, Khánh Thương dành toàn tâm toàn sức phát triển Mạng lưới ung thư vú Việt Nam. Hàng ngày, mặc dù bị bệnh tật hành hạ, có những lần phải tiêm, truyền hóa chất đau đến không thể nằm, ngủ được, cô vẫn kiên trì luyện tập tăng cường sức khỏe, dịch và tập hợp tài liệu về ung thư vú. Dũng cảm đối mặt với quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại, cô cho biết, mình còn rất nhiều công việc thiện nguyện muốn làm và khát khao sẽ giúp ích được nhiều hơn nữa cho cộng đồng, đặc biệt là cho phụ nữ Việt Nam.

Nguyễn Thị Khánh Thương sinh năm 1982 tại Hà Tây (cũ).

Năm 2006, Khánh Thương đứng lên sáng lập nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương" (Free Hugs Group - FHG)

Cùng thời gian này, cô đại diện cho thanh niên Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về văn hóa châu Á và châu Âu tại Malaysia;

Năm 2008, tham dự Hội nghị Quốc tế "Thanh niên với các chính sách phát triển quốc gia" tại Campuchia (năm 2008).

Được nhận học bổng ADS của Chính phủ Australia, cô sang học thạc sĩ tại Đại học UTS đồng thời vẫn tích cực tham gia tình nguyện. Cô được Hội đồng Ung thư Australia tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong các chiến dịch gây quỹ phòng chống, nghiên cứu ung thư như "Daffodil Day" (Ngày hoa Thủy tiên vàng) và "Pink Ribbon Day" (Ngày Ruy băng hồng).

Được nhận bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong quá trình biên soạn bài giảng điện tử năm 2012 của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

Được Hội LHPN TP Hà Nội tuyên dương là trong 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2008-2013 của các cấp Hội LHPN TP Hà Nội.

Là gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2012 do Thành Đoàn Hà Nội biểu dương

Năm 2013, sáng lập và điều hành mạng lưới Mạng lưới ung thư vú Việt Nam.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video