Người lưu giữ “hồn cốt” của văn hóa Mường

22/02/2021
Thuộc lòng từng lời hát, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống của Lễ hội Pôồn Pôông, bước sang tuổi 73 nhưng Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng vẫn chủ động dạy hát, dạy múa cho thanh niên trong và ngoài xã để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Mường.
Nghệ nhân Phạm Thị Tắng thực hiện các nghi thức trong Lễ hội Pôồn Pôông.

Ngay từ nhỏ, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng đã được ông bà, cha mẹ dạy cho cách gọt cây Chạng Vạng để sử dụng trong Lễ hội Pôồn Pôông. Bà thuộc lòng từng lời hát, điệu múa sử dụng trong lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống này của người Mường. Dù đã bước sang tuổi 73 nhưng bà vẫn chủ động dạy hát, dạy múa cho thanh niên trong và ngoài xã để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Mường.

Một đời gắn bó với Lễ hội Pôồn Pôông

“Chuyện ông mo, trò bà máy” là câu nói gắn liền với cuộc sống của người Mường. “Trò bà máy” chính là chức danh của người Mường dành cho người là chủ của Lễ hội Pôồn Pôông và cũng là người có uy tín trong làng, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh, múa đẹp, hát hay. Ở thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa chỉ có Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng mới được người dân gọi bằng hai tiếng “Ậu Máy” hay “Máy Tắng”.

May mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm thầy mo Mường, từ nhỏ, bà đã được sống trong một không gian mang đậm hồn cốt của đồng bào mình. Từ những điệu múa, lời hát Xường (những bài hát dùng trong các nghi thức tế lễ, trò chơi dân gian) của người Mường đều được bà thuộc nằm lòng. Bản thân bà còn được chính ông bà, cha mẹ của mình dạy cách đẽo, gọt cây Chạng Pạng làm thành những bông hoa để dựng thành cây bông cao 9 tầng với hàng nghìn bông hoa bằng gỗ.

Hiện cây bông có tuổi đời hàng trăm năm này đang được bà Tắng lưu giữ. Bà cũng được truyền dạy đầy đủ các nghi thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng cũng như nghi lễ dựng cây bông. Cùng với niềm đam mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của bản thân, dần dần bà trở thành người lưu giữ “hồn cốt” của văn hóa người Mường ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc nói riêng, của người Mường Thanh Hóa nói chung. Bà Tắng trở thành bà Máy hiếm hoi của tỉnh.

Máy Tắng kể rằng, Pôồn Pôông là lễ hội có từ rất xa xưa, trong tiếng Mường, “Pôồn” có nghĩa là chơi, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pôồn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên cây bông (hay còn gọi là cây hoa).

Có nhiều sự tích như truyền thuyết cây hoa trong Pôồn Pôông được gắn liền với truyện bi tình sử của nàng Ờm với chàng Bồng Hương. Hai người yêu nhau tha thiết như đôi chim Păng Poóp, nhưng bố mẹ nàng Ờm cậy giàu sang, phú quý chia cắt tình duyên hai người. Chàng Bồng Hương nhà nghèo khốn khó, cha mẹ nàng Ờm không những không gả con gái cho chàng trai mà còn đánh đập nàng Ờm tàn nhẫn “Bốn mươi roi cây trảy, bảy mươi roi cây lèn en” và đuổi khỏi nhà.

 Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng.

Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương. Hai người rủ nhau vào rừng ăn lá ngón để cùng chết bên nhau. Chàng Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng Ờm, rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quýt cây chạng bạng.

Từ đó hoa bông trắng nở vào tháng Ba, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Vì vậy, người Mường chọn cây hoa chạng bạng có hoa bông trắng nở để mở hội Pôồn Pôông, hoặc làm hoa bằng giấy trắng, giấy hồng cắm lên cây chạng bạng để chuẩn bị cho hội Pôồn Pôông.

Trong văn hóa người Mường, cây bông là vật trung tâm của lễ hội cũng như là biểu tượng của vũ trụ bao la. Cây bông được sử dụng trong lễ hội để trang trí, vẽ nên những chùm hoa đủ sắc màu, nông cụ sản xuất, mô hình nuôi chim thú. Cây bông gỗ lớn cũng được sử dụng để trang trí, chế tạo, khắc đủ hình về vật nuôi, thức ăn, cá, tôm, cu tép.

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng nói về cây bông bằng một thái độ hết sức tôn kính: “Cây bông này thường chỉ có Ậu Máy mới được truyền lại nghề, rồi sau đó truyền lại cho con cháu, những người cực kỳ khéo tay trong bản Mường. Dưới gốc cây bông, Em Chàng - Bông Danh cùng nàng Chóng Long - Đồng Thiếp ngồi đối xứng với nhau, trùm khăn đỏ, khăn xanh ngồi soi gương lẩm bẩm bài hát, sau đó lại hòa cùng nhịp điệu bài hát, thổi sáo”.

Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam nữ.

Bên ngôi nhà sàn cổ, khi cây bông được dựng lên, khi tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng nổi lên cũng là lúc Máy Tắng cùng đoàn người được tuyển chọn của thôn mang trên mình bộ trang phục đầy sắc màu của người Mường vừa đi vừa nhảy múa vừa hát quanh cây bông. Xen lẫn những điệu múa, lời ca là tiếng cười sảng khoái của Máy Tắng như giục giã, mời gọi mọi người trong bản nhanh chóng tụ hội về quanh cây bông.

Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng Máy Tắng chưa hề quên một chi tiết nào dù là nhỏ nhất liên quan đến lễ hội Pôồn Pôông. Dù lễ hội này có tới 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc, tái tạo, mô phỏng và kể lại toàn bộ đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường.

Trong quá trình mọi người cùng xem, Máy Tắng sẽ cùng một người học trò biểu diễn, kể lại quá trình sinh ra trời đất, khai lập nên bản Mường… Đây như một giai thoại báo cáo với thần linh về tình hình sinh sống, làm ăn của con dân trong bản. Đồng thời cũng là nghi thức dâng lên các thần món gạo mới, xôi nếp để thần linh tiếp tục phù hộ cho con dân bản Mường sống khỏe, trừ ma đuổi bệnh, làm ăn năm nay mạnh hơn năm trước. Nét đặc sắc trong giai thoại là Máy Tắng vừa phải diễn, vừa phải kể lại giai thoại bằng lời Mường cổ, múa hát linh hoạt.

Bởi vậy mà theo lời mế Tắng, để trở thành trụ cột của một lễ hội thì biết hát, múa thôi là chưa đủ. Trong trò diễn Pôồn Pôông, phải cần có trên 6 người cùng nhau diễn, múa hát bên cây bông. “Nếu bà Máy kể sai sẽ bị thần linh phạt và năm sau không được tham gia trẩy hội cùng buôn làng”, Nghệ nhân Phạm Thị Tắng lưu ý.

Trao gửi tâm huyết cho thế hệ trẻ

Đã từng có những khoảng thời gian, cùng với sự phát triển của các loại hình văn hóa, văn nghệ hiện đại, Lễ hội Pôồn Pôông dần bị lãng quên. Thế hệ trẻ người Mường cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Mãi đến những năm 1987, 1990 khi tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì Lễ hội Pôồn Pôông như được hồi sinh trở lại.

Bà Phạm Thị Tắng và những người đam mê hội Pôồn Pôông ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc đã đem bản sắc của dân tộc mình đến với nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để giao lưu, gặp gỡ và mang về không ít giải nhất, huy chương vàng.

Tháng 11/2015, bà Phạm Thị Tắng được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Và năm 2017, Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa vừa xét chọn 31 cá nhân, đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng được đề nghị xét tặng nghệ nhân Nhân dân.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng chia sẻ: “Tuổi của tôi giờ đã cao, mắt mờ, chân chậm, nhảy múa không còn được nhanh nhẹn như trước đây nhưng tôi sẽ còn múa, còn nhảy, còn hát cho đến hơi thở cuối cùng. Giờ tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con cháu, để Pôồn Pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường”.

Máy Tắng nói rằng, để hiểu hơn Pôồn Pôông, ngoài quan sát, cảm nhận của bản thân thì cần học hỏi từ những nghệ nhân lớn tuổi. Họ chính là kho tàng sống vô cùng quý giá giúp mình hiểu biết toàn diện về những giá trị văn hóa của dân tộc mà họ nắm giữ, thực hành. Nhờ các nghệ nhân lớn tuổi chỉ dạy, mình càng thêm yêu quý, trân trọng những vốn quý này. “Chính vì thế, lúc nhỏ tôi ham học hỏi lắm nên giờ đây tôi mới có thể truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những trò diễn Pôồn Pôông”, Máy Tắng tự hào. Để gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, Máy Tắng tích cực lặn lội khắp nơi, trên đất Ngọc Lặc nơi nào cũng in dấu chân của bà.

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng vừa là người chủ trò vừa là người lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của Lễ hội Pôồn Pôông. Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Phạm Thị Tắng vẫn tích cực truyền dạy những điệu múa, điệu hát của dân tộc Mường cho thế hệ trẻ. Quả thực, không có những người như nghệ nhân Phạm Thị Tắng thì những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại sẽ có nguy cơ bị thất truyền.

phapluatplus

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video