Người mang làn gió mới cho nghề mây tre đan ở xã nông thôn mới

11/09/2020
Từ xa xưa, cây tre, cây mây đã gắn bó, thiết thực với đời sống và tâm hồn người Việt. Thời mở cửa, hội nhập với thế giới, nhiều nghệ nhân, làng nghề ở Thái Bình, cũng như nhiều vùng quê khác đã tạo nên sức sống mới, làm ra những sản phẩm mây tre đan độc đáo, thân thiện với thiên nhiên, đậm đà bản sắc văn hóa Việt, trong đó có chị Nguyễn Thị Doan – Giám đốc HTX mây tre đan Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Chị Nguyễn Thị Doan

Thanh Tân là xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Kiến Xương. Hiện nay, trên địa bàn xã đang có 1 khu công nghiệp gồm 3 công ty lớn và nhiều tổ hợp sản xuất nhỏ thu hút lực lượng lao động trong độ tuổi trẻ vào tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, xã có 2 doanh nghiệp và 5 hộ gia đình tham gia tích tụ ruộng đất, hơn 300 hộ gia đình đã cho thuê ruộng có thời hạn, với  tổng diện tích được tích tụ là gần 40ha. Chính vì vậy, một lực lượng lao động nông nghiệp dôi dư do đã cho thuê ruộng, họ cần việc làm thay thế cho sản xuất nông nghiệp trước đây cộng với lực lượng lao động nông nghiệp của địa phương ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp còn nhiều thời gian nhàn rỗi sau mùa vụ.

Nắm bắt được tình hình đó, chị Nguyễn Thị Doan suy nghĩ hướng phát triển sản xuất, sử dụng nguồn lao động dôi dư của địa phương.

Năm 2003, chị Doan lên thành phố Thái Bình học nghề mây tre đan và trở về thành lập cơ sở sản xuất mây tre đan. Vượt qua những khó khăn ban đầu, từ quy mô chỉ có từ 3 đến 5 lao động – chủ yếu là những người thân quen, sản phẩm làm ra mang tính chất tự cung tự cấp, dần dần phát triển, thu hút được nhiều lao động trong xã và các xã lân cận, sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài.

Năm 2019, được sự quan tâm của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, của Liên minh HTX tỉnh, của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương đã hỗ trợ chị thành lập HTX thủ công mỹ nghệ Mây tre đan Thanh Tân. Ngày 14/10/2019 HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre đan Thanh Tân được thành lập, gồm 60 thành viên do chị Doan làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành của HTX.

Sau khi thành lập HTX, chị Doan luôn năng động tính toán, tạo cơ hội, việc làm cho các thành viên và người lao động. Chị đã phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức được 2 lớp dạy nghề cho hội viên của 4 chi hội phụ nữ trong xã, thu hút được gần 100 chị em tham gia; chủ động tìm và liên kết với những nhà máy, xí nghiệp để mở rộng sản xuất. Do ngành nghề của HTX chủ yếu là làm các sản phẩm từ mây, tre, sợi đay, đan thủ công nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của phụ nữ nên  không chỉ có những chị em từ 30 -45 tuổi mà còn có nhiều phụ nữ tuổi cao cũng vẫn tham gia làm được. Lực lượng tham gia sản xuất không chỉ trong địa bàn xã mà còn mở rộng thu hút lao động của các xã khác trong huyện và cả sang huyện bạn. Thành viên HTX, người lao động từ chỗ thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt  từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. HTX không chỉ giúp chị em có việc làm ngay tại đia phương, tăng nguồn thu nhập phát triển kinh tế mà còn giúp chị em không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc, tổ chức cuộc sống gia đình.

Trong sản xuất, HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre đan Thanh Tân luôn chấp hành công tác bảo vệ môi trường, không xả nước thải, chất thải bừa bãi ra môi trường đồng thời tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thu gom phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, cùng chi hội phụ nữ xã tuyên truyền vận động 100% các hộ gia đình trong thôn tham gia đóng phí vệ sinh môi trường, trồng tuyến đường hoa do chi hội phụ nữ tự quản và chăm sóc.

Được tiếp xúc thường xuyên với các chị em tham gia sản xuất, chị Doan thường xuyên tuyên truyền thành viên HTX và người lao động thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, đoàn kết, phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thái Bình, sắp xếp thời gian để lao động đảm bảo ngày công; tích cực học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề để làm sao làm nghề đảm bảo sản phẩm phải đúng kỹ thuật, tăng năng suất, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và cho HTX.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, chị Doan còn tích cực tham gia các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ của địa phương. Chị là thành viên câu lạc bộ GYM, câu lạc bộ hát chèo; các hoạt động nhân đạo từ thiện, các hoạt động ủng hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ cao tuổi và trẻ em vượt khó; các hoạt động phong trào của địa phương.

Khi được hỏi về nguyên nhân để có được những thành công như hiện tại, chị Doan chia sẻ “Theo tôi, để đạt được  thành công, trước hết là phải có sức khỏe, luôn cần phải có ước mơ, ý chí quyết tâm để thực hiện. Là người phụ nữ thời đại mới cần phải năng, động sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp. Trong quá trình khởi nghiệp cần phải tích cực học tập để tạo cho mình 1 hành trang kiến thức, để đủ tự tin trong sản xuất, kinh doanh; phải biết đam mê và khát vọng, biết tận dụng, nắm bắt những cơ hội, chú trọng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, tạo uy tín không chỉ với đối tác và ngay cả đối với người lao động làm việc cho mình, phải là trung tâm của đoàn kết; biết quan tâm đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động và trong sản xuất kinh doanh rất cần tinh thần thi đua. Đặc biệt là chúng ta phải biết hy vọng và tin vào tương lai:  Đi là đến và đã đến là thành công!”

Năm 2020, chị Nguyễn Thị Doan vinh dự được nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh Thái Bình tại hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Lê Phượng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video