Người mẹ nghèo vẫn quyết cho 3 con theo đuổi con chữ

14/08/2019
Trong căn nhà thuê ọp ẹp, chị Lợi cẩn thận lấy từ trong tủ ra tấm bìa dùng cất giữ bằng khen của con. Những lúc rảnh rỗi hiếm có, chị lại mang nó ra cho các con xem lại để nhắc con đừng quên cố gắng.

Ký ức đáng buồn của mùa hè cách đây hai năm có dịp sống lại qua lời kể của chị Đinh Thị Mỹ Lợi (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trong căn nhà thuê ọp ẹp, chừng 20m2, “mái ấm” đã gắn bó với gia đình chị suốt 12 năm qua. 

Ôm ba đứa con nhỏ ngồi tránh cơn mưa tầm tã bên mái hiên nhà người ta, trước mặt là quốc lộ 13 ầm ì xe cộ, lòng chị Lợi nóng ran. Những cuộc gọi hòa trong tiếng mưa, khiến chị bập bõm nghe được tiếng có tiếng không. Tin nhắn từ người em chồng ở Huế sáng lên trong điện thoại. “Người lành tính như ảnh làm gì đến nỗi bị công an bắt?”, chị tự hỏi một cách khó hiểu khi tin nhắn dặn chị hãy đến gặp công an tỉnh Bình Dương.

Đèo ba đứa con trên chiếc xe máy cọc cạch đi tìm chồng trong buổi chiều mưa gió, chị đâu ngờ đêm đầu tiên chồng không về nhà, thì hôm sau, chị phải vào nhà xác Bình Dương để nhận diện chồng. Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, chồng chị chết vì đuối nước.

Nhà đột nhiên mất nóc, đau thấu tâm can. Nước mắt hòa trong nước mắt, con đổ bệnh, chị lại một thân ôm con vào ra bệnh viện, vì gia đình nội ngoại đều ở xa. Một nách ba con nên chị không cho phép mình yếu đuối nữa.

Lo hồ sơ cho đứa bốn tuổi vào mẫu giáo, xin gửi đứa đang học lớp Hai và lớp Bốn vào bán trú, chị tính tới tính lui, tiền học của các con mỗi tháng gần bốn triệu đồng. Thêm tiền thuê nhà hết một triệu rưỡi, coi như đồng lương sáu triệu hằng tháng của chị vừa đủ, trong trường hợp chị nhịn bữa sáng và không tính chuyện đổ xăng xe.

Để có thể đảm bảo cho ba đứa con được tiếp tục đi học, chị Lợi nhận mọi sự giúp đỡ của hàng xóm, khi thì gói xôi cho chị chắc bụng suốt một ngày làm việc; khi thì quả cam, trái quýt cho mấy đứa nhỏ; thậm chí tô cơm nguội nhà hàng xóm chị cũng cất để hôm sau thêm vào cái trứng chiên lên, cả nhà có được bữa sáng.

Hai năm trôi qua như thế, chị Lợi chưa có một đồng dư để phòng lúc ốm đau. Hè năm nay, chị quyết định nghỉ làm, tận dụng con hẻm trước nhà bán cơm sáng, giao nước cho người ta, rồi loanh quanh giúp việc nhà…

Quanh mấy chiếc bàn con nằm sâu trong hẻm, khách ghé ăn dĩa cơm, nhìn ba đứa nhỏ choắt lăng xăng phụ mẹ, hết thu dọn chén dĩa, trở thịt, rót cho khách ly trà rồi quay qua rửa sạch mớ chén dĩa, có người nghĩ rằng, chị ráng chịu cực nuôi ba đứa vài năm nữa là nó có thể đi làm kiếm tiền lo cho mẹ. Nhưng với chị, “bằng mọi giá chị phải nuôi các con vào đại học”.  

Không phải đôi co với ai, chị Lợi kiên định với quyết tâm của mình bằng việc nhắc con học mỗi ngày. Dù bận đến đâu, mỗi tối, chị đều dành thời gian ngồi vào bàn học cùng các con. Khi thì rèn cho đứa nhỏ tính kiên nhẫn để gò từng nét chữ, khi thì đọc chính tả cho đứa lớp Ba. Cũng có lúc chị không biết trả lời làm sao với những thắc mắc của cô bé lớp Sáu, bởi khi xưa, chị cũng chỉ học hết lớp Bảy mà thôi.

Lâu ngày thành nếp, ba đứa con chị Lợi ngày càng ý thức chuyện học. Những ngày có việc gọi đột xuất, khi thì ủi đồ, khi thì dọn kho… chị Lợi tranh thủ đi, ba đứa trẻ cứ đến giờ là ngồi vào bàn học, đứa lớn kèm đứa nhỏ. 

Không phụ tấm lòng của mẹ, cả ba đứa con của chị Lợi đều là học sinh giỏi. Trong đó, con gái lớn Nguyễn Đinh Mẫn Nhi (học sinh lớp Sáu Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp) đã giữ vững thành tích đó trong sáu năm liền. Đây là năm thứ hai em được báo Phụ Nữ TP.HCM trao tặng học bổng. Nhi nói trong mong chờ: “Em mừng vì học bổng đó sẽ giúp mẹ đỡ lo lắng chuyện học phí đầu năm của em”.

Hiểu rõ vất vả của mẹ, cô bé gói ghém mọi nhu cầu của mình chỉ mong có thể cùng mẹ vượt qua khó khăn. Tham gia diễn văn nghệ ở phường được năm ba chục ngàn đồng bồi dưỡng, Nhi đều đem về đưa mẹ.

Có những buổi tối ngồi bên bàn học, Nhi vẫn hay hỏi: “Mẹ, làm sao để nhà mình hết nghèo, để mẹ bớt cực hơn?”. Chị Lợi chưa kịp trả lời, Nhi khẳng định luôn: “Con phải cố gắng học mẹ à!”. Biết mẹ không còn một đồng dư nào để cho mình học thêm, Nhi phải tự cố gắng. Ở nhà, Nhi chuẩn bị bài mới thật kỹ để đến trường có gì không hiểu thì hỏi thầy cô ngay.

Học giỏi đều các môn, trong đó Anh văn khiến Nhi chưa hài lòng vì em chưa có điểm số cũng như khả năng giao tiếp như mong đợi. Ấy vậy mà Nhi lại nuôi ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh với lý do “càng khó, em càng phải đối diện với nó để tiến bộ”.

Trong ngôi nhà bộn bề ấy, chị Lợi lấy từ trong tủ ra một tấm bìa dùng cất giữ bằng khen của con một cách cẩn thận. Những lúc rảnh rỗi hiếm có, chị lại mang nó ra cho các con xem lại để nhắc nhở các con đừng quên cố gắng. Bốn mẹ con ngồi sát bên nhau, đôi mắt Nhi sáng long lanh khi nói về cuộc sống hiện tại của gia đình mình, “em thấy ấm áp, vì có mẹ và hai em”.

Những mầm xanh đã nảy. Dưới bàn tay gieo trồng, chăm bón của người mẹ, rồi đây, trái ngọt sẽ tựu hình. 

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video