Người nặng lòng với cây chè cổ thụ

12/07/2020
Sau nhiều lần trăn trở và đi nhiều nơi học hỏi, chị Hà Thị Nu (xã Mường Do, huyện Phù Yên, Sơn La) đã kêu gọi mọi người cùng nhau liên kết, vực dậy vùng chè cổ thụ truyền thống. Năm 2017 chính là thời điểm đánh dấu sự ra đời của THT Sản xuất chè sạch Mường Do.
Người dân thu hái chè Shan tuyết cổ thụ

Xã Mường Do có khoảng 11.000 gốc cây chè Shan tuyết cổ thụ mộc mạc, rêu phong. Chè được “tắm nắng ngậm sương” và âm thầm cho ra những búp chè trắng như tuyết.Với tâm huyết của những người từng gắn bó với cây chè “khổng lồ”, chị Nu cùng các thành viên Tổ hợp tác (THT) sản xuất chè sạch Mường Do đã tích cực liên kết với doanh nghiệp phát triển vùng chè Shan tuyết cổ thụ theo chuỗi giá trị, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như bảo vệ môi trường.

Làm sống lại vùng chè cổ thụ

Đã có một thời cây chè bị lãng quên. Người dân từng phá chè làm nương ngô, đào gốc về làm cây cảnh... Chè bị cỏ mọc lấn lướt, mùa khô bị trâu bò gầy thiếu cỏ phá hoại ngốn cả ngọn lẫn búp. Nhiều người coi rừng chè là bãi chăn thả tự do. Thêm vào đó là đầu ra cho sản phẩm không có nên nhiều người không mặn mà với thứ cây cổ truyền của mình.

“Hồi ấy, những nhà trồng chè chẳng buồn thu hái mà có thu hái thì hái cả cành về chế biến qua loa trong chậu gang, rồi lấy chân vò tuốt lấy lá và để lên gác bếp uống dần. Thứ chè ấy khi uống ngả màu đen kịt, vị hoi của khói chẳng kém gì… bồ hóng nên không thể bán được”, chị Hà Thị Nu, bây giờ là Tổ trưởng THT sản xuất chè sạch Mường Do, nhớ lại.

Sau nhiều lần trăn trở và đi nhiều nơi học hỏi, chị Hà Thị Nu đã quyết định kêu gọi mọi người cùng nhau liên kết, vực dậy vùng chè cổ thụ truyền thống. Năm 2017 chính là thời điểm đánh dấu sự ra đời của THT sản xuất chè sạch Mường Do. THT đã thu hút các thành viên của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên trong xã tham gia.

Nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, THT cùng Trạm Khuyến nông huyện đã khảo sát, lập kế hoạch khôi phục vùng chè cổ thụ. Bên cạnh việc cải tạo những diện tích chè già cỗi, THT tận dụng các quỹ đất để trồng dặm diện tích chè mới. Các công việc như phát dọn cỏ, chăm bón bằng các kỹ thuật tiên tiến được thực hiện. Điều đặc biệt là THT đã liên kết với doanh nghiệp, được tư vấn cách khôi phục và sản xuất chè đạt tiêu chuẩn sạch.

Trong quá trình hợp tác, THT Mường Do đã cùng doanh nghiệp họp bàn và đánh giá thực trạng sản xuất và thị trường tiêu thụ của cây chè Shan tuyết để từ đó rút ra được những nhu cầu về chè sạch, thị hiếu của thị trường nhằm nâng cao quá trình sản xuất.

Các thành viên từ sản xuất theo kinh nghiệm nay đã có kỹ năng nhờ tham gia những khóa tập huấn về chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Hệ thống máy móc hoàn thiện khâu chế biến, đóng gói, bao bì, marketing cho sản phẩm cũng được đầu tư.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, THT đang tập trung sản xuất 3 loại trà: trà vàng, trà xanh và trà đen. Các loại chè này chủ yếu dùng những búp chè có 4,5 lá thay vì hái 1 tôm 2 lá như trước mà chỉ làm một loại chè.

Sản phẩm trà Shan hoa cúc của THT Sản xuất chè sạch Mường Do

Ngoài những sản phẩm thông thường, THT còn cho ra đời sản phẩm trà hoa cúc, trà hạt điều nhằm nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết cổ thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo các thành viên, chè shan tuyết cho chất lượng trà tốt nhất là từ tháng 3 đến giữa tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm Mường Do ít mưa lại có mây mù, nên mọi thành phần hóa học cần thiết cho hương vị của trà được hình thành.

Với sự hỗ trợ của máy móc cùng với kinh nghiệm làm chè lâu đời, THT cho ra những búp chè màu trắng bạc, quăn như lưỡi câu giúp mang lại một thức uống sánh vàng như mật với mùi hương dịu ngọt.

Sản phẩm của THT Mường Do đang nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn giữ được hương vị chè Shan tuyết đặc trưng. Từ đây giá trị của vùng chè truyền thống được nâng lên.

Nâng chất lượng môi trường

Cho đến nay, sau thời gian bền bỉ thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, vùng chè Shan tuyết cổ thụ tại Mường Do đang được hồi phục và phát triển. Ngoài diện tích cây cũ, những cây chè trồng mới trên 3 năm tuổi đã bắt đầu thu hoạch, chu kỳ thu hoạch kéo dài khoảng 40 năm.

Sản lượng chè búp tươi trong xã là hơn 14 tấn/năm, THT đứng ra mua với giá 12 - 15 nghìn đồng/kg nhằm phục vụ chế biến. Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, mô hình sản xuất của THT còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.

Trước đây, việc sản xuất thủ công bằng than, củi làm sản phẩm mất thẩm mỹ, hay bị gãy vụn và dễ ám khói. Việc chế biến chè bằng củi khiến tình trạng người dân vào rừng chặt chặt cây làm củi diễn ra trong thời gian dài,từ đó thu hẹp diện tích rừng tự nhiên.

Chế biến chè bằng củi và than còn gây khói bụi, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc hiện đại đã giúp giải quyết những khó khăn trên.

Trong quá trình sản xuất, việc sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được THT tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây. Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, ủ hoai sẽ được ưu tiên, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo nguồn nguyên liệu chè sạch cho người tiêu dùng.

THT Mường Do đang tiếp tục sản xuất chè theo tiêu chuẩn sạch, chú trọng các khâu bảo vệ môi trường nhằm đem lại những sản phẩm tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị chè, mang lại một thương hiệu tiềm năng cạnh tranh lớn và cải thiện đáng kể kinh tế của các hộ gia đình.

“Trong xu hướng phát triển chung hiện nay, THT luôn chú trọng sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường để mở ra hướng đi bền vững cho thành viên, hộ dân liên kết”, chị Hà Thị Nu cho biết.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video