Người nữ công nhân mỏ và những kỷ niệm về Bác Hồ

21/03/2008
50 năm qua rồi, giờ đây đã vào tuổi 78, thuộc lớp người "xưa nay hiếm", vậy mà bà Nguyễn Thị Sương ở thành phố Lào Cai vẫn chưa hết bồi hồi xúc động khi nhớ lại những năm tháng trên đất mỏ và đặc biệt là lần được gặp Bác Hồ...

Năm 1956, bà là nữ công nhân xuất sắc nhất của mỏ Apatít được bầu chọn đi dự Đại hội thi đua ngành Công nghiệp Việt Nam tại Hà Nội. Tại đây, bà Sương đã vinh dự được Bác Hồ gặp mặt và nghe Bác trò chuyện thân mật. Biết bà Sương làm nhiệm vụ tiếp phẩm, ngày ngày đi mua thực phẩm khắp nơi nên Bác khen: “Cháu đi mua hàng chăm lo cho bữa ăn hàng ngày của công nhân như vậy là rất tốt. Làm việc liên quan đến tiền bạc nhớ phải cẩn thận, đừng để nhầm lẫn, thất thoát thì mọi người mới tin tưởng và không ảnh hưởng đến đời sống của anh em công nhân”. Bà đã hứa sẽ luôn ghi nhớ lời Bác dạy.

Sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, 16 tuổi bà đã tình nguyện vào thanh niên xung phong để lên Tây Bắc làm đường sắt.

Ôn lại kỷ niệm một thời, bà Sương bỗng sôi nổi hẳn lên. Bà kể: Có 6 chị em cùng trang lứa, cùng quê đã tình nguyện đi thanh niên xung phong đợt đó. Tổng đội thanh niên làm đường sắt Lào Cai có 100 người. Đó là những năm tháng đầy thử thách đối với lớp trẻ, vì vậy rất nhiều đồng đội của bà sau này đã trưởng thành và là cán bộ quản lý ở nhiều lĩnh vực công tác, có đồng chí là lãnh đạo của Mỏ Apatít sau này như ông Trần Xuân Nam

5 năm ở Tổng đội thanh niên xung phong, bà được chuyển về mỏ Apatít và được phân công làm nhiệm vụ nhân viên tiếp phẩm. Khi ấy phương tiện đi lại còn khó khăn, ngày ngày bà lặn đi khắp các chợ trong vùng để mua thực phẩm phục vụ bếp ăn công nhân. Có những ngày phải đi bộ hàng mấy chục cây số với gánh hàng nặng trên vai tới trên 60 kg. Vậy mà suốt cả 35 năm làm công việc tiếp phẩm, bà Sương vẫn kĩu kịt trên vai như không biếtmỏi với bao tấn hàng để lo phục vụ từng bữa ăn cho anh em công nhân. Cũng chính sự cần mẫn chăm chỉ hết lòng như vậy nên suốt cả chặng đời công tác, năm nào bà cùng được anh em bình chọn là lao động tiên tiến, lao động xuất sắc.

Năm 1958, Bác Hồ lên thăm Lào Cai, bà không may mắn được gặp Bác để báo công với Người. Nhưng bù lại, mấy hôm sau họp thi đua bình chọn lao động xuất sắc để tặng Huy hiệu Bác Hồ, cả đơn vị có tới hơn 60 người đủ tiêu chuẩn nhưng Huy hiệu thì chỉ có 5 chiếc; mọi người đã ưu ái bình chọn cho bà được nhận phần thưởng cao quý đó.

Tấm Huy hiệu và bức ảnh được chụp lưu niệm cùng Bác tại Phủ Chủ tịch đã trở thành kỷ vật thiêng liêng ghi dấu chặng đời công tác phấn đấu của một người công nhân bình thường như bà. Tấm ảnh mặc dù đã mờ ố theo thời gian nhưng hiện vẫn được bà lưu giữ cẩn thật như một vật báu, chỉ tiếc tấm Huy hiệu đã bị thất lạc trong chiến tranh biên giới...

Khắc ghi lời Bác dạy, suốt cả chặng đời công tác, làm nhiệm vụ tiếp phẩm cho đến lúc nghỉ hưu, bà Sương không bao giờ tơ hào đến đồng tiền công, làm ảnh hưởng đến bữa ăn của anh em công nhân. Ngay cả bây giờ, do điều kiện riêng, một mình trong gian nhà tập thể được bán thanh lý, bà Sương dường như không có tài sản gì đáng giá. Bà sống rất đạm bạc, số tiền lương hưu 1,2 triệu hàng thángchỉ chi tiêu cho sinh hoạt hơn nửa, số còn lại dành để làm việc công đức và từ thiện. Chúng tôi thật ngạc nhiên khi bà chuyển cho xem cả trăm tờ phiếu ghi nhận công đức của Ban quản lý di tích các nhà chùa khắp nơi và Hội chữ thập đỏ mà bà là thành viên tài trợ.

Dường như cuộc đời thanh bạch, giản dị, đạo đức trong sáng và tình cảm thiêng liêng của Bác luôn lay động trái tim mọi người, nhất là những ai đã từng sống làm việc cũng như may mắn được gặp Bác. Bà Sương cũng là một người như thế!

Hương Thảo - Đức Hoàng
Theo báo Lào Cai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video