Người ở phía sau các nhà khoa học

19/06/2020
Phía sau các nhà khoa học là “hậu phương" - đó là gia đình yên ấm để họ chuyên tâm trên con đường nghiên cứu khoa học đầy gian nan, trắc trở.
Bà Đoàn Thị Uyển - quả phụ của nhà khoa học Hoàng Bình

Hậu phương vững chãi luôn là điểm tựa cho những chiến công ở tiền phương. Với nhà khoa học, gia đình yên ấm là “hậu phương” của họ, để họ chuyên tâm mà không đơn độc trên con đường đầy gian nan, trắc trở, đi tới những thành công trong nghiên cứu khoa học. Nhà khoa học ở đất nước nào cũng vậy, và ở Việt Nam càng là như thế, thời nào cũng thế. Câu chuyện kể sau đây chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện…

“Tiên nữ sông Giăng” của Nhà khoa học "Thép"

Bà là Đoàn Thị Uyển, quả phụ của ông Hoàng Bình - một trong 21 cán bộ đầu tiên được Trung ương cử đi học tập ở Liên Xô năm 1951, để sau này về xây dựng đất nước hoà bình.

Là một kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài về, cả đời gắn bó với sự nghiệp gang thép, ông là cha đẻ của đề án “Lấy thép nuôi thép chống bao cấp” thời hậu chiến. Trong quá trình nghiên cứu tiểu sử cuộc đời nhà khoa học này khi ông đã qua đời 8 năm, chúng tôi được nghe bà Uyển kể câu chuyện đời mình - một câu chuyện đẫm nước mắt.

“Thuở tôi mới ở tuổi 13-14, mùa hè tôi hay được cùng các anh đi chơi, thả diều, bơi lội vô tư. Chính anh Bình là người tập cho tôi bơi. Khi các anh đỗ tú tài, tôi đã thành thiếu nữ. Một hôm, anh cho tôi muợn cuốn truyện, mở ra thì thấy trong đó có tờ giấy ghi mấy câu thơ:

Bên bờ sông Giăng bóng xế tà

Có nàng thôn nữ tưởng tiên sa

Ôi! Người trần hay tiên giáng thế

Lạc bước qua đây tự bao giờ

Năm 1946, mẹ anh ốm nặng, gia đình xin cưới tôi. Đám cưới to lắm, vì gia thế môn đăng hộ đối, nhà tôi công chức, nhà anh thương gia lắm ruộng nhiều trâu. Trong lễ rước dâu, tôi được cáng xuống thuyền, đi từ sông Giăng đến sông Lam (đất Nghệ An).

Về nhà chồng một thời gian thì mẹ chồng tôi mất. Bốn chị gái đi lấy chồng cả, mình tôi là con dâu lo mọi việc nhà đến việc đồng áng. Chồng thì đi học trường Kỹ nghệ, kháng chiến bùng nổ thì theo kháng chiến. Xa nhau suốt.

Một buổi sớm đầu năm 1949, sương giăng dày đặc, anh tạm biệt tôi để lên Việt Bắc. Chẳng biết Việt Bắc ở đâu, chỉ biết xa lắm, mà phải đi bộ. Tôi đòi đi theo, anh không cho, bảo tôi ở nhà thay anh lo việc nhà.

Cứ 6 đến 8 tháng tôi mới nhận được một thư của anh, cũng chỉ biết là anh được Tổng Công đoàn cử đi theo kháng chiến, làm Hiệu phó trường Hoàng Quốc Việt mà ông Bùi Quỳ làm Hiệu trưởng. Tôi chỉ biết có thế.

Khoảng năm 1952 thì tôi nhận được bức thư ghi bên ngoài là gửi Tổng Công đoàn, bên trong có tên người gửi là “Hoàng Bình, học sinh tháng 7/1951”. Mãi sau, tôi mới biết là anh đang học ở Liên Xô.

Năm 1953, cải cách ruộng đất, nhà tôi không còn gì nhiều, tôi đi bán chổi rễ, tham gia các hoạt động xã hội.

Năm 1954, một anh ở tổ chức Nông hội cho tôi giấy giới thiệu ra Hà Nội tìm việc làm (năm 1975 về lại quê tôi mới biết là anh viết giấy giới thiệu cho tôi hồi đó bị phê bình). Tôi ở nhờ nhà anh Nguyễn Cảnh Toàn, đi làm công nhân, rồi đi học lớp Hội hoạ được cử làm lớp phó nhưng tôi không dám nhận vì gia đình bị cải cách ruộng đất. Rồi làm thư ký Giáo vụ ở Trường Kỹ thuật trung cấp 2 ở 2F Quang Trung, Hà Nội.

Năm 1956, anh Nguyễn Văn Tuyên cùng đi Liên Xô với anh Bình năm 1951, về nước, là Hiệu phó nhà trường, có gợi ý tôi đi học Liên Xô để vừa gần chồng, tạo điều kiện cho anh Bình học tiếp Phó tiến sĩ.

Nhưng rồi năm 1957, anh Bình về nước, nhận công tác tại Nhà máy Trung quy mô. Và tôi cũng không có cơ hội đi Liên Xô nữa. Lúc ấy, 11 năm sau ngày cưới, chúng tôi mới có điều kiện sống gần nhau, trong một căn buồng tập thể, với 2 cái nồi, một để nấu cơm và luộc rau, một để kho cá kho thịt.

Sau đó 1 năm, nghĩa là 12 năm sau ngày cưới, tôi trở dạ đứa con đầu. Sáng, anh Bình đèo tôi đến bệnh viện, trưa lại phải đi Liên Xô ngay. 10 ngày sau mẹ con tôi ôm nhau về nhà, đến nửa đường gặp anh Nguyễn Cảnh Cầu, thấy thế, chắc là thương cảm, anh mua bó hoa và đưa mẹ con tôi về nhà anh Hoàng Đình Cầu (là anh con bác ruột anh Bình) để ở nhờ, và còn có bà Cầu chăm sóc thêm. Tháng sau anh Bình về nước, chúng tôi mới lại được về sống với nhau. Nhưng anh lại lên Công ty Gang thép Thái Nguyên làm việc. Lại tiếp tục xa. Năm 1959, chúng tôi phải đón mẹ tôi từ Huế ra để chăm cháu.

Năm 1960, tôi sinh con thứ hai, khi đó anh là Đại biểu Quốc hội phải ra mắt nhân dân, nên anh Tăng Văn Bằng (cũng là người được cử đi học ở Liên Xô năm 1951) đưa tôi đi sinh. Rồi mẹ con tôi lại lên nhà anh Hoàng Đình Cầu ở nhờ.

Sau khi có đứa con thứ 3, cả mấy mẹ con tôi quyết định khăn gói lên Thái Nguyên để gia đình được đoàn tụ. Mẹ tôi phản đối, ban đầu không đi theo, nhưng sau, chiến tranh ác liệt, anh Bình lại được điều về Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước ở Hà Nội, thương con cháu mẹ tôi lên Thái Nguyên.

Vợ chồng tôi cứ như vợ chồng Ngâu thế. Ngay khi còn ở với nhau ở Thái Nguyên, chẳng có năm nào anh ăn Tết cùng vợ con, cũng chẳng nghỉ phép bao giờ. Năm 1969, hết chiến tranh phá hoại, 5 bà con quay về Hà Nội. Nhưng chẳng được bao lâu, thì lại sơ tán, tôi đi Hà Bắc, bố con anh đi Tam Dương, Vĩnh Phú. Anh giáo dục cho con cái tính tự lập, con gái phải biết cả chữa xe đạp, con trai biết muối dưa.

Năm 1976, khi đã là Thứ trưởng, anh đề xuất phương án “Lấy thép nuôi thép, chống bao cấp”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị anh lên lại Thái Nguyên để chỉ đạo triển khai phương án này. 10 năm liền, anh lại gắn bó với thép, và xa vợ xa con.

Như tất cả các gia đình Việt Nam lúc bấy giờ, mẹ con tôi gồng mình lên để sống, từ trồng lá mơ đưa hàng thịt chó, đến nuôi lợn, nuôi gà. Năm 1986, anh về hưu được 1 bao cám và 1 con lợn giống thì coi như một tài sản.

Bây giờ anh đã yên nghỉ rồi, và yên lòng với những đứa con trưởng thành trong gian khó, tiếp nối được những phẩm chất tốt đẹp của bố. Chỉ thế thôi, cũng làm tôi quên hết những chặng đường gian nan mà vợ chồng tôi đã trải qua”.

Nữ giảng viên nông dân và “kiến trúc sư trưởng” Đường dây 500KV

Bà Nguyễn Thị Thiện Tín từng là sinh viên K6 Đại học Bách khoa và trở thành giảng viên của trường. Tròn 70 tuổi rồi nhưng trên gương mặt bà vẫn lưu giữ những nét thanh tú của một thời nhan sắc làm cho chàng giảng viên trẻ xuất thân K1 Bách khoa phải mê mẩn.

Hỏi về bà thì bà lại bảo bà chẳng làm được gì cả, chỉ lo cho cuộc sống gia đình thôi, để chồng con yên tâm làm khoa học mà không bị mối lo mưu sinh chi phối. Hiện lương hưu của bà hơn 3 triệu, chồng hơn 5 triệu, và một số tiền tích luỹ được từ sự thao lược của đôi tay người phụ nữ duy nhất trong gia đình 4 người ấy đủ cho hai ông bà sống ung dung.

Bà bảo: Ông nhận được nhiều lời mời làm hiệu trưởng trường này trường kia, hoặc chỉ cho “mượn” tên thôi, cũng khối tiền mà chẳng phải làm gì cả. Nhưng ông có lựa chọn khác: tham gia Hội đồng thẩm định nhà máy điện hạt nhân, đứng sau các học trò giúp họ làm khoa học, đóng góp ý kiến cho các vấn đề liên quan đến vấn đề điện lực của nước nhà, viết các bài báo khoa học…

Vợ chồng GS Trần Đình Long và gia đình hai con trai

Cái tên GS.TSKH, NGND, AHLĐ Trần Đình Long không còn lạ lẫm với nhiều người cả trong và ngoài giới khoa học. Người ta gọi ông là “kiến trúc sư trưởng” của Công trình Đường dây 500KV.

Bà Tín kể: Khi đứa con trai đầu lòng 1 tuổi thì ông đi làm PTS ở Liên Xô. Đến khi sinh con trai thứ hai thì ông đi làm TS. Đêm trước hôm ông lên đường, tôi bế con nhỏ, đứa con lớn nằm ngủ bên cạnh, hai vợ chồng thức cả đêm bàn nhau hay là thôi không đi nữa.

Ông ấy bảo con bé thế này, khó khăn thế này, anh sợ nó chết mất. Khổ, hồi ấy nghèo quá. May cho ông cái áo măngtô để ông mang đi mặc cho khỏi rét mà mãi không kiếm đâu ra tiền công để đi lấy áo về. Mà không dám nói với chồng. May mà cuối cùng cũng có anh bạn cho vay.

Những năm ấy, tôi không khác gì một bà nông dân: nuôi gà, ngan, trồng rau, trồng chuối. Lớp trưởng là Đặng Thị Kim Chi cứ phải đến đỡ đần, hoặc phân công các bạn trong lớp thay nhau trông con cho cô lên lớp. Khi con lớn lên, đi học, thậm chí tiền học cho con cũng còn khó khăn, chậm trễ. Mà cũng chẳng dám than phiền để chồng phải lo lắng, tự mình lặng lẽ bươn trải thôi.

Năm 1988, vào cái lúc “giá - lương - tiền” đó, tôi quyết định đi chuyên gia Cônggô để “cứu nhà”. Tôi gọi hai con trai lại, dặn: mẹ đi sang cái nước có ruồi vàng đó, có thể chết nữa, nhưng nhà nghèo quá, mẹ đành đi. Các con ở nhà cố gắng học cho giỏi, giúp ba”.

Vắng tôi, các con tôi tự lực lên nhiều. Nhưng với người phụ nữ, chỉ riêng chịu đựng nỗi nhớ thương xa cách với gia đình cũng rất khó khăn rồi. Năm 1990, tôi về nước thì con trai thứ hai Trần Hoài Linh đi thi Tin học quốc tế đạt giải Nhì.

Mấy tháng sau, tôi lại quyết định đi tiếp Ba Lan để lo kinh tế cho gia đình. Cả 3 bố con không ai phải lo đến đồng tiền bát gạo trong nhà ra sao.

Trần Hoài Linh học 14 năm từ Đại học đến bảo vệ Tiến sĩ khoa học ở Ba Lan là nơi, thời đó, mưa ra vàng nhưng cũng không phải làm kinh tế, chỉ chuyên tâm làm khoa học. Và cháu cũng không ở lại, từ chối nhiều nơi làm việc với nhiều cơ hội, mà lựa chọn về nước giảng dạy với mức lương khiêm tốn như nhiều giảng viên đại học khác ở Việt Nam. Rồi cháu đã trở thành một trong hai Phó Giáo sư, TSKH trẻ nhất Việt Nam vào năm 2007, khi mới 33 tuổi. Cháu vẫn ngày đêm miệt mài với công trình Trí tuệ nhân tạo của mình để ngày càng hoàn thiện nó.

Tôi được biết thêm, cũng năm 2007 ấy, bà Nguyễn Thị Thiện Tín được bình chọn là một trong 5 Phụ nữ Tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Có lẽ cũng vì đánh giá cao vai trò “người ở phía sau” của hai TSKH có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học của nước nhà.

khampha

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video