Người phụ nữ cầm súng tuyên chiến ‘yêu râu xanh’

18/11/2016
Dẫu vất vả với công việc đồng áng nhưng người phụ nữ Ấn Độ Shahana Begum (42 tuổi) suốt 17 năm qua vẫn vững tay súng tuần tra quanh làng để bảo vệ cho thiếu nữ trong làng và sẵn sàng trừng trị những kẻ cưỡng hiếp.

17 năm trước sau khi mất chồng, bà Shahana Begum đến từ huyện Shahjahanpur, bang Uttar Pradesh thuộc miền Bắc Ấn Độ đã rất lo lắng cho sự an toàn của bản thân và các con gái khi sinh sống trong một vùng nhiều đàn ông. Bà mẹ 4 con này đã quyết định tự bảo vệ chính mình bằng một khẩu súng trường.

Trước đây, cha và chồng của Begum đều đã từng sở hữu súng nên việc sử dụng chúng cũng không phải là quá khó với bà. Năm 1999, ngay sau khi nhận được giấy phép sở hữu và sử dụng súng đạn, bà Begum đã dùng tiền tiết kiệm để mua khẩu súng đầu tiên với giá 15.000 Rupee. Bà đã tự học cách ngắm bắn trên những cánh đồng trống sau nhà mình và dần trở thành tay thiện xạ.

“Khẩu súng giờ như người chồng thứ hai của tôi và luôn theo sát bên tôi. Tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ những người phụ nữ bé nhỏ đến hơi thở cuối cùng của mình. Phụ nữ cần được tôn trọng, bình đẳng như những người đàn ông thay vì bị coi là một loại hàng hóa. Tôi sẽ sẵn sàng giương súng nếu có kẻ đe dọa phụ nữ và trẻ em gái trong vùng”, bà Begum chia sẻ.

Nhờ có sự hiện diện của bà mà số lượng những vụ tấn công tình dục nhằm vào các thiếu nữ tại đây đã giảm đáng kể, một việc mà lực lượng cảnh sát khó có thể thực hiện được.

Năm 2013, bà Begum từng bắt và giao nộp cho cảnh sát 3 người đàn ông có hành vi cưỡng hiếp một cô gái trong suốt 2 ngày, buộc những kẻ cưỡng hiếp phải chịu trách nhiệm. Nhắc lại vụ việc xảy ra 3 năm trước, bà cho biết gia đình nạn nhân đã cố gắng báo cảnh sát nhưng không được cảnh sát giải quyết.
“Họ đã tìm đến nhờ tôi giúp đỡ. Đầu tiên, tôi đến đồn cảnh sát và bảo họ hãy thụ lý vụ án, nếu không tôi sẽ kiện lên chính quyền cấp cao hơn. Vì thủ phạm là những kẻ xuất thân từ một gia đình có ảnh hưởng trong vùng nên cảnh sát đã do dự, nhưng cuối cùng chúng cũng bị bắt. Tại đồn cảnh sát, tôi yêu cầu được gặp kẻ cầm đầu và ra lệnh cho cậu ta hãy chịu trách nhiệm về hành động của mình”, bà Begum kể.

Ngoài ra, bà Begum còn thường đi tới những khu vực lân cận để trao đổi cũng như khuyến khích phái yếu hãy đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của mình. Bà sẵn sàng giúp họ giải quyết những vấn đề trong phạm vi cho phép như tranh chấp đất đai, nguồn nước, của hồi môn hay quấy rối tình dục. Nếu gặp phải những vấn đề nghiêm trọng và bắt buộc phải có sự can thiệp của cảnh sát, bà Begum đã cùng những người phụ nữ khác cùng đi tới các cơ quan chức năng để thúc giục họ nhanh chóng giải quyết vụ việc.

Sehra Banu (20 tuổi), hiện đang sống cùng ngôi làng với bà Begum cho biết: “Tôi có nghe nói về những vụ các cô gái bị quấy rối hay cưỡng hiếp ở những vùng khác của bang nhưng ở đây những kẻ quấy nhiễu đều sợ “Bandookwali chachi” (Người cô cầm súng - biệt danh mọi người đặt cho bà Begum). Bà ấy là chỗ dựa của chúng tôi. Nhờ bà ấy mà chúng tôi có thể an tâm đi học và làm việc”.

Uttar Pradesh là một trong những bang đông dân nhất Ấn Độ đang gặp nhiều vấn đề liên quan tới hiếp dâm và tấn công tình dục. Theo thống kê của Cục Hồ sơ tội phạm bang Uttar Pradesh, số vụ hiếp dâm được trình báo tại bang này trong khoảng thời từ năm 2014 đến năm 2015 đã tăng 160%. Năm 2014, số vụ hiếp dâm là 3.467 vụ, năm 2015 tăng lên 9.075 vụ. Chỉ trong 3 quý đầu năm 2016, số vụ hiếp dâm được trình báo đã lên tới 11.012 vụ, trong khi số vụ quấy rối tình dục là 4.520 vụ.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video