Người phụ nữ không cam chịu đói nghèo

02/08/2020
Chọn con đường khác biệt, nhiều chông gai nhưng đã giúp bà trở thành niềm tự hào của gia đình, của cộng đồng dân tộc Cống ở bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Bà Lò Thị Nhẫn

Vượt qua khó khăn về vật chất, hạn chế về học thức và phong tục lạc hậu của đồng bào Cống… bà Lò Thị Nhẫn mạnh mẽ chọn cho mình một con đường riêng. Con đường khác biệt, nhiều chông gai nhưng đã giúp bà trở thành niềm tự hào của gia đình, của cộng đồng dân tộc Cống ở bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Nhìn bà Lò Thị Nhẫn cười, nghe bà say sưa cất lên những lời ca mang giai điệu truyền thống của đồng bào dân tộc Cống ngay trong cửa hàng tạp hóa to nhất bản Táng Ngá, chúng tôi thật khó hình dung, người phụ nữ ngồi trước mặt mình đã có những năm tháng tuổi trẻ vất vả như thế nào.

“Bản ngày trước ở phía dưới kia cơ. Cả bản đều là đồng bào dân tộc Cống, nhà nào cũng nghèo, chỉ biết đi đào củ mài, củ từ, củ sắn để ăn thay cơm. Áo không đủ mặc, chăn không có để đắp. Đói ăn là thế, nhưng tôi thích hát lắm, 18 tuổi tôi bắt đầu tự nghĩ ra lời để ghép với các giai điệu truyền thống mà các bà, các mẹ người Cống hay hát” – bà Nhẫn chia sẻ. Lời ca, tiếng hát của cô gái Lò Thị Nhẫn hát lúc lên nương, xuống suối đã cuốn hút chàng trai cùng bản Lò Văn Nên. 19 tuổi bà Nhẫn cùng ông Nên nên duyên vợ chồng. Cưới nhau không bao lâu thì ông Nên đi bộ đội. Suốt 4 năm ông Nên đi xa, bà Nhẫn ở lại bản chăm sóc bố mẹ chồng và nuôi con nhỏ. Trong trí nhớ của bà Nhẫn, cuộc sống khi đó là những tháng ngày cơ cực, thức dậy từ mờ sáng, lên nương đến tối mịt mà vẫn không đủ no bụng…

Không được đi học nên giống như rất nhiều người Cống ở Táng Ngá khi ấy, bà Lò Thị Nhẫn không biết chữ. Tuy nhiên, thấy bà nhanh nhẹn, hay lam hay làm, nên bà con trong bản tín nhiệm bầu bà vào Ban chấp hành Chi đoàn bản Táng Ngá, sau đó là bà tham gia vào Hội phụ nữ của bản. Ở vị trí nào bà cũng luôn tích cực đi đầu, được bà con tin yêu…

Năm 1984, ông Nên đi bộ đội trở về, ông kể cho bà nghe về việc khai hoang làm ruộng ở các địa phương khác mà ông đã chứng kiến. Khao khát thoát cái đói, đau đáu với những gì ông Nên kể, bà Nhẫn bàn với chồng khai hoang 1 héc-ta diện tích đất nương sang làm ruộng nước. Sớm tối lăn lội trên ruộng để dẫn nước, nhập điền, sục bùn, rải phân trồng lúa… vụ đầu tiên gia đình bà Nhẫn thu về 20 bao thóc, mỗi bao 50kg trong sự ngỡ ngàng của bà con trong bản.

Bà Nhẫn chăm sóc đàn ngan của gia đình

Nhìn bà Nhẫn làm, bà con đến hỏi han. Ai hỏi bà cũng giúp đỡ, động viên bà con chịu khó khai hoang chuyển đổi từ làm nương sang làm ruộng để tăng năng suất, với mong muốn cùng thoát cái đói, cái nghèo. Từ 3 hộ nghe và làm theo gia đình bà, đến nay đã có 94/97 hộ ở bản Cống làm ruộng nước. Nhờ đó, cả bản đã thoát khỏi tình trạng thiếu gạo triền miên. Chăm chỉ, chịu học hỏi, bà Nhẫn còn tích cực chăn nuôi, trồng quế, trồng mắc ca theo các chương trình mà địa phương được hướng dẫn, hỗ trợ. Trong chuồng nhà bà, lúc nào cũng có vài con trâu, bò, đôi chục con dê, ngan vịt đếm không hết. Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng ngan cạnh nhà, bà Nhẫn phấn khởi khoe: “Đây là ngan Nhà nước hỗ trợ cho các hộ đồng bào Cống đấy. Tháng 10/2019, tôi được nhận 44 con giống, nay đàn đã được hơn trăm con rồi”.

Nhắc tới bà Lò Thị Nhẫn, anh Lý Văn Chém - nguyên Trưởng bản Táng Ngá từ năm 2011 - 2015 cho hay: Chuyện khai hoang trồng lúa nước, tăng vụ, tăng năng suất để làm ra nhiều lúa gạo của bà Nhẫn lúc đó mang ý nghĩa tiên phong để bà con trong bản học theo, phát triển kinh tế tập trung, hiệu quả và đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tuổi cao, nhưng bà Nhẫn còn nhiệt tình hướng dẫn đội văn nghệ của bản, nhằm giữ lại những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cống.

Với những đóng góp của mình, bà Lò Thị Nhẫn vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen nhân dịp Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Lai Châu lần thứ III năm 2019. Bà là 1 trong 33 đại biểu của tỉnh Lai Châu được chọn tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020.

congthuong.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video