Người phụ nữ mạnh dạn phát triển từ nghề may truyền thống sang may xuất khẩu

01/09/2016
Chị Trần Thị Miễn ở thôn Hương Sơn, xã Triệu Sơn, tỉnh Quảng Trị 49 tuổi đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề thợ may ở chợ Cạn. Nuôi 3 con ăn học, tạo dựng cuộc sống gia đình cũng chính là nhờ nghề may này, chị còn mạnh dạn mở xưởng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương….

Học xong lớp 9, gia đình khó khăn, để giúp cha mẹ nuôi các em ăn học, chị Miễn quyết định đi học nghề may để kiếm tiền. Học xong nghề, chị thuê quán ở chợ Cạn cũ để mở cửa hàng. Nhờ chịu khó và khéo léo nên khách hàng đến cửa hàng chị may ngày càng đông. Vừa làm, chị vừa kèm cặp, dạy nghề cho nhiều chị em trong xã, tính đến nay chị đã dạy nghề cho gần 100 chị em.

Khi chợ Cạn mới được xây dựng khang trang, vợ chồng chị quyết định bỏ ra 34 triệu đồng để mua một lô đất ở mặt đường làm cửa hàng. Chợ Cạn đi vào hoạt động, đường xá mở rộng, nhờ vậy thu nhập nghề may khá ổn định, đặc biệt vào các dịp hè, tết, hàng nhiều, may không kịp chị phải gọi thêm người phụ may.

Năm 2012, câu lạc bộ doanh nghiệp nữ nhỏ được thành lập do chị làm chủ nhiệm đã thu hút 32 chị phụ nữ trong xã làm từ các nghề kinh doanh, dịch vụ, kết hợp chăn nuôi trồng trọt tham gia sinh hoạt. Với sự nhiệt tình của chị Miễn trong tổ chức, xây dựng các nội dung hoạt động, câu lạc bộ Doanh nghiệp nhỏ trở thành nơi chị em gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, chia sẻ với nhau về cuộc sống. Đặc biệt, nhận được sự quan tâm và hỗ trợ 120 triệu đồng từ Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, một số chị em có thêm vốn mở rộng kinh doanh, chăn nuôi, nhiều chị đã có thu nhập khá.

Trước thực trạng một số phụ nữ trong xã không có việc làm, con em học hết lớp 12, một số em vào Nam làm việc nhưng cuộc sống không đủ đảm bảo lại quay trở lại địa phương, chị Miễn đã mạnh dạn lên công ty Cổ phần may Quảng Trị (Xí nghiệp may Lao Bảo) đặt vấn đề với ban giám đốc xin nhận hàng về may và gọi thêm một số chị đến làm, trả lương theo sản phẩm. Làm nghề lâu năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật may nên bước đầu chị nhận 1000 sản phẩm về may đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, hàng không bị lỗi trả lại.

Thấy chị có tay nghề khá, công ty Cổ phần may Quảng Trị quyết định thuê mặt bằng quán của chị và nhà ở của người dân gần đó mở dây chuyền may tại chợ Cạn, cử chị làm quản lý. Ban đầu đi vào hoạt động, cơ sở may xuất khẩu đã thu hút 40 lao động nữ gồm chị em trong xã và các xã lâncận ở Triệu Lăng, Triệu Trạch. Vừa quản lý công nhân, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị lại đi về các địa phương tuyển thêm công nhận may, dự kiến sẽ thu hút 100 công nhân may trong thời gian tới. Với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng và được hưởng các chế độ bảo hiểm khác theo thông báo của công ty, sẽ là điều kiện để chị em phụ nữ ở nông thôn có thu nhập và việc làm ổn định.

Chạy qua chạy lại ở dây chuyền may cả ngày như con thoi, chị Miễn không cảm thấy mệt mà thay vào đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lộ rõ trên khuôn mặt rám nắng. Cách nghĩ, cách làm như chị Miễn ở Triệu Sơn là thể hiện phẩm chất tự tin, táo bạo, dám nghĩ dám làm của người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trần Thị Phước- Triệu Phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video