Người phụ nữ say mê với dược liệu

16/05/2017
“Dược liệu là phải trồng tại đất đồi, đất rừng, tích tụ được nắng, gió, mưa của trời đất mới tạo nên dược tính”, chị Nguyễn Thanh Tuyền vừa nói vừa dẫn chúng tôi lên ngọn đồi trồng dược liệu tại thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), giới thiệu những cây dược liệu đang được trồng tại đây.

Bắt đầu từ năm 2014, chị Tuyền cùng các thành viên Hội Nghiên cứu trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu Việt Nam về Bắc Sơn tạo ra vườn dược liệu hữu cơ với nhiều bài thuốc quý. Giờ đây, kim ngân hoa, trà hoa vàng, bạch hoa xà thiệt thảo, khôi tía, lan kim tuyến… được trồng phủ kín mảnh đất đồi cằn cỗi này.

Chị Tuyền luôn mơ ước có thể đem thảo dược Việt đến mọi nhà với mức giá bình dân và chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, chị luôn trăn trở khi tại các địa phương, bà con nông dân sở hữu nhiều cây thuốc quý nhưng họ khai thác quá mức và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, dẫn đến dược liệu mất hết dược tính. Đó chính là lý do thôi thúc chị xây dựng cánh đồng dược liệu tại thôn Phúc Xuân nhằm bảo tồn và phát triển những cây dược liệu quý của Việt Nam, đồng thời cung cấp dược liệu sạch đến các công ty dược, hướng đến phát triển kinh tế bền vững cho người nông dân vùng đất này.

Để bảo tồn và phát triển được 70 loại dược liệu, chị Tuyền đã về đến nhiều bản làng xa xôi, thậm chí vào rừng sâu để gom góp, sưu tầm các giống cây khác nhau. Ngoài vườn dược liệu tại xã Bắc Sơn, chị đã nhân rộng mô hình của mình đến hai xã khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn là Xuân Giang và Trung Giã. Tổng diện tích trồng dược liệu trên toàn huyện nâng lên 15ha, trong đó chị dành riêng 0,5ha đất đồi tại Bắc Sơn để xây dựng khu bảo tồn giống dược liệu quý. Ba vùng dược liệu của chị Tuyền được xây dựng theo hình thức thuê đất đồi và liên kết với người nông dân, hợp tác xã tại bản địa. Với phương châm đã là dược liệu thì phải sạch mới có tác dụng chữa bệnh, chị Tuyền phát triển vườn dược liệu theo hướng hữu cơ, đất được bón bằng phân vi sinh, phân trùn quế, nguồn nước tưới được dẫn từ trên núi xuống. Sau khi thu hoạch, cây dược liệu được phơi trên giàn để tránh chạm đất hoặc đem sấy bằng tia hồng ngoại khi thời tiết có độ ẩm cao. Để phòng ngừa sâu, nấm bệnh, chị Tuyền chỉ sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf ngay từ khâu làm đất. Với quy trình kỹ thuật khắt khe như vậy nên cây dược liệu của chị luôn bảo đảm dược tính. Chính vì sản phẩm chất lượng tốt, nhiều công ty dược đã tìm đến vườn dược liệu này để bao tiêu sản phẩm. Ngoài cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, một số loại thảo dược được chị Tuyền chế biến thành các sản phẩm tinh dầu, trà thảo dược chữa bệnh như khôi tía trị bệnh dạ dày, râu mèo trị bệnh Gút...

Hiện nay, mô hình trồng dược liệu của chị Tuyền nhận được sự ủng hộ tích cực không chỉ từ người dân địa phương mà cả chính quyền huyện Sóc Sơn. UBND huyện đã đồng ý tài trợ phân bón cho các vườn dược liệu của chị và xây đường bê tông lên thẳng vườn dược liệu tại xã Bắc Sơn. Với niềm đam mê dành cho cây dược liệu, chị Tuyền hy vọng trong tương lai có thể xây dựng được một vườn dược liệu quốc gia để có thể vừa bảo tồn các loài thuốc quý, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, vừa tạo thêm việc làm cho người dân nước nhà.

qdnd

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video