Người phụ nữ tìm nghề cho quê hương

13/11/2011
Gia cảnh vô cùng khó khăn vì chồng bệnh tật, nợ nần chồng chất… nhưng chị đã gượng dậy, vươn lên và trở thành chỗ dựa cho nhiều nông dân ở quê mình.

Đó là chị Nguyễn Thị Phương (44 tuổi) ở thôn 11, xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, Thanh Hoá.

Một thân đi tìm nghề

Năm 2005 chồng chị Phương qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Trước khi chồng mất, chị đã phải bán hết cả gia sản để lấy tiền chạy chữa, thuốc men cho chồng. Thế nên, sau khi chồng qua đời, ngoài nỗi đau tinh thần, chị còn phải gánh thêm nhiều khoản nợ lớn.

Cuộc sống quá khó khăn, chị đã phải bươn chải nhiều nghề khác nhau như: Đi thu mua đồng nát, buôn bán quần áo ở các chợ… để trả nợ và gắng nuôi 3 đứa con đang độ tuổi ăn học. Nhưng, dường như những nghề ấy không có duyên với chị.

Năm 2008, thấy người bạn ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc làm nghề mây tre đan hiệu quả, chị Phương quyết định tìm đến để học nghề. Sau một thời gian học ở nhà bạn, nhận thấy kỹ thuật còn hạn chế, chị đã khăn gói ra huyện Duy Tiên (Hà Nam) để tìm hiểu thêm về kỹ thuật nghề mây tre đan.

Sau 2 tháng học nghề, chị về quê dốc toàn bộ vốn liếng, vay thêm vốn của Hội Phụ nữ xã, Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống. Với hơn 30 triệu đồng vốn khởi nghiệp ban đầu, chị đầu tư vào tổ chức làm nghề mây tre đan xuất khẩu.

Để có nguyên liệu sản xuất, chị Phương phải thuê ô tô lên huyện miền núi Bá Thước nhập ống giang, ra tỉnh Hà Nam mua dây mây đem về nhà, rồi mở lớp dạy nghề cho ai muốn học. Ban đầu, nhiều người chưa tin tưởng chị nên không mấy người đến học, phải mất vài tháng, khi thấy rõ hiệu quả của nghề này số người tìm đến nhà chị học nghề mới đông dần lên. Dần dà, rất nhiều người trong làng đến đăng ký học.

Chị Phương tự nhủ: “Đã học là phải học bài bản, đàng hoàng để chị em làm được nghề, tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn”. Vì vậy, đầu năm 2009, chị quyết định thuê 2 giáo viên ngoài Hà Nam về dạy nghề cho hơn 200 chị em trong, ngoài xã học tại gia đình chị. Đồng thời, chị đấu mối với Công ty Hoè Cường (Duy Tiên, Hà Nam) để thu mua nguyên liệu, xuất hàng cho chị em trong xã.

Truyền nghề cho làng

Cơ sở sản xuất hàng thủ công mây tre đan của chị Phương ngày càng đông người trong làng, xã, thậm chí ở một số xã lân cận cũng đến xin làm. Với mục tiêu mở rộng cơ sở sản xuất, năm 2010 chị mạnh dạn thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công (HTX) Khánh Phương.

Bà Hà Thị Thanh (61 tuổi) thôn 11, cho biết: “Tôi sống một mình không chồng con, lại thường xuyên đau ốm, thu nhập chỉ trông vào gần 1 sào ruộng, không đủ ăn. May có nghề này làm thêm được 30.000 đồng/ngày nữa, giờ cuộc sống cũng tạm ổn”.

Ngoài việc đào tạo nghề cho người dân trong xã, HTX Khánh Phương thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho chị em các xã lân cận. Đến nay, số lao động của HTX là hơn 600 người, trong đó có 10 phụ nữ là nạn nhân chất độc da cam, tàn tật.

Cùng chung niềm vui như bà Thanh, chị Hà Thị Bộ (45 tuổi), thôn 7, xã Minh Nghĩa, cho hay: “Ngoài thời gian đi làm đồng, tôi tranh thủ những lúc rảnh rỗi ngồi đan lẵng hoa, hàng hộp cho HTX. Mỗi ngày, tôi đan được 2 cái lẵng hoa, bình quân thu nhập thêm 40.000 đồng/ngày. Dựa vào nghề này, tôi có thêm tiền gửi cho thằng út đang học đại học”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Phương đã giúp đỡ được nhiều người trong và ngoài xã cùng vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Riêng gia đình chị mức thu nhập bình quân (khi đã trừ chi phí) đạt 30 triệu đồng/tháng. Theo chị Phương, đến nay vốn đầu tư vào HTX Khánh Phương là khoảng 500 triệu đồng, chưa kể vốn lưu động quay vòng.

“Mong muốn của tôi là cần thêm vốn để lưu động hàng hoá, thêm đất để xây dựng xưởng mây tre đan xuất khẩu, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho chị em có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật có việc làm phù hợp, để chị em có thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống”- chị Phương nói.

Theo danviet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video