Người phụ nữ ước mơ đưa giống sâm quý ở chân núi Dành thành đặc sản địa phương

17/12/2020
Gia đình chị Giáp Thị Chinh ở đội 13 thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (chân núi Dành) làm một trong số ít các gia đình đã và đang tích cực góp phần bảo tồn, duy trì loài sâm quý hiếm ở chân núi Dành
Chị Chinh trong vườn sâm của gia đình

 

Loài sâm quý ở Núi Dành

Núi Dành còn có tên khác là núi Chung Sơn, thuộc địa phận của hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây nổi tiếng có loài sâm quý, hiếm là sâm Nam hay cát sâm. Tương truyền có một loài sâm quý mọc ở núi Dành đã chữa khỏi bệnh mù lòa cho mẹ vua Tự Đức. Từ khi trở thành sản vật tiến vua, sâm Nam núi Dành được coi như “sâm tiên”, người đời săn tìm ráo riết. Một gốc sâm to có thể đổi được cả tạ gạo trắng. Ngoài ra, sâm được sử dụng để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể và có tác dụng chống lão hóa tế bào, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein của tế bào mới, rất tốt cho trẻ em và người bị cảm, sốt cao...

Trước những giá trị của sâm Nam núi Dành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" do Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao chủ trì. Theo đó, sự phân bố của sâm Nam núi Dành rất hẹp chỉ có ở núi Dành với diện tích khoảng 110m2. Qua phân tích đánh giá định tính một số nhóm chất chính trong mẫu sâm cho thấy nó có chứa các nhóm chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid. Hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam.

Nữ nông dân bảo tồn và phát triển kinh tế cây sâm Nam núi Dành

Gia đình chị Giáp Thị Chinh ở đội 13 thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (chân núi Dành) làm một trong số ít các gia đình đã và đang tích cực góp phần bảo tồn, duy trì loài sâm quý hiếm này.

Chị Chinh cho biết, trong vườn sâm của gia đình chị có gốc sâm tổ tuổi đời gần 70 năm. Chị bảo khi về làm dâu, chị đã thấy có cây sâm quý này. Khi trẻ con bị nóng sốt hay nhiệt miệng thì đào củ sâm lên sao uống cho mát, bệnh sẽ dần khỏi mà không cần dùng thuốc. Hàng xóm xung quanh lúc cần cũng thường sang xin, bố mẹ chồng chị lại vui vẻ đào cho họ.

Chị Chinh khẳng định, nhân giống sâm cũng đơn giản, chỉ cần lấy đất bọc vào nhánh cây sâm, sau một thời gian nhánh cây mọc rễ thì cắt ra đem xuống trồng bình thường, cứ như vậy, sẽ có những cây sâm con. Sâm núi Dành leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm, chăm sóc khá đơn giản. Củ ở những cây sâm 1 - 2 năm tuổi chỉ to bằng ngón tay út người trưởng thành, ngoài 5 năm tuổi, sâm mới cho củ chất lượng và sử dụng được. Củ sâm Nam có phần vỏ ngoài màu vàng nhạt, phần ruột có vị ngọt thanh mát, thơm dịu. Tuổi thọ của sâm sẽ quyết định sắc vàng của nó, sâm càng già tuổi thì độ vàng óng càng cao. Sâm tươi có thể sử dụng để ngâm rượu hoặc đun nước uống đều rất tốt cho cơ thể, hoa sâm cũng được sử dụng làm trà. Hiện, củ sâm tươi nhà chị bán ra thị trường với giá 2 triệu đồng/kg, hoa sâm sao khô bán 600 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, nguồn thu từ cây sâm Nam đem về cho gia đình chị Chinh hơn 200 triệu đồng.

Ban đầu, gia đình chị Chinh chỉ có 10 m2 ở góc vườn để trồng sâm nhưng hiện nay đã nhân rộng gần 1 mẫu với vài nghìn gốc cây từ 3 - 6 năm. Sau gần 6 năm trồng đại trà, vườn sâm của gia đình chị đã cho thu hoạch, củ to bằng ngón chân cái. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp giống cho bà con trong vùng cùng trồng. Mỗi bầu sâm giống, chị Chinh bán giá 35 nghìn đồng. Sâm củ và sâm giống sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu.

Từ những thành công của mô hình nhân giống sâm núi Dành, chị Chinh mong muốn đưa loài thảo dược quý này thành hàng hóa mang thương hiệu địa phương. Và rất phấn khởi khi được biết, trong những năm tới, địa phương sẽ quy hoạch, phát triển đại trà loài sâm, phát triển mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết, bảo tồn nguồn gen và tiếp tục hỗ trợ cho bà con triển khai Dự án để phát triển sản phẩm sâm núi Dành.

Khánh Quyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video