Người phụ nữ vực dậy nghề thêu

09/12/2010
Sinh ra và lớn lên ở thôn Chùa, xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang- làng quê vốn nổi tiếng về nghề thêu, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Làn (SN 1961) đã được tiếp xúc với khung thêu, kim chỉ. Mười tuổi, chị biết thêu thành thạo, 21 tuổi, chị đã là một thợ thêu có tiếng trong thôn.

Những năm 70 của thế kỷ trước, nghề thêu ở đây phát triển mạnh. Người dân trong thôn luôn bận rộn với cây kim, sợi chỉ, nhiều hộ sung túc lên bởi nghề thêu. Tuy nhiên vào những năm 90, do sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, ngày công thấp, nhiều người bỏ nghề để làm việc khác có thu nhập cao hơn. Số người còn gắn bó với nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trước sự mai một của làng nghề, chị Làn không khỏi băn khoăn. Sau một thời gian dài gom góp vốn liếng, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, năm 2003,  chị  Làn quyết định mở Hợp tác xã (HTX) Hoàng Lan. Lúc đầu do vốn liếng, kinh nghiệm hạn chế, sản phẩm chưa có thị trường, chị Làn cùng một số chị em trong HTX chỉ dám nhận gia công cho các cửa hàng chăn, ga, gối, đệm của thành phố. Tuy nhiên cách làm "lấy công làm lãi" này không thể bảo đảm thu nhập cho xã viên,  HTX đứng trước nguy cơ giải thể.

Không nản trí và để tạo hướng "đột phá" cho HTX, nhận thấy trong thôn còn nhiều thợ thêu giỏi vẫn nặng lòng với nghề, chị dành thời gian tìm gặp từng người, vận động vào HTX. Khi có được nguồn nhân lực có tay nghề vững, chị mạnh dạn tự thiết kế mẫu mã để chị em thêu; đồng thời mở lớp tập huấn, mời nghệ nhân ở nhiều tỉnh lân cận về truyền nghề cho chị em. Nhờ giữ chữ tín với khách hàng, sản phẩm làm ra bền, đẹp, giá cả phải chăng, chẳng bao lâu HTX Hoàng Lan đã được nhiều tư thương đến đặt hàng. 

Hiện xưởng thêu của HTX tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Có đơn đặt hàng với số lượng lớn, chị Làn phải thuê thêm nhân công, số lượng lên tới 70-80 người. Sau khi trừ chi phí, doanh thu hằng năm của HTX luôn đạt con số hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm thế mạnh của HTX chủ yếu là tranh phong cảnh, tranh phố cổ... Nhiều thời điểm, HTX sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Gần đây, chị Làn còn đưa sản phẩm thêu ren của HTX "xuất ngoại" sang các nước: Ba Lan, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... "Hiện sản phẩm tranh thêu của HTX ngoài số ít có giá từ 70 - 100 nghìn đồng/bức để phục vụ đối tượng khách hàng bình dân, còn lại hầu hết có giá từ 500 - 700 nghìn đồng/bức. Với những đơn đặt hàng đặc biệt, các mẫu tranh sử dụng tơ tằm, có giá từ 5-8 triệu đồng/bức", chị Làn bộc bạch.

 Không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương, HTX của chị còn đào tạo nghề cho nhiều trẻ khuyết tật rồi nhận các em vào làm việc. Hiện trong xưởng thêu  có 12 trẻ khuyết tật làm việc, nhiều em đã trở thành những tay kim giỏi của xưởng như em Loan, Huyền, Mến...

Bằng hướng đi đúng qua việc chọn sản phẩm tranh thêu là chủ yếu, HTX Hoàng Lan từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, trẻ khuyết tật mà còn thiết thực giữ được nghề truyền thống ở địa phương từng có từ nhiều năm nay.

Theo BGO (LH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video