Người phụ nữ vươn lên làm giàu

11/09/2006
Chị Phan Thị Kim Thanh, ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp (Đắc Lắc) được nhiều người biết đến như là người biết làm kinh tế giỏi. Mỗi năm, gia đình người phụ nữ nông thôn này có thu nhập trung bình khoảng 150 triệu. Để có nguồn thu nhập đó, chị đã chịu bao nhiêu vất vả, cực nhọc, phấn đầu để vươn lên.

Năm 1996, sau khi vay được 25 triệu đồng từ Ngân hàng huyện, chị Thanh mạnh dạn đầu tư vào nuôi heo. Ban đầu để thăm dò, chị đầu tư với quy mô vừa phải, dần dà đã phát triển với quy mô lớn hơn, bình quân mỗi năm trong chuồng có 4 con heo nái và 25 con heo thịt. Nhận thấy hiệu quả chăn nuôi đem lại, năm 2003 chị vay thêm 80 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư cải tạo 6000m2 diện tích đất bỏ hoang gần nhà, biến nó trở thành 7 hồ nuôi cá thịt và ươm cá giống để xuất cho bà con. Hiện tại, bình quân mỗi hồ hàng năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Chỉ tính riêng vụ cá thu hoạch tháng 4 - 2006, với việc thả nuôi 7 vạn cá diêu hồng, trắm cỏ, rô phi, trê lai... đã đem lại nguồn thu trên 200 triệu đồng cho gia đình. Để tăng thêm nguồn thức ăn cho cá, chị Thanh tiến hành trồng cỏ dọc theo ven hồ, đồng thời kết hợp nuôi gia súc. Ngoài ra, chị Thanh còn có nguồn thu từ vườn tiêu với tổng số 380 trụ, đạt năng suất 1,2 tấn/năm.

 

Chị Thanh cho biết, sự thành công của gia đình chị hôm nay có sự ủng hộ một phần về vật chất cũng như tinh thần của Hội Phụ nữ thị trấn Kiến Đức. Chị còn nhớ, có thời điểm kinh tế gia đình gặp khó khăn, chị đã được Hội Phụ nữ thị trấn góp vốn cho vay 5 triệu đồng, ''của ít, lòng nhiều'' đã thêm nguồn động viên giúp vợ chồng chị có niềm tin vững bước vươn lên làm kinh tế. Không chỉ là người phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Thanh còn là người luôn nhiệt tình tham gia các phong trào của Chi hội phụ nữ khối, tại các buổi sinh hoạt chi hội, chị truyền đạt lại những kỹ thuật trong chăn nuôi cho các chị em như cách xử lý ao hồ, chuồng trại, hay phòng dịch bệnh cho gia súc... Chị còn giúp các hội viên hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống để họ có điều kiện cùng vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Những khi có thời gian, chị thường đi tới những hộ gia đình làm kinh tế giỏi tại các địa phương để học hỏi những kinh nghiệm về áp dụng nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng. Hiện tổng thu nhập bình quân của gia đình chị đạt gần 150 triệu đồng/năm.

 

Với nguồn thu nhập đó, đến nay, chị đã trả được hơn nửa tổng số vốn vay Ngân hàng. Cũng nhờ kinh tế khá giả lên, chị đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng, phương tiện phục vụ cho quá trình nuôi trồng và cuộc sống gia đình.

 

Tuy bận bịu với công việc, nhưng chị Thanh vẫn thường xuyên quan tâm, theo dõi việc học của 4 đứa con, nhắc nhở các con chăm lo học hành. Thương cha mẹ sớm hôm vất vả nên các con của chị rất chăm học, năm nào cũng nhận được giấy khen. Chị Thanh tâm sự: “Tuy có vất vả, song giờ đây thấy các con có điều kiện học hành đầy đủ, lại chăm ngoan, đó là điều hạnh phúc nhất của tôi”.

 

Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình chị Thanh đang được bà con nông dân trong huyện áp dụng. Mong muốn của chị là sớm trả hết số vốn vay của ngân hành để từ đó có điều kiện mở rộng thêm quy mô sản xuất.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video