Người phụ nữ vượt khó làm giàu

30/12/2008
Theo dòng ký ức của chị Nguyễn Thị Thiết - hội viên Hội LHPN xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tôi phần nào hình dung được những khó khăn trong cuộc sống mà chị phải đối mặt khi năm 1999 chồng chị bị bệnh không may qua đời để lại cho chị 2 đứa con thơ dại, cháu lớn 12 tuổi, cháu bé mới 3 tuổi do mắc bệnh hiểm nghèo. Từ khi cháu mới được 5 tháng tuổi, mỗi tháng gia đình phải đi tiếp máu cho cháu một lần mới duy trì được sự sống. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chị chông chênh với nỗi đau mất chồng, với nỗi lo phải bươn chải trong cuộc sống để nuôi dạy các con.

Không có tiền, phương tiện và tài sản có giá trị duy nhất của gia đình chị là chiếc xe đạp đã cũ. Chị ngày đêm trăn trở khi phải lo cho cháu lớn đi học, chi phí chữa bệnh cho cháu bé mỗi ngày một nhiều. Sự nghiệt ngã của số phận khiến chị suy sụp tưởng như không thể nào gượng dậy được. Đã có lúc chị thầm trách sao cuộc sống lại éo le với chị như vậy! Song bằng sự quyết tâm và nghị lực của chính mình, sự động viên giúp đỡ của 2 gia đình, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và đặc biệt là các chị cán bộ Hội phụ nữ trong thôn, xã, chị thấy như vơi đi phần nào nỗi buồn. Chị tự động viên mình cố gắng, với vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha, ngoài việc chăm lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, chị còn tích cực tham gia hoạt động do Hội LHPN tổ chức. Hàng năm chị đã tích cực đăng ký thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Một mặt chị tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao, áp dụng KHKT vào sản xuất do Hội phụ nữ và địa phương tổ chức, mặt khác chị thường xuyên mua, mượn sách chuyên đề trồng cây ăn quả để tìm hiểu. Để có kinh nghiệm sản xuất và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, chị đã đăng ký tham gia câu lạc bộ trồng cây ăn quả, tích cực đi học tập kinh nghiệm của một số hộ làm cây giống có hiệu quả cao.


Khi đã có kiến thức, chị làm đơn vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội số tiền 3 triệu đồng. Có kỹ thuật, có vốn, chị đã áp dụng ghép cây nhãn dòng - giống nhãn muộn đặc sản. Sau một năm thực nghiệm, trừ chi phí cho thu nhập 15 triệu đồng. Với thành công ban đầu, chị quyết định bước đột phá là có mở rộng sản xuất thì mới phát triển được kinh tế gia đình, có điều kiện chăm lo cho các con. Từ suy nghĩ phải tích cực nghiên cứu thị trường, được Hội LHPN tư vấn cách tiếp thị và kỹ năng bán hàng, năm 2003 chị mạnh dạn vay 10 triệu đồng vốn Ngân hàng NN & PTNT để mua thêm 1 mẫu ruộng và ghép 3 sào nhãn giống. Chị đăng ký với Trung tâm khuyến nông của tỉnh và Hội chợ giống cây trồng, vật nuôi do Bộ NN & PTNT tổ chức tại Hà Nội. Thành quả thu được thật xứng đáng khi năm 2004, gia đình chị được thu từ nhãn giống, nhãn quả trên 100 triệu đồng, tự tin với những kết quả đã đạt được, chị thầu thêm 1 mẫu vườn. Với hơn 2,5 mẫu vườn, ươm trên 2 vạn cây nhãn giống và trên 30 cây nhãn quả ước tính năm 2007 cho thu nhập trên 170 triệu đồng.

 

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực học hỏi nuôi dạy con tốt, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, của Hội, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. 5 năm liền chị đều được bình xét là hội viên xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua. Chị thật xứng đáng với danh hiệu Phụ nữ xuất sắc tiêu biểu toàn quốc và Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.

Trần Thị Tuyết
Hội LHPN tỉnh Hưng Yên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video