Người ươm những mầm xanh trên mảnh đất biên cương

15/03/2021
Đó là chị Nguyễn Thị Hà, hội viên chi hội phụ nữ thôn Voi Xô, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, chị cũng luôn dành thời gian quan tâm đến công việc gia đình và tham gia vào những phong trào do hội phụ nữ phát động.
Chị Nguyễn Thị Hà đang chăm sóc vườn ươm của gia đình

Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Lâm nghiệp Quảng Ninh, chị làm việc tại Đội Lâm nghiệp Phì Phà thuộc Lâm trường Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 2010, Đội Lâm nghiệp Phì Phà giải thể, sau đó chị chuyển sang làm ươm cây keo hom tại gia đình.

Năm 2013, chị tham gia Hội Phụ nữ, trong quá trình tham gia sinh hoạt, bản thân chị đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích và điều đó càng giúp chị có thêm quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Bởi vậy, được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ xã, chị đã tham gia lớp học nghề ngắn hạn về ươm cây keo hom. Từ những kiến thức được tiếp thu, chị Hà đã mạnh dạn đầu tư vay vốn từ Ngân hàng thông qua tổ chức hội phụ nữ và người thân trong gia đình để ươm hơn 20 vạn cây keo hom bán ra thị trường nhưng tại thời điểm đó, nhu cầu trồng keo của người dân không nhiều, giao thông đi lại khó khăn nên số lượng cây bán ra thị trường ít, nhiều cây bị quá lứa không bán được phải vứt bỏ.

Mặc dù vậy, với tinh thần học hỏi và tìm hiểu nhu cầu, thị yếu của khách hàng, quyết không nản chí, gia đình chị tiếp tục trồng thêm cây giống làm cây chủ để có nguồn cung cấp cho thị trường. Với sự cần cù, chịu khó, tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc, cây đã cho mầm khỏe, phát triển tốt nên càng được khách hàng tin cậy, lựa chọn sản phầm của gia đình. Vì vậy, giá cả cũng ổn định hơn và cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Trong những năm gần đây, gia đình chị đã mở rộng quy mô vườn ươm lên 5,3 sào và làm được 60 đến 80 vạn cây/năm, với giá thành thành ổn định (từ 300 đến 400 đồng/cây, có thời điểm giá tăng lên 500 đến 700 đồng/cây) nên cho thu nhập khoảng 250 đến 300 triệu đồng/năm. Đồng thời, tùy vào thời điểm (khoảng 3 tháng/năm) gia đình chị cũng tạo việc làm cho 3 lao động tại địa phương với thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu, chị nhận thấy trồng rừng bạch đàn phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, chị bàn với chồng vay thêm vốn đầu tư mua 03 ha đất rừng và trồng được 4.400 cây bạch đàn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật từ chọn giống và chăm sóc cây theo thời điểm sinh trưởng đến nay, rừng cây của gia đình được khai thác cho thu nhập khoảng 420 triệu đồng. Tổng thu nhập từ nguồn ươm keo hom và trồng rừng được khoảng 520 triệu đồng/năm. Từ đó, gia đình chị đã trả được gốc và lãi cho Ngân hàng, người thân. Đồng thời xây dựng ngôi nhà khang trang, công trình phụ và sắm sửa nhiều vận dụng có giá trị phục vụ nhu cầu cuộc sống của gia đình.

Là hội viên phụ nữ, chị luôn tích cực tham gia các phong trào của Hội. Đồng thời, chị cũng có điều kiện giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những gia đình hội viên phụ nữ nghèo bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cách làm cây con và liên hệ các đầu mối để xuất bán cây keo hom cho các hộ trong thôn. Đối với chị Hoàng Thị Vân là hội viên chi hội phụ nữ thôn Voi Xô - phụ nữ nghèo làm chủ hộ đơn thân bị tâm thần, gia đình chị giúp đỡ bằng hiện vật cụ thể như gạo với tổng giá trị 1.300.000 đồng. Với tinh thần tích cực phát triển kinh tế, tham gia tốt các phong trào, hoạt động hội, có tấm lòng tương thân tương ái, từ năm 2013 đến nay, gia đình chị được công nhận là “Gia đình văn hóa”, đạt hộ gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn.

 

Triệu Thị Hiệp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video